NHAT_BAN

Đây là một cuốn sách quan trọng đối với người làm giáo dục, đổi mới.
Thần kì Nhật bản và cách làm của người Nhật luôn là một chủ đề thú vị và đáng tìm hiểu đến nơi đến chốn. Cuốn này, cùng với “Khuyến học” và “Phúc ông tự truyện” của Yukichi mang đến cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc và đầy cảm xúc trước công cuộc Duy Tân kì diệu của nước mặt trời mọc hơn một thế kỉ trước.
Khác với nhiều nhận định hiện nay về yếu tố thành công quyết định nhất tới cuộc Duy Tân là từ giáo dục hoặc từ một đấng minh quân có tên Minh Trị, một “người bên trong Duy Tân” – ngài Oukuma Shigenobu lại có tiếp cận hướng dài rộng hơn hẳn, và đề xuất nguyên nhân cho sự Duy Tân và thành công của nó nằm ở ba yếu tố:
1. Thần đạo (nối dõi thần quốc); 2. Địa lí thuận lợi hun đúc nên người Nhật; 3. Phong kiến (phân quyền kiểu Nhật) mài dũa tài trí nhân dân.
Cả ba yếu tố này thật hết sức đặc sắc Nhật Bản, Việt Nam ta không có. Như vậy xem ra cái sự “đồng chủng, đồng văn” chỉ là cái vẻ bề ngoài? Cái việc gán cho chúng ta một “dân tộc ăn đũa” để so với dân tộc Nhật Bản “cũng ăn đũa” liệu có là một sự “thấy sang bắt quàng”?
Cho nên, khi đặt vào bối cảnh thiên-địa-nhân-lịch-sử Nhật Bản thì người ta có thể thấy cái sự Duy Tân ấy khó lòng mà lặp lại ở một quốc gia khác. Cái “phần mềm Duy Tân” rất kén “phần cứng” để cài đặt. Người Nam ta suốt một trăm năm nay ngưỡng vọng Minh Trị Duy Tân, thậm chí định bắt chước nó, nhưng hình như ít nghiên cứu về nó, và ít thấy rằng không thể lặp lại nó?
***
Có một sự việc được tác giả Đào Trinh Nhân nhận xét rất thú vị ở cuốn sách xuất bản năm 1936 này, đó là “công phu giáo hóa” (để chỉ giáo dục) của Nhật khi Duy Tân gặp không ít khó khăn, gian khổ nhưng những người làm giáo dục không ngừng tiến lên phía trước, kể cả việc phải đổ máu; ngay cả khi trường công trường tư đồng loạt đóng cửa vì biến loạn xã hội thì trường Keio của người-đổi-mới Yukichi vẫn không bỏ một giờ học trong khi sĩ số cả trường chỉ còn 18 mống. Cái tinh thần ấy, phải gọi tên là “tinh thần Nhật”. Nước Nam ta hình như không có?
***
Liên quan đến đổi giáo dục, tác giả họ Đào còn cung cấp một cái nhìn sâu sắc tài tình: nước Nhật dạo ấy không chỉ có việc “chính phủ giáo hóa” – tức công cuộc làm giáo dục của nhà nước, mà còn có “dân gian giáo hóa” – tức người dân tự giác mà đổi mới cái sự giáo dục (cái mà ngày nay chúng ta có thể gọi tên là “xã hội dân sự” tham gia cải cách giáo dục). Ông nhận xét: cái sự “dân gian giáo dục” ấy mới mạnh mẽ, rộng khắp và tác động chính tới sự chuyển biến của giáo dục Nhật Bản 30 năm Duy Tân và về sau nữa. Một trong những người từ cái khu vực dân sự ấy, ông Yukichi dù chưa từng làm “quan to” nhưng còn to hơn cả triều đình trong sự tác động tới sự thay đổi tư tưởng của cả một dân tộc.
Liệu nhận xét có giúp ta đề xuất thế này: cái việc xung phong liều chết của nhóm Cánh Buồm là cần phải được hoan nghênh, để còn nhiều nhóm khác nữa ra đời, để cho cái nền “dân gian giáo dục” phát huy hết sức mạnh của nó; còn cái “chính phủ giáo dục”, cần biết rõ đâu là “lợi thế” của mình, đâu là “năng lực cốt lõi” của mình để tập trung làm đúng việc, tránh lan man?

PS. Trang wiki tiếng Việt khi viết về cuộc cải cách này còn sơ sài quá. Mục “Giáo dục” thậm chí không có. Còn tên tuổi ngoài ông vua và mấy ông quan ra thì tuyệt đại đa số không thấy có chút gì chuyển biến từ dưới lên, đặc biệt là cái “dân gian giáo dục” như Đào tiên sinh đề cập.