Hồi nhỏ kì thực tôi không nhận thức được lời dạy hết sức có giá trị này của mẹ: “Làm thì làm cho đến nơi đến chốn”. Gần như mọi thứ tôi làm đều để lại khiếm khuyết. Tôi quét một cái sân chỉ với ba đường chổi, nhổ cỏ trên luống rau thì để lại phần lớn gốc (người ta bảo nhổ cỏ phải nhổ tận gốc, tôi bứt cái thân bỏ lại cái gốc và cả bộ rễ), thậm chí rửa cái mặt cũng cuống cuồng qua loa. Những việc như thế kể dài không đếm xuể.

Sau này thì cái khiếm khuyết nó hiện diện trong công việc phần mềm với tên gọi các bug , hoặc những đoạn mã lệnh cẩu thả; hoặc các lỗi chính tả không đáng có trong một văn bản quan trọng; hoặc dạy sai một khái niệm do mình lười tìm hiểu kĩ càng. Hậu quả của những cái này thì rõ ràng lắm. Tôi thường mất gấp đôi gấp ba công sức để sửa lỗi so với lúc làm ra; bị sếp quở mắng vì cẩu thả việc nọ việc kia; hoặc tệ hơn là lương tâm mình không thoải mái thời gian dài vì tự trách mình sao lại dạy cái đó như thế như thế.

Bắt đầu với kết quả trong đầu

Từ lúc hiểu được cái thâm ý của khái niệm định nghĩa hoàn thành (Definition of Done) thì hiểu ra là mình không chỉ sai ở cái tư duy, mà còn sai cả quy trình. Để có thể đến nơi đến chốn (tức là Hoàn thành thật, chứ không phải là Hoàn thành một nửa) thì mình phải biết là đi đến nơi chốn nào, phải hiểu cho kĩ cái chất lượng công việc cần đạt được, và làm kì được thì thôi. Hình dung kết quả ngay từ lúc bắt đầu. Tại sao lại phải làm việc đó, phải làm việc với ai cho ai để làm gì, kết quả sẽ như thế nào thì gọi là chấp nhận được, như thế nào thì là tốt, có tiêu chuẩn gì đối chiếu không, vân vân. Cái gọi là hình dung kết quả từ đầu là vấn đề quy trình chứ không đơn thuần là vấn đề ý thức (Bạn biết không, nghiên cứu về năng suất chỉ ra rằng trong các đóng góp vào sự tăng năng suất thì quy trình đứng hàng đầu, góp phần đến hơn 50%, trong khi trình độ ý thức chỉ góp có 10% thôi, quy trình quan trọng hơn nhiều so với tưởng tượng của hầu hết mọi người). Việc này xác định phần lớn những việc cần làm đúng cách để cho ra được kết quả đúng như mong muốn của bàn thân và của sếp hay khách hàng.
Triết lí “đến nơi đến chốn” này tuy đơn giản nhưng cần tập luyện nhiều tháng nhiều năm mới có thể có kết quả. Và kể cả khi đã thông tư tưởng, thì vẫn có những việc bạn vẫn sẽ thả nổi cho cái tư duy của Hệ thống 1(nói theo cách của nhà tâm lí vĩ đại Kahneman)  lười nhác ra quyết định mà bỏ qua quy trình.
Phần trên tôi nói tới cái sự quan trọng phải làm đến nơi đến chốn bất kể việc gì, dù nhỏ cho tới lớn. Nhưng nói như thế không có nghĩa là tôi lại cổ súy cho cầu toàn cực đoan. Trong một số thứ, sự cầu toàn là cần thiết để làm được một việc xuất sắc phi thường. Nhưng việc gì cũng cầu toàn, tôn thờ sự cầu toàn thì sẽ khiến cuộc sống rất ngột ngạt.

Kaizen

Dạo mới tập tọe làm quản lí, tôi hay áp đặt tiêu quá chuẩn cao lên công việc của đồng nghiệp. Tôi nghĩ mình làm được thì mọi người cũng phải làm được. Quả là hết sức ngu ngốc.
Kể cả khi tiêu chuẩn ấy không do mình đặt ra, mà là của công ty hẳn hoi, thì việc áp đặt như thế cũng không phải là khôn ngoan. Thực tế nó biến động không ngừng, với người này có thể là vừa, nhưng với người khác thì lại rất vất vả. Có người do hội tụ đủ kinh nghiệm và kiến thức thì thấy bình thường, nhưng có người kém hơn hẳn thì sẽ rất khó khăn. Những sự vất vả trên trời rơi xuống ấy sinh ra chống đối, ca thán, và lục đục. Đến lượt nó, những thức rắc rối ấy sẽ kéo lùi nỗ lực của quản lí, vốn có ý đồ không thể nói là xấu. Những người theo chủ nghĩa hoàn hảo thường mắc phải những sai lầm đại loại như vậy.
Sau này tôi học được chữ Kaizen của người Nhật, hóa ra thật bình dị tài tình: Mỗi ngày bạn chỉ cần cố làm tốt hơn một tí, thì tích tũy thành xuất sắc.
Bà Marry Poppendieck mà tôi rất mực khâm phục còn dạy cho một câu nữa hay hơn: The best can be better. À hóa ra đừng cố làm cái tốt nhất làm gì, hãy cảnh giác với những thứ được gọi là “tốt nhất”. Và thêm nữa, đừng tưởng cái tốt nhất thì không thể vượt qua. Miễn là phải có mindset đúng đắn.
Tích cực hoàn thành từng việc nhỏ một, thì chẳng chóng thì chầy sẽ thành một nhân viên hiệu quả, một lãnh đạo hiệu quả indigenerics.com.  Cầu thị hơn cầu toàn.