Tấn DT: Bài này do phóng viên Quỳnh Nguyễn ghi nhanh về bài nói chuyện tại FPT EduCamp 2015 của mình. Bài viết thể hiện khá trung thực ý tưởng của báo cáo viên, trừ điểm số 7. Báo cáo viên Tấn DT ám chỉ việc vận dụng sai tư tưởng quy trình, nên các nhân viên quá lệ thuộc quy trình, cứng nhắc trong vận dụng, và đặc biệt là thiếu đi các cải tiến quy trình nghiệp vụ, vốn là một định hướng quan trọng khi xây dựng và triển khai quy trình. Chứ bản thân quy trình không có tội.
9 lý do khiến tổ chức không chịu học hỏi và bài học từ FE
Không chịu học hỏi sẽ đẩy một tổ chức đi đến sự già cỗi, hoạt động thiếu hiệu quả, thậm chí là thất bại. Tại hội thảo EduCamp diễn ra hôm 29/11, anh Dương Trọng Tấn – Cán bộ Ban Đào tạo ĐH FPT đã đưa ra lý giải gồm 9 nguyên nhân phổ biến khiến một tổ chức không chịu học hỏi.
9 lý do này là kết quả của quả trình nghiên cứu và suy ngẫm về tổ chức nơi mình làm việc – Khối Giáo dục FPT, sau khi anh Tấn được tiếp cận một bài viết cùng tiêu đề trên tạp chí Harvard Business Review.
Tại Hội thảo FPT EduCamp 2015 chủ đề “Vận hành tổ chức giáo dục”, bằng lối diễn đạt hài hước song nghiêm túc, anh Dương Trọng Tấn đã chia sẻ các lý do trên và nhận được sự đồng thuận cũng như trao đổi sôi nổi của đông đảo khán giả.
1.Tâm lý sợ sai
Con người nói chung, với tâm lý sợ thất bại trong công việc, cuộc sống nên thường có xu hướng “an toàn”, không dám thử nghiệm cái mới. Trong một tổ chức, chính tâm lý sợ sai cũng là lý do khiến tổ chức ấy ngại, thậm chí là không muốn học hỏi. Sợ sai trở thành một thứ văn hóa nguy hiểm đối với sự phát triển của một tổ chức.
Theo anh Dương Trọng Tấn, ở FPT nói chung và ở FE (FPT Education – FE) nói riêng, điều này không thực sự rõ nét, tuy nhiên, cũng cần phải có sự khích lệ để tổ chức thực sự gạt đi được tâm lý sợ sai này.
“Để khuyến khích tổ chức học tập, một tổ chức không ngần ngại khuyến khích “sai” để học. Hiện nay, có xu hướng thành lập những tổ chức nhỏ trong lòng một tổ chức lớn, Xây dựng những dự án nhỏ để qua đó cái “sai” trở thành bài học hữu ích đồng thời không gây ra những thiệt hại lớn” – anh Tấn chia sẻ.
- Ý nghĩ “mình già rồi”
Thực tế, “già” không phải là nguyên nhân cản trở khả năng học hỏi của con người. Có nhiều người trẻ không học hiệu quả bằng những người lớn tuổi. Bởi vậy, tư duy thâm căn cố đế “Mình già rồi” được viện dẫn để ngừng học hỏi là hoàn toàn sai lầm.
Bộ não con người rất linh hoạt. Khi con người già đi, các nơ ron thần kinh có chết đi, nhưng liên kết giữa các nơ ron thì không. Và do đó, tuổi già không thể ngăn cản được việc học của con người.
Điều này cũng tương tự như với một tổ chức, việc học hỏi là không giới hạn.
- Ngủ quên trong chiến thắng
Sự tự tin đến “tự kiêu” bởi những chiến thắng, thành công lớn có thể là nguyên nhân khiến một tổ chức không chịu học hỏi. Đây là thực tế có thật và khá phổ biến. Anh Dương Trọng Tấn cho rằng, ở FPT, ở đâu đó vẫn tồn tại thực trạng này và nó cản trở khả năng học tập của cả tổ chức.
- “Giàu sang có số, cố nữa chẳng làm gì…”
Nhiều người thường nghĩ tiêu cực “Giàu sang có số, cố nữa chẳng làm gì” để lý giải cho việc mình ngừng cố gắng, nỗ lực. Trong một tổ chức cũng như vậy. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh, mọi thành tựu đều là do nỗ lực bản thân của mỗi cá nhân. Với một tổ chức, nỗ lực không ngừng, cố gắng không ngừng, học hỏi không ngừng chính là chìa khóa thành công.
- Lập kế hoạch và giao việc không phù hợp
Trong một tổ chức việc lập kế hoạch và giao việc đã trở thành lối vận hành khá quen thuộc, phổ biến. Nhưng hầu hết, các quy trình làm việc đều thiếu khoảng ngắt cho việc học. Chính vì vậy, đôi khi điều này sẽ gây ra sự “quá tải” cho nhân viên nói chung, sẽ không còn thời gian để tổ chức học hỏi và cải tiến.
- Deadline liên tục quay cuồng
Những deadline liên tục cản trở mỗi cá nhân trong tổ chức nghiên cứu, học hỏi. Theo anh Dương Trọng Tấn, mỗi nhân viên cần có một khoảng thời gian phù hợp để học, để tìm hiểu nghiên cứu vấn đề liên quan đến công việc. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào “tâm và tầm” của người quản lý, của tổ chức. Làm được điều đó, chính là “cởi” bỏ một lý do khiến tổ chức không chịu học hỏi.
- “Phải tuần thủ quy trình”
Những quy trình không chính xác, cứng nhắc của tổ chức mà bắt buộc nhân viên phải tuân thủ sẽ là lý do cản trở tổ chức tiến lên. Đây cũng là lý do cản trở sự học hỏi, đổi mới của một tổ chức.
- “Việc này đã có chuyên gia”
Đào tạo trong tổ chức ở Việt Nam thường dưới hình thực “học hỏi chuyên gia”. Có thể nói, tư duy “đã có chuyên gia” quá cứng nhắc đã cản trở việc học hỏi của mỗi cá nhân bên trong tổ chức.
Thực tế, một tổ chức học hỏi sẽ không bị phụ thuộc vào những “chuyên gia”, mà có thể khuyến khích việc học từ chính đội ngũ cán bộ, nhân viên của mình. Việc cần làm chỉ là: Tổ chức những nhóm học tập để chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức của chính các thành viên trong tổ chức.
- Học tập là việc của Nhân sự
Ở nhiều công ty, tổ chức, và ngay tại FE, việc tổ chức các khóa học, đào tạo thuộc về bộ phận Nhân sự. “Học là việc của Nhân sự” vô tình đã trở thành một lối tư duy cục bộ.
Không gắn được việc học tập vào chiến lược phát triển chung của tổ chức thì bất cứ khóa đào tạo, học tập nào cũng trở thành vô nghĩa.
Việc tổ chức học hỏi cần gắn với thực tiễn công việc, nhu cầu thực sự của cán bộ nhân viên, gắn với tầm nhìn, chiến lược lâu dài của tổ chức.
Nguyễn Quỳnh ghi
Khối Giáo dục FPT – fpt.edu.vn