Giới thiệu sách “Lean Mindset: Ask the right questions” của Tom Poppendieck và Mary Poppendieck

Đầu năm 2013, trong thời gian công du vòng quanh thế giới để thực hiện một loạt các workshop có tên Lean Mindset (trong đó cả Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh đều là điểm dừng chân, may mắn thay!), Tom và Marry đang hoàn tất cuốn sách cùng tên của mình: Lean Mindset. Có vẻ như đây là cuốn sách cuối cùng trước khi nghỉ hưu của hai “tư tưởng gia” (thought leader) của cộng đồng Agile quốc tế.

Lean Mindset, Mary and Tom Poppendieck

Trong khi phần nhiều sách Agile dạy “chiêu” (practices), với hàng loạt những “cách làm việc A, cách làm việc B, để làm việc C v.v.” thì thật hiếm có những sách dạy cách tư duy (mindset) làm “bánh lái” cho các “chiêu thức” đó. Bộ sách của nhà Poppendieck lúc nào cũng được săn đón bởi nó luôn khơi gợi và nuôi dưỡng tư duy cho những người người thực hành Agile, từ người tập tọe, tới lãnh đạo và các chuyên gia Agile khác.

Khi mới viết cuốn sách đầu tay rất nổi tiếng năm 2003, Tom&Mary vẫn còn xếp Lean Software Development (LSD) vào cùng họ với Agile Software Development (như tựa đề đã ám chỉ – Lean Software Development: An Agile Toolkit). Tuy nhiên, sau một thập kỉ, nhiều thứ đã thay đổi. Một số tác giả khác cũng đã cố gắng tiếp cận LSD theo cách thức độc lập với Agile, xếp nó như là bộ phận con của Lean Product Development. Bản thân Mary & Tom cũng đã có thời gian trải nghiệm đủ dài với LSD để nhận thấy những gì là khiếm khuyết, thiếu sót của Agile. Sau bộ ba cuốn sách với phạm vi được giới hạn trong thế giới phần mềm (lần lượt là: “Lean Software Development”,  “Implementing Lean Software Development” và “Leading Software Development”), Mary & Tom tự nhận thấy họ không thể viết thêm về phần mềm nữa, như lời bạt của cuốn sách thứ tư này đã đề cập. Do vậy, cuốn “Lean Mindset” xuất bản tháng 9 năm 2013 như là điểm kết thúc một chặng đường dài với Phần mềm để trở về với tư duy tinh gọn “thuần khiết” hơn, không bị ảnh hưởng bởi lĩnh vực hẹp và trào lưu Agile ồn ào như trước.

Ở Lean Mindset, hai tác giả muốn nêu bật đặc tính “là một tư duy” của Lean, chứ không phải là một “phương pháp” hay “chiêu thức”. Do đó, như tựa nhỏ của cuốn sách đã gợi ý, tác giả tập trung vào “hỏi các câu hỏi đúng đắn”. Việc này không chỉ là nội dung của bản thân cuốn sách, mà còn là phong cách xuyên suốt của quyển sách mỏng nhưng giàu ý tứ. Ngoài các câu hỏi chính yếu của từng chương như “Mục đích của kinh doanh là gì?”, “Bạn đang làm việc để làm gì?”, “Điều gì khiến con người làm việc hiệu quả”, “Năng suất là gì?” và nó có quan trọng không?, “vai trò của thiết kế là gì?” hay “vì sao phải cách tân đột phá?”; các tác giả còn liệt kê một danh sách dài những câu hỏi để bạn đọc động não, suy tư (reflect) kĩ thêm về tất cả các phương diện của một công việc có ý nghĩa. Với danh sách câu hỏi quý hơn vàng này, thời gian tương tác thực sự với cuốn sách có thể dài và sâu hơn rất nhiều so với số trang ngắn ngủi và lượng thông tin ít ỏi có chọn lọc của cuốn sách. Đó quả là một cách tiếp cận tốt để “tấn công” vào tư duy và thúc đẩy sự thay đổi tích cực.

Một trong những nét chấm phá thú vị của cuốn sách là sự xuất hiện của hai nhân vật giả tưởng Otto – một thanh niên có trực giác nhanh nhạy và Anna – một cô gái rất lí tính, lúc nào cũng đòi hỏi phân tính tỉ mỉ và chu đáo. Thỉnh thoảng họ lại hiện lên và làm nổ ra những đoạn hội thoại vô cùng hữu ích, có khi rất dài, cũng có lúc thật ngắn gọn, giúp cho bạn đọc vừa được thư giản, vừa tăng thêm chiều sâu tư duy cho nội dung được bàn tới. Có thể rất nhiều câu hỏi quan trọng của bạn sẽ được Otto và Anna trả lời hoặc khơi mào giúp.

Một đặc sắc nữa cuốn cuốn sách có lẽ là nằm ở các tình huống nghiên cứu được chọn lựa. Là một cuốn sách đậm tính triết lí, Lean Mindset vẫn có thể thu hút người đọc với những phân tích đa chiều và sâu sắc ở rất nhiều tình huống thực tiễn, như trường hợp của Intel, WIKISPEED, CareerBuilder, hay của Spotify. Những phân tích này thậm chí có thể gợi ý những quy trình công việc thực thụ cho những nhà lãnh đạo và quản lí doanh nghiệp.

Bất chấp nhiều ưu điểm như nhận xét bên trên, bạn đọc có thể gặp một số khó khăn nhất định nếu chưa một lần tìm hiểu qua Tinh gọn là gì. Cuốn sách này không tập trung định nghĩa nó, hay giúp người đọc có thể “triển khai” tư tưởng tinh gọn vào công việc (như ba tập sách trước từng làm). Vì vậy, có thể cuốn sách này sẽ kén người đọc hơn, vớt ít kì vọng “sát mặt đất” hơn.

Để kết thúc việc giới thiệu một cuối sách còn mới, còn chờ thời gian thẩm định độ hay/dở, chúng ta cùng nhau “thưởng thức” một vài câu hỏi hay được rút ra từ trong sách:

  1. Bạn đang làm công việc gì? Mục đích của công ty bạn là gì? Điều gì tạo cảm hứng để bạn làm việc mỗi sáng sớm? Nó có tạo cảm hứng cho người khác không?
  2. Thử tưởng tượng tuần sau tất cả mọi người trong nhóm của bạn trúng xổ số. Liệu họ có tiếp tục đi làm không? Điều gì khiến môi trường làm việc của bạn hấp dẫn mọi người làm việc hết mình, ngay cả khi họ đã trúng số độc đắc?
  3. Nếu được chọn chỉ một thử thách để tạo cảm hứng cho tất cả tổ chức làm việc tốt nhất, nó sẽ là cái gì?
  4. Có bao nhiêu phần trăm nhân viên trong công ty bạn được xếp vào dạng “đầy năng lượng”? Làm gì để họ được như thế?
  5. Thử tưởng tượng công ty bạn sẽ có một CEO mới trong nay mai, theo bạn thì cô ấy nên làm gì trước tiên?
  6. Thử tưởng tượng bạn được đề nghị thiết kế lại sản phẩm lõi của công ty. Nó sẽ trông như thế nào?
  7. Năng suất” có ý nghĩa như thế nào trong công ty của bạn? Bạn đo nó như thế nào? Nó có mối liên hệ như thế nào với “hiệu suất” tổng thể của công ty?

Xin mời!

PS. Trên TapChiLapTrinh.vn có một số tổng hợp về Tinh gọn, bạn có thể tìm hiểu thêm sơ bộ về tinh gọn (Lean) là gì: ở đây