Xu hướng sử dụng ngày càng nhiều phương pháp học qua vấn đề (problem-based learning) và học qua dự án (project-based learning) cho thấy những chuyển dịch lớn từ việc học từng kĩ năng riêng lẻ sang học tích hợp, từ việc tiếp thu thông tin sang tiêu hóa kiến thức và tái kiến tạo tri thức.
Xu hướng mới, ý tưởng cũ
Từ cuối thế kỉ trước, nhiều nhà giáo dục đã trăn trở với câu hỏi “Chúng ta cần trang bị kĩ năng gì cho con em để sống tốt trong thế kỉ của thông tin đầy biến động này?”
Bước sang thế kỉ 21, Khung tham chiếu các kĩ năng cần thiết cho thế kỉ 21 (P21.org – một sáng kiến toàn cầu) đã trở thành công cụ tham khảo quan trọng trong các chương trình giáo dục tại nhiều quốc gia với trọng tâm là cụm kĩ năng 4C: Giao tiếp (Communication), Cộng tác (Collaboration), Phản biện (Critical Thinking) và Sáng tạo (Creativity). Để đạt được những kĩ năng đó, việc học cần có những chuyển dịch lớn: từ việc học từng kĩ năng riêng lẻ sang học tích hợp, từ việc tiếp thu thông tin sang tiêu hóa kiến thức và tái kiến tạo tri thức. Biểu hiện cụ thể nhất của sự chuyển dịch này là xu hướng sử dụng ngày càng nhiều phương pháp học qua vấn đề (problem-based learning) và học qua dự án (project-based learning) – gọi chung là các phương pháp PBL. Chúng ta có thể cảm nhận rõ xu hướng này ngày càng lan rộng trong các chương trình giảng dạy theo khung Common Core State Standards[1] ở Mỹ, việc cải cách giáo dục ở Singapore, hay việc Phần Lan chuyển sang dạy theo chủ đề thay vì những môn riêng lẻ như cũ.
Học qua vấn đề là một ý tưởng không mới. Nó đã được nhắc tới từ đầu thế kỉ trước với triết lí giáo dục hành dụng của John Dewey: giáo dục chính là cuộc sống, giáo dục phải tham gia vào giải quyết các vấn đề của cuộc sống. Phương pháp này bắt đầu bằng việc nêu vấn đề có thật, đưa ra tình trạng của vấn đề, các thách thức gặp phải, nêu các thông tin cần thiết và những hướng dẫn về mặt phương pháp của chuyên ngành để giúp người học tự mình khám phá giải pháp.
Ngày càng nhiều nghiên cứu thực nghiệm cho thấy những kết quả tích cực khi áp dụng PBL, như cải thiện điểm số hay đạt được những kĩ năng vượt ra khỏi nội dung sách vở thuần túy.
Trong khi đó, Học qua dự án có thể coi như một nhánh đặc biệt của triết lí học qua giải quyết vấn đề. Sự khác biệt nằm ở chỗ nó đưa vấn đề vào khuôn khổ của các dự án, với sự kiểm soát và hỗ trợ chặt chẽ hơn. Hơn nữa, phương pháp Học qua dự án thường tiếp cận các vấn đề mang tính chỉnh thể hơn, và được giải quyết trong một nhóm học sinh thay vì riêng lẻ từng cá nhân. Nhờ vào việc học tập trong một nhóm hướng đến những sản phẩm hay giải pháp thực tiễn, Học qua dự án là phương pháp rất phù hợp để cùng một lúc rèn luyện các kĩ năng 4C, áp dụng các kĩ năng liên môn, liên ngành.
Theo Viện nghiên cứu giáo dục Buck (BIE), PBL sẽ khuyến khích học sinh học hỏi sâu hơn, có thể rèn luyện tư duy phản biện, và rèn luyện năng lực trình bày công khai trước đông đảo cử tọa – đều là những kỹ năng cần thiết cho các em trong thế kỷ 21.
Ngày càng nhiều nghiên cứu thực nghiệm cho thấy những kết quả tích cực khi áp dụng PBL, như cải thiện điểm số[2] hay đạt được những kĩ năng vượt ra khỏi nội dung sách vở thuần túy. Chuyên gia về PBL Thom Markham nhận định: “Học sinh không chỉ tìm hiểu kiến thức thuộc chương trình giảng dạy mà còn áp dụng những gì các em biết để giải quyết các vấn đề thực.” PBL đồng thời cũng tập trung hơn vào việc giáo dục học sinh, chứ không chỉ đơn thuần tập trung vào chương trình giảng dạy – đây là một sự thay đổi bắt buộc mang tính toàn cầu, tài sản mang lại cho thế giới khi ấy chính là niềm đam mê, sự sáng tạo, sự đồng cảm, và khả năng học được cả những điều không được giảng dạy trong sách giáo khoa.”[3]
Giáo viên cần chuẩn bị gì cho PBL?
Việc vận dụng PBL, đối với các giáo viên, là một thay đổi căn bản trong cách nghĩ, cách làm và cần sự chuẩn bị chu đáo mới mong mang lại kết quả tích cực.
Để có thể triển khai PBL, trước hết, giáo viên cần nắm vững cách thiết kế các bài học dựa trên vấn đề hoặc dự án và lên lộ trình cho chuỗi hoạt động để dựa vào đó học sinh có thể tự làm việc hướng đến các mục tiêu giáo dục định trước.
Khác với hình thức giảng dạy truyền thống, nơi giáo viên làm chủ bục giảng trong phần lớn thời gian, giáo viên PBL cần thông thạo kĩ năng tổ chức cho học sinh tự học, huấn luyện các kĩ năng khám phá, trợ giúp và thúc đẩy học sinh khám phá.
Cuối cùng, việc theo dõi, quản lí, can thiệp và đánh giá trong PBL cũng sẽ khác với phương pháp dạy truyền thống, theo đó, các đánh giá, phản hồi liên tục và sự trợ giúp đúng lúc sẽ đóng vai trò quan trọng. Giáo viên lúc này phải biết vận dụng các hình thức đánh giá khác nhau như tự đánh giá, bình duyệt, tổ chức triển lãm sản phẩm, đánh giá theo hồ sơ…
Do những đòi hỏi về sự đổi mới toàn diện như vậy, nhiều giáo viên thấy PBL không dễ thực hiện. Tuy nhiên, nhiều tổ chức giáo dục đã tích cực nhập cuộc, cung cấp các kiến thức và kĩ năng sư phạm cần thiết, bên cạnh việc tổ chức nghiên cứu và đúc rút kinh nghiệm để giúp các giáo viên thuận lợi hơn trong việc áp dụng PBL. Số lượng sách vở hướng dẫn PBL ngày càng nhiều và đa dạng. Cùng với sự rộng mở của Internet, việc triển khai PBL không còn là vấn đề lớn nếu chúng ta có một kế hoạch chu toàn. Vấn đề chỉ còn là, chúng ta có thực sự muốn nhập cuộc hay không.
Dương Trọng Tấn (Tia Sáng, số T11-2015)
—————
[1] Là bộ tiêu chuẩn phục vụ việc xây dựng chương trình giáo dục “mang tính thiết thực và liên quan đến đời sống thực tế, phản ảnh những kiến thức cùng kỹ năng cần thiết cho thế hệ trẻ để thành công ở bậc đại học cũng như sự nghiệp sau này”.
Khung tiêu chuẩn cốt lõi quy định các chuẩn đầu ra chính cho các lĩnh vực Ngữ văn và Toán học mà dựa vào đó, các tiểu bang sẽ có kế hoạch triển khai cho phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương.
Hiện đã có 42 tiểu bang tiếp nhận và triển khai bộ tiêu chuẩn này.
http://www.corestandards.org/
[2] Theo Sawyer, R. K. (2006) The Cambridge Handbook of the Learning Sciences. New York: Cambridge University Press.
[3] Markham, T. (2011). Project Based Learning. Teacher Librarian, 39(2), 38-42