Không có sự thành công lâu bền nào lại thiếu sự chuẩn bị kĩ càng. Việc dạy học đòi hỏi người dạy và cả người học có kĩ năng lập kế hoạch thật tốt để đạt được thành quả cao.

Nếu coi mục tiêu cuối cùng của việc dạy là giúp đỡ người học đạt được mức độ cao hơn của việc học và trưởng thành thì công tác lập kế hoạch trong giảng dạy bao gồm hai việc chính: tạo lập một kế hoạch trợ giúp toàn diện để người học đạt được mục tiêu đề ra của khóa học, và trợ giúp người học tạo lập một kế hoạch học tập khả thi để đạt được các mục tiêu đề ra của chính mình trong khuôn khổ của khóa học được cung cấp.

Về nhiệm vụ thứ nhất của việc lập kế hoạch, Ken Bain đã tổng kết được những câu hỏi quan trọng nhất cho nhà giáo để chuẩn bị tốt cho việc giảng dạy của mình, gọi tắt là bản hướng dẫn (checklist) mười ba câu hỏi liệt kê dưới đây.

Mười ba câu hỏi chuẩn bị (Ken Bain)

1. Khóa học của tôi sẽ giúp sinh viên trả lời những câu hỏi quan trọng nào, hoặc khóa học ấy sẽ giúp họ phát triển những kĩ năng, khả năng , và phẩm chất nào; và bằng cách nào tôi sẽ khuyến khích sinh viên của mình quan tâm đến những câu hỏi và những khả năng ấy?

2. Sinh viên phải có hoặc phải phát triển những khả năng suy luận nào để trả lời những câu hỏi mà khóa học nêu ra?

3. Những mô hình nhận thức nào sinh viên có thể mang theo mà tôi muốn họ thách thức? Bằng cách nào tôi có thể giúp họ kiến thiết sự thách thức về phương diện tri thức đó?

4. Sinh viên nào của tôi sẽ cần phải hiểu những thông tin nào để có thể trả lời được những câu hỏi quan trọng của khoa học và thách thức những giả định của họ? Bằng cách nào họ sẽ có được những thông tin ấy một cách tốt nhất?

5. Đối với những sinh viên gặp khó khăn trong việc hiểu câu hỏi cũng như trong việc sử dụng chứng cớ và suy luận để trả lời các câu hỏi đấy thì tôi sẽ giúp đỡ họ như thế nào?

6. Bằng cách nào tôi sẽ khiến cho sinh viên của tôi đương đầu với những vấn đề mâu thuẫn nhau ( có thể là kể cả những tuyên bố mâu thuẫn nhau về chân lí) và khuyến khích họ nắm bắt được ( có thể qua sự hợp tác làm việc ) những vấn đề ấy?

7. Làm sao tôi biết sinh viên của tôi đã biết những gì và trông đợi những gì từ khóa học ,và làm sao tôi hòa giải những khác biệt giữa những mong muốn của mình và mong muốn của SV.

8. Làm sao tôi có thể giúp sinh viên học được cách học, cách khảo sát và đánh giá chính việc học và suy nghĩ của họ, cũng như cách đọc [các tài liệu] có hiệu quả hơn, có tính cách phân tích hơn, và một cách chủ động hơn?

9. Làm sao tôi biết sinh viên của tôi học được điều gì đó trước khi tôi đánh giá việc hoc của họ, và làm sao tôi cho ý kiến phản hồi trước khi có – và độc lập với – bất kì một sự kiểm tra đánh giá nào?

10. Tôi sẽ truyền đạt cho sinh viên của mình theo cách nào để duy trì được sự suy nghĩ của họ?

11. Bằng cách nào tôi sẽ giải thích rõ những tiêu chuẩn tri thức và nghề nghiệp mà tôi sẽ sử dụng trong việc đánh giá công việc của sinh viên, và giải thích tại sao tôi lại sẻ dụng những tiêu chuẩn đó? Bằng cách nào tôi sẽ giúp sinh viên của mình sử dụng những tiêu chuẩn đó để tự đánh giá những công việc của chính họ?

12. Bằng cách nào sinh viên và tôi hiểu được một cách tốt nhất bản chất, sự tiến bộ và chất lượng học tập của họ?

13. Bằng cách nào tôi sẽ tạo ra một môi trường học tập tự nhiên và có tính phê phán, ở đó tôi đưa những kĩ năng và thông tin mà tôi muốn dạy vào sinh viên bài tập ( những câu hỏi và nhiệm vụ) mà sinh viên sẽ thấy là hấp dẫn – những nhiệm vụ đích thực có khả năng khơi dậy sự tò mò, thách thức sinh viên suy nghĩ lại những giả định của họ và xem xét những mô hình nhận thức của họ về thực tại? Bằng cách nào tôi sẽ tạo ra một môi trường an toàn nơi đó sinh viên có thể làm thử, chấp nhận thất bại, nhận phản hồi, và thử lại?

Bằng cách trả lời cho những câu hỏi trên, nhà giáo không chỉ có được bản kế hoạch chi tiết nhất cho công việc giảng dạy của mình, mà còn biết được những việc làm cần thiết để thực thi thành công kế hoạch đó. Tuy nhiên, đó mới là sự khởi đầu. Mọi việc có giá trị hoàn toàn nằm ở khâu thực thi kế hoạch đó. Và vì vậy việc thiết lập kế hoạch phải hướng đến tính khả thi, sự linh hoạt và tính thích ứng với thực tế trong khoảng thời gian thực hiện kế hoạch. Do vậy, các chi tiết của việc lập kế hoạch giảng dạy và khả năng cập nhật những thay đổi trong thực tiễn dạy học cũng không kém phần quan trọng. Những chi tiết quan trọng nhất có thể kể đến:

Thiết lập mục tiêu của khóa học

Trước khi bắt đầu mọi việc cần xác định rõ mục tiêu của khóa học là gì. Thông qua đó, người dạy sẽ quyết định cần phải chuẩn bị những gì về mặt nội dung, hoạt động, bài tập, công cụ hay phương pháp luận giảng dạy, học tập và đánh giá để cùng học trò của mình đạt được mục tiêu đề ra. Việc thiết lập mục tiêu cẩn tính tới cả sự tương thích với tiêu chuẩn (như đề cương khóa học theo chuẩn quốc tế, hoặc theo quy chuẩn của nhà trường v.v.) và linh hoạt để phù hợp với sự đa dạng trong nhận thức cũng như tính cách của sinh viên.

Có được mục tiêu tốt và rõ ràng, truyền đạt rõ ràng và thảo luận liên tục mục tiêu đó với học trò sẽ đóng góp phần không nhỏ vào sự hiệu quả của việc học. Để có được mục tiêu tốt, có thể nhà giáo sẽ phải nhìn xa hơn bản thân khóa học mình triển khai, mà phải nhìn vế phía quá khứ để biết khóa học này sẽ là tiếp diễn của cái gì, và nhìn về tương lại để biết khóa học có thể mang lại điều gì hữu ích cho việc học tập và làm việc của người học sau khi kết thúc khóa học.

Mặc dù mỗi khóa học có thể chỉ có vài mục tiêu chính yếu, ví dụ như một khóa học nhập môn lập trình có thể có mục tiêu đại thể như sau:

Kết thúc khóa học này, sinh viên có thể

  • Nắm vững vai trò của máy tính trong việc góp phần giải quyết các bài toán thực tiễn
  • tự tin với khả năng viết được các chương trình máy tính nhỏ nhưng hữu ích trong cuộc sống.
  • có được kiến thức cơ bản để tiếp tục khóa học nâng cao “Kĩ thuật lập trình”.

Tuy vậy, mục tiêu đó thường phải được chi tiết hóa thành các mục nhỏ hơn, bám sát thời khóa biểu để cả người dạy và người học cùng cộng tác đi đến cái đích cuối cùng. Để đạt được hiệu quả tốt trong việc xác lập mục tiêu, ta có thể sử dụng Phân loại Bloom để cụ thể hóa các mức độ của từng mục tiêu nhỏ.

Đối với các khóa học đóng gói tiêu chuẩn (theo dạng chuyển giao chương trình hoặc theo chuẩn của hiệp hội) thường nhà giáo phải tuân thủ rất chặt chẽ quy định của khóa học, trong đó có cả mục tiêu của khóa học. Vì thế nhà giáo ít có điều kiện để thay đổi hay tùy biến mục tiêu của khóa học. Thay vào đó, nhà giáo cần chi tiết hóa cách hiểu và phác thảo cách đạt được mục tiêu đó cùng với sinh viên của mình.

Một việc không kém phần quan trọng trong việc thiết lập mục tiêu là phải làm cho sinh viên hiểu rõ mục tiêu và cách thức cơ bản để đạt được mục tiêu đó của khóa học. Chỉ với sự hiểu biết rõ ràng và chi tiết về mục tiêu khóa học, sinh viên mới có thể tự định hướng cho các hoạt động học tập của mình để đi đến đích. Hơn nữa, sinh viên cần có đủ hiểu biết về các phương tiện để đạt được mục tiêu đó theo cách thức đặc thù, hiệu quả liên quan tới khóa học. Một trong các phương tiện mang tính cốt lõi chính là khả năng đọc có chất lượng. Nhà giáo rất hay mắc phải lỗi thường gặp là giả định sinh viên có khả năng đọc hiểu tốt các tài liệu mình đưa cho họ; nhưng thực ra không phải. Kĩ năng đọc tài liệu chuyên ngành (hoặc đặc thù) không phải luôn luôn sẵn có trong mỗi sinh viên. Nói rộng ra, để học được một khóa học nào đó, có khi sinh viên cần được trang bị một bộ các kĩ năng mềm cần thiết, và chúng hiển nhiên là không tự nhiên có sẵn.

Hiểu rõ sinh viên

Thực hiện song song với việc xác lập mục tiêu là chuẩn bị dữ liệu về sinh viên – đối tượng trung tâm của khóa học. Việc này sẽ giúp nhà giáo chủ động hơn trong việc điều chỉnh tốc độ, phương pháp và dung lượng nội dung trong quá trình giảng dạy để thích hợp với người học cũng như nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong việc giảng dạy và hỗ trợ sinh viên học tập.

Sinh viên đến với khóa học có thể có thành phần rất đa dạng: người hoàn toàn mới với nội dung của khóa học, người đã có một chút kinh nghiệm với khóa học, các kĩ sư lành nghề muốn đến học hỏi thêm một chút thông tin mới, các nhân viên bị ép buộc đi học theo diện đào tạo của công ty, các sinh viên hoàn toàn bị động do sự thu xếp của gia đình, v.v. Động cơ của từng sinh viên là rất khác nhau đòi hỏi phải có sự phân loại tương đối và kế hoạch thích ứng trong các hoạt động giảng dạy và học tập.

Các dữ liệu về sinh viên có thể thu thập được trong quá trình sinh viên nhập học hoặc trực tiếp khảo sát trên lớp. Mặc dù việc tìm hiểu sinh viên không hề đơn giản, nhưng cần phải hoàn thành càng sớm càng tốt. Vì nế để đến giữa khóa học ta mới biết được sinh viên cần gì khi tham dự khóa học thì thông tin đó ít có giá trị sử dụng.

Dưới đây là một số câu hỏi quan trọng để tìm hiểu thêm thông tin về sinh viên, động lực học tập và sơ bộ về kĩ năng của sinh viên:

  • Lý do để tham dự khóa học của sinh viên là gì?
  • Sinh viên mong đợi điều gì khi tham gia lớp học?
  • Người học hiện đang làm gì?
  • Phong cách học tập của sinh viên là gì?
  • Có sinh viên nào không thể mô tả cách học tập của mình hay không?
  • Trước lớp học này sinh viên đã học lớp nào tương tự thế chưa?
  • Sinh viên đã có thành tích nào trong học tập hay công việc trước đó hay không?

Để trả lời các câu hỏi trên, có khi chỉ cần khảo sát hồ sơ sinh viên là nắm được cơ bản, có khi ta phải thực hiện một số bài survey nhỏ sử dụng bài test Myer-Briggs để nắm được tâm lí và tính cách người học, hoặc sử dụng một bài Quiz nhanh để kiểm tra kiến thức của sinh viên, hoặc có một hội thoại ngắn với sinh viên để thu thập dữ liệu.

Căn cứ trên các cứ liệu thu được, nhà giáo có thể điều chỉnh kế hoạch giảng dạy cho phù hợp. Ví dụ, nếu trong lớp có sinh viên đã đạt giải olympic tin học toàn quốc đi học với mục tiêu cao hơn thì có thể tăng khối lượng công việc độ khó của các hoạt động học tập; nếu là nhân viên đã nắm được cơ bản thông tin về khóa học thì việc học lại cần phải tập trung vào các bài tập tình huống để rèn luyện khả năng ứng dụng của khóa học hoặc rèn luyện thêm với mức độ chi tiết cao hơn để thi đạt các chứng chỉ chuyên ngành; với các sinh viên có nền thấp lại cần các chăm chút chi tiết về các kiến thức và kĩ năng nền tảng; hay đối với các sinh viên bị động không có động lực thì cần chăm chút để đánh thức sự ham học v.v.

Cũng trên cơ sở như vậy nhà giáo có thể thiết lập các nhóm làm việc hiệu quả hơn. Ví dụ: khóa học đào tạo phương pháp sản xuất phần mềm Scrum gồm rất đối tượng khác nhau đến tham dự với các công việc chuyên biệt gồm giám đốc điều hành, sinh viên mới ra trường, lập trình viên lâu năm, chuyên viên kiểm thử, nhân viên đảm bảo chất lượng. Đến với khóa học Scrum, người học có nền tảng rất khác nhau và có mục đích khác nhau khi tham dự khóa học: tìm hiểu kĩ hơn về quy trình làm phần mềm, áp dụng cho công ty mới thành lập, cải tiến hiệu quả công việc hiện tại của nhóm, hay cải tiến năng lực cá nhân v.v. Thông qua việc nắm bắt được thông tin cơ bản của lớp học, huấn luyện viên có thể sắp xếp các học viên vào các “công ty ảo” với đầy đủ các phòng ban chức năng để bắt đầu quá trình học tập qua trải nghiệm phương pháp mới trong suốt khóa học. Cũng có lúc, các bài tập chỉ dành riêng cho đội ngũ quản lý.

(Tiếp phần 2)