Với tôi, một trong những tin tốt lành là tôi đã tập được cách yêu thích công việc quét nhà, rửa bát. Dịp giãn cách xã hội vừa qua tôi đã có dịp chứng nghiệm rằng việc nhà cũng rất thú vị. Khi làm việc nhà trong tâm lí thoải mái và suy nghĩ tích cực, ta cảm thấy mình có ích, thư giãn, và phần nào đó là vui vẻ, cả tay chân lẫn đầu óc. Tôi vẫn có thể tiếp tục làm việc nhà thật thích thú. Trộm nghĩ, tôi có thể làm việc nhà từ sáng tới tối: quét quáy, cơm nước, rửa ráy, sửa chỗ nọ sắp xếp chỗ kia. Nhưng có lẽ tôi sẽ làm cả ngày mà không hết việc nhà. Ngày này qua ngày khác vẫn không hết việc. Nhưng nếu cứ làm thế cả ngày, cả nhà tôi chắc sẽ chết đói. Vì việc nhà không mang cơm về cho gia đình được. 


Ở công ty cũng thế. Ta cũng sẽ có những việc giống hệt “việc nhà” kiểu như vậy. Rất nhiều. Ở nhà thì gọi là “việc không tên”, còn ở công ty thì ta sẽ chia nhỏ công việc ra, đặt cho nó cái tên và cắt cử người làm từng công đoạn, từng việc một; và ta gọi đó là sự “chuyên nghiệp”. Nếu cứ tập trung hết vào việc không tên, có khi cả tháng “không hết việc”. Hết cái này lại sinh ra cái khác. 


Quản lí thời gian có chỗ quan trọng chính là chỗ này: không phải là giờ nào làm việc gì trông có vẻ thật bận rộn, mà là sử dụng thời gian sao cho bằng ấy thời gian, ta có thể tạo ra nhiều “giá trị” (hay kết quả, hay “lợi nhuận”, hay “cơm”) nhất. Nhiều khi chúng ta cứ dùng toàn bộ tri thức và thông thái để giải quyết những vấn đề mà khi làm xong thì cũng không khác gì trước xét trên phương diện mục tiêu quan trọng.

Như thế là lãng phí. Lãng phí thời gian, lãng phí cơ hội, lãng phí trí tuệ, và lãng phí cả nguồn lực của tổ chức. 
Có cả tá công cụ để chúng ta quản lí thời gian cho hiệu quả: Pomodoro, Kanban, Todo list, ma trận Eisenhower, luật Pareto … (chúng cũng không khó nắm bắt lắm, có thể gói gọn trong một cuốn sách như “Được việc“, hoặc một khóa học tập trung 1 ngày “Đột phá năng suất cá nhân“), nhưng điều quan trọng trước hết là ta phải biết việc nào là quan trọng, việc nào tạo ra kết quả, mà dồn sức vào đó.

Written by Tấn Dương