Nguyên lí là một từ  được dùng rộng rãi, có lẽ do nhiều người thấy nó quan trọng.  Nhẽ ra nguyên lí phải có tính khách quan (tức là cái gốc, không thể bỏ được), nhưng  hầu hết các thứ được gọi là nguyên lí lại có tính tương đối, không đầy đủ và có tính bối cảnh. Vì thế có thể gọi chúng là hệ “tiên đề” hay các “giả định” của ai đó. Khi đã gọi nguyên lí theo nghĩa giả định (assumptions) thì tức là niềm tin cơ bản, miễn phán xét đúng sai. Ta sẽ làm theo nó, chấp nhận nó, và tự nguyện để nó điều khiển mình. Và do đó, nó rất quan trọng và có tầm ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của ta. Số lượng nguyên tắc thường không nhiều. Nhưng nó “cứng”, vượt thời gian. Cho nên, nếu có một danh sách nguyên lí đủ tốt, nó giúp ta làm việc linh hoạt trong bối cảnh. Nó giúp ta “lấy cái bất biến để ứng phó với cái biến động đa dạng”.

Nhiều người thông thái đã cất công đúc rút và kiểm nghiệm ra các bộ nguyên lí của riêng mình. Một số được đẽo gọt và kiểm chứng qua thời gian với nhiều bối cảnh đa dạng, một số thì không. Một số được viết ra, một số chỉ được truyền miệng. 
Ví dụ, đời làm việc năng động của Inamori Kazuo giúp ông đưa ra được một “triết lí” ngắn gọn và hữu hiệu để làm nền tảng cho một lối sống tích cực (Xem bản tóm tắt ở đây) . Nó được viết ra, lưu truyền rộng rãi và có cơ hội tốt để kiểm chứng tính hữu hiệu. Thử xem những gợi ý của ông để có một cuộc đời viên mãn và làm việc cho tốt: 

  1. Thành quả là do tích số của tư duy, nhiệt tình và năng lực
  2. Tư duy thế nào, cuộc đời ra thế ấy
  3. Luôn nuôi những giấc mơ đầy tham vọng, và bỏ toàn tâm toàn ý sống với giấc mơ ấy.
  4. Luôn xác định rõ mục đích sống. Phải mài rũa tâm trí, mở rộng tâm hồn.
  5. Hãy sống đúng đắn với tư cách của một con người. Đừng quên những bài học được dạy từ tiểu học: không nói dối, trung trực, không lừa gạt người khác, không tham lam.
  6. Phục vụ những điều tốt đẹp hơn của nhân loại và thế giới với tâm thức vị tha.
  7. Sống phản tỉnh mỗi ngày, để xem xét từng hành vi, sửa lỗi và cải thiện.
  8. Sống nghiêm túc từng giây phút mỗi ngày.
  9. Sống với động cơ không ích kỉ, và đức hạnh.
  10. Sống với một trái tim thuần khiết và nồng ấm.
  11. Luôn yêu công việc của bạn, không kể đó là việc gì. 
  12. Không nề hà những việc tẻ nhạt
  13. Luôn sáng tạo trong công việc
  14. Hãy là “trung tâm của cơn lốc” với sáng kiến và cam kết hết mình.
  15. Ra quyết định đúng đắn, không ích kỉ
  16. Bám sát hiện địa, hiện vật để giải quyết vấn đề
  17. Làm hết sức mình vì đồng nghiệp
  18. Không ngừng vươn tới sự hoàn hảo
  19. Chỉ mua những gì chúng ta thật cần, đúng lúc
  20. Nắm bắt vấn đề thật đơn giản, ngay cả khi đối mặt với những thứ phức tạp

Nhìn quanh, tôi nhận ra phần lớn người đọc bộ “nguyên lí” này thấy nó gần gũi và dễ đồng tình. Nhưng cũng có vài người có thể không đồng ý với một trong các điểm kể trên. Họ có thể thấy phần còn lại hữu dụng thì có thể bỏ đi vài chỗ, hoặc sửa đi cho vừa với lối nghĩ của bản thân. Nếu ai đó bỏ gần hết thì tức là hệ tư duy của người đó rất khác so với Inamori. Lúc đó, họ sẽ đi tìm những bộ “bí kíp” khác. 

Nhìn rộng ra, bộ nguyên lí trên đây có thể coi là một tập hợp các giả định để gây dựng nên một tập hợp người có nền tảng nguyên tắc giống nhau về lối nghĩ lối sống. Nó tạo ra một cộng đồng văn hóa chung niềm tin, chung hệ giá trị, chung quy ước. Sẽ rất có ích khi một cộng đồng được gắn kết xoay quanh những yếu tố văn hóa chia sẻ như thế này. 

Trên đường học hỏi của mình, ta sẽ bắt gặp nhiều “guru”, những “cao thủ”, những “danh nhân”, với nhiều bộ “nguyên lí khác”. Họ sẽ có những lời khuyên, trong số đó là các “nguyên lí”. Câu hỏi được đặt ra là có nên theo hay không, theo cái gì và không theo cái gì? Từ quan điểm hành dụng (pragmatic), chúng ta xem xét nó có hữu ích không bằng cách đặt câu hỏi: nếu tin và làm theo thì thế nào? Giả sử nếu tuân thủ nguyên tắc “sống với trái tim thuần khiết và nồng ấm” thì thế nào? Cuộc sống ta có tốt đẹp lên không, thế giới quanh ta có tốt đẹp lên không? Nếu tuân thủ “phục vụ những điều tốt đẹp hơn với tâm thức vị tha”, thì thế nào? Nó có mang lại cuộc sống hạnh phúc viên mãn không? Cân nhắc xong, ta có thể có một danh sách “nguyên lí” của riêng mình. Thời gian tiếp theo là dành cho chứng nghiệm. Bạn sẽ phải sống với những nguyên lí này, và quan sát tác dụng của chúng. 

Bới cát tìm sò

Tôi cũng thử phác thảo về bộ nguyên lí tối giản của mình “Để làm việc cho tốt”, nó sẽ hao hao như thế này:

  1. Luôn yêu công việc của bạn, dù đó là việc gì.
  2. Có thái độ tốt, công việc sẽ tốt, kể cả những việc rất tẻ nhạt.
  3. Cách bắt đầu một công việc tốt là tìm cách giải quyết vấn đề của chính mình.
  4. Đặt được bài toán hay, sẽ có lời giải hay. 
  5. Làm cho vấn đề thật đơn giản, ngay cả khi nó rất phức tạp
  6. Là “chủ sở hữu” của sáng kiến và cam kết hết mình, và sống ở thể chủ động (proactive). 
  7. Bám sát thực tiễn để ra quyết định hiệu quả.
  8. Ra quyết định đúng đắn, không ích kỉ
  9. Sáng tạo không ngừng
  10. Cải tiến liên tục, vươn tới sự hoàn hảo
  11. Nghỉ ngơi cũng quan trọng không kém bận rộn.
  12. Khi đã mất hứng với một công việc, nghĩa vụ cuối cùng là bàn giao lại cho người có nhiệt tình và khả năng.

Nguyên tắc của bạn để làm việc cho tốt gồm những gì?