Mới rồi có bạn làm truyền thông hỏi tôi Lean là gì, có gì mới mẻ không? Tôi trả lời rằng không có gì mới mẻ cả. Nhưng dù nó không mới người biết nó không nhiều, người hiểu lại càng ít. Người thực hành nó thì càng hiếm. Thú thật là số tôi hẩm hiu nên chưa có vinh hạnh gặp được cao thủ người Việt nào về lĩnh vực này.

Ở Việt Nam, tôi không biết chính xác Lean du nhập từ bao giờ, nhưng tôi phỏng đoán nó cũng phải hơn hai thập kỉ rồi.

Trên blog này, tôi đã có dịp ghi lại vài hình ảnh (dĩ nhiên là bề nổi) về Lean ở một số nơi, như ở trung tâm dịch vụ Ford Thăng Long, hay ở Thủy điện Yaly.

Toyota vào Việt Nam năm 1995, tôi đoán rằng ít nhất thì họ cũng mang đến hơi thở Lean từ đấy.

Về sách vở, Phương thức Toyota đã được NXB Trí Thức dịch và xuất bản từ 2006, “Khởi nghiệp Tinh gọn” bản tiếng Việt cũng đã ra mắt năm 2012 với khen ngợi hết lời của doanh nhân Giản Tư Trung. Người đọc cũng dễ dàng tìm hiểu về kaizen, vì đã có khá nhiều sách được dịch sang tiếng Việt. 

image_thumb.png

Các trường học (ví dụ 1, 2) và công ty đào tạo, tư vấn (ví dụ 1,  2, 3) cũng đã mang Lean vào giảng dạy từ khá lâu, chứ không đợi đến bây giờ, khi có hội thảo quốc tế về Lean trên đất nước Việt Nam, người ta mới biết đến chữ này. Nhưng có vẻ như, chúng ta mới chủ yếu biết đến Lean Manufacturing (sản xuất tinh gọn), chứ chưa có những chương trình bài bản về tư duy tinh gọn (lean thinking) trong quản trị hiện đại, trong các ngành dịch vụ, công nghệ cao, phần mềm v.v.

Gần đây, trong các hội thảo của cộng đồng startup hoặc công nghệ phần mềm (như Barcamp, AgileTour, ScrumDay, Agilevietnam, HanoiScrum, v.v.), Lean cũng được nhắc đến nhiều qua cánh cửa Lean Start up. Tuy vậy hình như chưa có chương trình nào thực sự đẳng cấp  về Lean cho người học Việt Nam như workshop “Lean Mindset” tới đây tại Tp. HCMHà Nội. Đây là khóa học do tác giả của “Lean Software Development” giảng dạy, hai ông bà Tom và Mary Poppendieck. Tuy nhiên, kể cả hai hội thảo này gộp lại, sức bao phủ của nó cũng rất hữu hạn: 150 (HCM) + 60 (HN). Trong khi, chỉ một workshop tương tự ở Thụy Sĩ, đã có 200 người tham dự. Đó không phải là cái duy nhất đông trong chặng đường dài đi tour khắp thế giới để truyền bá khối tri thức hữu dụng và đặc sắc này.

Trong khi chúng ta nghèo, tại sao nhiều người, nhiều nơi trong chúng ta lại quá lãng phí trong tiêu xài và làm việc, ở mọi cấp, mọi ngành, kể cả công lẫn tư? Tại sao chúng ta chưa thể có “tư duy tinh gọn” để tối ưu hóa nguồn lực ít ỏi, tạo ra sự cạnh tranh trên ngay trên sân nhà hoặc thị trường quốc tế? Tại sao chúng ta chưa thể trở thành BEST trong bất kì lĩnh vực nào, trong khi người ta thì “BEST rồi vẫn còn muốn và có thể TỐT HƠN nữa”?

Có phải do thiếu nền tảng, thiếu đầu tư đúng mực cho tri thức, cho Know-how, mà chỉ có thể dùng mánh khóe để sống qua ngày, rồi qua được kì khốn khó thì dừng lại để hưởng thụ. Ví dụ về cái bẫy mang tên “thu nhập trung bình” là đây chăng?