<Một lát cắt Agile>
Các phương pháp dưới nhãn hiệu Agile nổi tiếng như XP, Scrum xuất hiện chính thức xung quanh mốc 1995. Mặc dù trước đó từ rất lâu đã có những nhóm làm phần mềm hao hao như các phương pháp này mô tả. Nhưng cứ tính từ lúc chính quy thì lấy tạm 1995. Lúc này người ta còn chưa viết cái nhãn Agile lên các phương pháp này, bởi vì nó chưa có.

Suốt thời kì từ 95 tới hết những năm 90 là giai đoạn cãi nhau ỏm tỏi. Phê phán đủ kiểu. Nào là “không học thuật”, “đơn giản chủ nghĩa”, “chỉ dành cho nhóm nhỏ và rất nhỏ, không có nghĩa lí gì”, vân vân. 
Nhưng các công ty vẫn thấy nó tạo ra kết quả tốt hơn nên cứ tự phát mà dùng, nhất là những ông khởi nghiệp. 
Chính lực lượng khởi nghiệp với nhu cầu đổi mới cao độ, tốc độ di chuyển chóng mặt mới làm khác đi, dùng cách khác bọn khủng long để mong vượt lên phía trước. 
2001, các cha đẻ của những phương pháp có tính chất linh hoạt, ít quy trình nặng nề, có tính thích ứng cao, hỗ trợ tốt cộng tác, hướng đến khách mà sau này gọi chung là Agile ngồi lại và cùng viết ra “The Manifesto for software development”, sau này gọi tắt là Agile Manifesto (Cái kiểu gọi tắt này đã từng bị một trong các cha đẻ của manifesto phê bình, nhưng ai mà cấm được thiên hạ thích gọi tắt :-). Bây giờ người ta vẫn tiếp tục gọi tắt như thế). Nhãn hiệu Agile chính thức ra đời. 
Sau đó là phường hội ra đời, nào là Agile Alliance, rồi Scrum Alliance. Rồi hàng loạt hội thảo quy mô từ nghìn người đến chục nghìn người cũng ra đời Agile Conference, Scrum Gathering….
Scrum, Agile loang ra như một đại dịch.

Sách của Jeff Sutherland có ghi vào 2007, Microsoft bắt đầu đưa Scrum vào để đổi cách làm việc thuộc khuôn khổ dự án Visual Studio Online để hòng gia tăng tốc độ chuyển giao sản phẩm ra thị trường. Rồi từ chỗ thí điểm thành ra quy trình chính thức (khi quyết định mở rộng phạm vi áp dụng vào 2011), rồi thành quy trình chủ đạo. 
Theo báo cáo của Steve Denning vào năm 2015, thì quá trình chuyển đổi này có thể tính là đã hoàn tất vào năm 2014. Khoảng 4000 lập trình viên của microsoft được biên chế trong các nhóm nhỏ tầm 12,13 người, làm việc trong các cuh trình ngắn 3 tuần để liên tục chuyển giao sản phẩm có chất lượng tới khách hàng. Nếu trước kia Microsoft có thể mất vài năm để cho ra một phiên bản sản phẩm mới, thì nay thời gian đó rút ngắn xuống còn vài tháng, chất lượng thì khác hẳn.
Vào khoảng cuối những năm 2000, nhiều người nhận rõ sự khác biệt về chất lượng phần mềm của MS viết ra so với các đối thủ chính của nó. Ngày nay thì ít còn thấy những so sánh kiểu như vậy nữa. 
Có thể nói, đế chế phần mềm số 1, con khủng long lớn nhất đã học cách khiêu vũ trong gần 1 thập kỉ. 
Trước MS vài bước, Google, Amazon, Yahoo!(lúc đó còn hùng mạnh), rồi cậu trẻ Facebook.. đều đã Agile xong xuôi rồi và đang tính những cái khác rồi.

Thập kỉ 2000s có thể được coi là thập kỉ Agile dậy thì thành công. Đến nay, ở các nơi tiên tiến (trừ Nhật, bây giờ người ta cũng đặt câu hỏi về tính tiên tiến của nước Nhật rồi, ít nhất là trong khu vực đổi mới sáng tạo), Agile đã mainstream. Và các vùng trũng cũng bắt đầu vận dụng Agile ở diện rộng. Không chỉ trong phạm vi thực hành ở các công ty, mà còn xuất hiện như đề tài nghiên cứu khoa học, và sinh viên thì được dạy từ lúc còn trên ghế nhà trường (thậm chí đã loang xuống các dự án học tập ở cấp 2).

Ngay ở Việt Nam, trong vòng gần 1 thập kỉ “làm Agile” của tôi, cũng phản ánh một cái hình ảnh hao hao như kể trên, ở quy mô hẹp hơn. Được du nhập hơi muộn, Agile ở VN chỉ được “tiếp nhận” bài bản và chính quy chỉ từ đầu những năm 2010s. Và cũng từ chỗ cãi nhau xem nó có đúng hay không, đến nó hay chỗ nào dở chỗ nào, liệu có đúng ở VN không, đến chỗ mạnh dạn làm thử (và có nhiều ca thất bại), và mạnh dạn thuê dịch vụ tư vấn huấn luyện để làm cho bằng được. 
Từ vài chục doanh nghiệp có một chút hiểu biết và vận dụng Agile, đến nay thì Việt Nam đã có hàng trăm (và có thể là hàng nghìn, do tôi không có con số chính xác) doanh nghiệp chủ động vận dụng Agile. Nhiều doanh nghiệp thì đã mạnh dạn đẩy sang mức độ enterprise giống như cách Microsoft chuyển mình như kể trên. 
Ngày nay nhiều trường ĐH ở VN cũng bắt đầu có nhắc đến Agile. Một số nơi thì đã bài bản lắm. Nhưng nhìn chung thì cũng dường như mới bắt đầu thôi. 
Học viện Agile ra đời cách đây hơn 2 năm, nhưng giờ làm không hết việc. Có lẽ là một một dấu hiệu của bước chuyển từ giai đoạn “tinh hoa” sang giai đoạn “phổ cập” chăng? Như thế cũng đã hơn chục năm để một nhãn hiệu đi vào đời sống.

Hình như không có lối tắt cho đổi mới căn bản và toàn diện. Nhất là khi nó đụng phải những hệ thống có tính quan liêu rất cao độ.

Còn nhớ cũng mới chỉ cách đây có hai năm thôi, khi đến thăm doanh nghiệp để học hỏi, một chủ doanh nghiệp rất trẻ và tài năng (cựu sinh viên đi về từ đất nước mặt trời mọc) rất hồn nhiên nói với tôi “em rất ghét bọn Agile”, vì bọn nó hay khen vống lên, nghĩ là “Agile giải quyết đợc mọi vấn đề”, chả khác gì cuồng tín. Tôi nói lại “đấy là do chứ chưa gặp anh thôi. Anh cũng là một trong bọn Agile đấy”. Thế rồi cùng nói chuyện. Cuộc gặp gỡ ấy kết thúc trong hoan hỉ và thân ái. Chủ doanh nghiệp khách sáo tiễn đưa tôi ra cầu thang và nói “em đã đổi cái nhìn về Agile, không còn ghét nữa rồi”. Chả biết sau này những người anh em thiện lành ấy có tiến lên Agile tí nào không. Cùng thời điểm ấy, Phó tổng giám đốc FSOFT, Mr. Khắc đẹp trai và thư sinh đã khẳng định trên VTV2 “fsoft chủ yếu làm Agile rồi, vì khách hàng yêu cầu như thế”. Có lẽ hiện nay đế chế FSOFT là nơi giữ nhiều chứng chỉ quốc tế về Agile nhất VN. 
Trong cùng một thành phố phù hoa Paris xứ Đông Lào này, vẫn tồn tại nhiều hơn 2 thế hệ “hệ điều hành quản trị”, giống như trên thế giới này tồn tại những “văn minh” khác nhau. Tương tự như vẫn tồn tại một nước Mỹ tốc độ có một nhà nước hiện đại, và một vùng đâu đó ở New Guinea vẫn còn chủ yếu sống theo kiểu thị tộc hết sức sơ khai. Hình như chúng vẫn chung sống hòa bình. 

Written by Tấn Dương