Drucker từng viết: Quản trị là “khai phóng” (liberal art), với những bài học mang tính liên ngành từ lịch sử, xã hội học, tâm lí học, triết học, văn hóa và tôn giáo. Có nghĩa là người ta không nên chỉ chăm chăm vào những câu chuyện quản lí hằng ngày, tiền nong, hàng họ mà còn phải để ý đến những chỗ khác, thoạt trông thì có vẻ hơi “vô dụng”.

Đọc sách, cũng không chỉ đọc những sách self-help để gắng sức quản lí thời gian hiệu quả hơn chút, bán hàng nhiều hơn chút, làm sản phẩm ít lỗi hơn chút…, mà cũng phải ngó nghiêng rộng ra đôi chút nữa. Vì bài học hay có khi lại nằm chính ở cái chỗ lan man ấy.

Nhóm chúng tôi vừa đọc Sapiens, việc tìm hiểu lịch sử loài người thực sự mở rộng và đào sâu hơn nhận thức về con người, với tư cách một loài thống trị trái đất. Chúng tôi cũng thảo luận kĩ một lần nữa bản chất người là gì. Và từ đó mà hiểu những yếu tố tạo nên sức mạnh loài. Từ đó, có thể có nhiều bài học cho cuộc sống. Xét riêng lĩnh vực quản trị, chúng tôi rút ra vài bài học hiển hiện.

Là loại động vật không nổi trội, không có lợi thế về sức mạnh, việc đứng thẳng 2 chân lại khiến sapiens yếu hơn với nhiều bệnh tật mới về xương khớp, sinh nở khó khăn hơn, tỉ lệ sinh giảm hơn. Nhưng bù lại, do không có nhiều lợi thế mà tính xã hội hóa lại cao được phát triển, nhờ đó mà vươn lên đầu chuỗi thức ăn 100 nghìn năm vừa qua. Ngôn ngữ của quản trị sẽ nói rằng trong một cộng đồng có vốn xã hội cao, con người quyền năng hơn, và hiệu quả hơn. Trong thời hiện đại, sự vượt trội về tri thức và vốn xã hội, một cộng đồng nhỏ hơn có thể chiến thắng một cuộc cạnh tranh.

Nhờ ngôn ngữ linh hoạt mà con người trở thành người hơn, và tiếp tục trở thành giống thống trị của trái đất. Nó có thể truyền đạt thông tin phức tạp, tạo ra thông tin mới, tán gẫu với nhau, bịa ra hàng loạt thứ hư cấu. Thụ đắc năng lực ngôn ngữ, chính là có năng lực người mạnh mẽ. Nhà quản lí cần tiếp tục rèn luyện “nghe nói đọc viết”, phải ngày càng làm cho năng lực ngôn ngữ của mình thật sắc bén. Vì nó là công cụ để suy nghĩ, để diễn đạt, để truyền đạt, để kết nối mọi người lại với nhau, để thúc đẩy, để kể chuyện, để sáng tạo, nhất là sáng tạo các câu chuyện.

Tưởng tượng và hư cấu là một phần năng lực người độc nhất và quan trọng hàng đầu: vị trí lãnh đạo, cơ cấu xã hội, tôn giáo, thần linh, giai tầng xã hội, thương mại, tiền,… tất thảy là các thứ hư cấu. Người ta có thể mường tượng tình trạng tin giả, tin vịt đã xuất hiện cùng với sự xuất hiện của sapiens chứ không cần đợi đến khi có Internet. Con người là loài “phát triển nhờ hư cấu” theo một cách nào đó.

Cộng đồng người sẽ có các đặc trưng tương tác khác nhau khi đạt một quy mô nhất định. Khi một nhóm tiến đến con số khoảng 150 (dau này chúng ta biết nó với tên gọi con số Dunbar), khả năng tán gẫu của nhóm bị giới hạn. Cộng đồng cần những trật tự tưởng tượng để duy trì sự hợp tác hiệu quả. Dưới con số này, các doanh nghiệp, tổ chức xã hội có thể dựa vào mối quan hệ quen biết và trao đổi tin đồn, trao đổi trực tiếp, không cần cấp bậc chính thức, danh vị và sách vở/pháp luật để giữ gìn trật tự. Những trung đội 30 binh sĩ, nhóm khởi nghiệp 6 người, đại đội 100 người. Chỉ cần mức độ kỉ luật tối thiểu họ vẫn có thể đạt sự hiệu quả cao độ trong hợp tác. Trên số lượng đó thì cộng đồng cần các huyền thoại: chúa, thành hoàng, luật pháp, công lí, nhân quyền, ma quỷ, linh hồn…
Khi đã có tích trữ, sản phẩm dư thừa thì hình thành xã hội lớn, tầng lớp tinh hoa tinh bông, nhà nước, chính trị, nghệ thuật, triết học. Những thứ “trật tự tưởng tượng” có trình độ cao hơn. Người làm trong lĩnh vực đó không sản xuất trực tiếp, nhưng là thành phần không thể thiếu để vận hành được các trật tự tưởng tượng này. “Đám ăn không ngồi rồi” lại là chìa khóa quan trọng của tiến hóa. Quản trị/lãnh đạo là tầng lớp “ăn không ngồi rồi” như thế. Chúng rất quan trọng.

Một trật tự tưởng tượng như thế, được nhúng vào thực tế (cho nên nó hư cấu mà lại thật), định hình khát vọng của chúng ta (thịnh vượng, bất tử, hòa bình…), mang tính liên-chủ quan (cả lũ tin thì nó hóa ra thật, không ai tin thì nói hay cũng không ăn thua gì). Không có trật tự tưởng tượng, không có hợp tác.

Công ty là một hư cấu pháp lí, được đối xử như thể một con người (nên gọi là pháp nhân theo thông lệ), nó là thực tế hư cấu là điều mà mọi người tin vào ngay cả khi người sáng lập không còn nữa. Nó cũng là một trật tự tưởng tượng. Các yếu tố như Mision/Purpose, Vision, Core Values giúp định hình các trật tự tưởng tượng. Nó mang lại khả năng tồn tại xuyên thời gian cho tổ chức, chứ không phải/hay không chỉ là khả năng sản xuất hoặc tạo lập lợi nhuận.

Các loài khác bị gen giới hạn, con người thì không. Gen ít thay đổi, tri thức thì có. Nhờ ngôn ngữ và khả năng hư cấu, con người có khả năng thay đổi hành vi vô hạn, chế tạo công cụ, phát triển công nghệ, biến đổi cấu trúc xã hội. Đấu 1:1, con người thua rất nhiều động vật lớn (thậm chí cả tinh tinh nhỏ thó hơn), nhưng đấu cộng đồng thì thắng tuyệt đối. Con người trên khắp địa cầu rất giống nhau về gen, nhưng do các nguyên nhân khác nhau mà điều kiện về tri thức, kinh tế, xã hội thì lại khác nhau, dẫn đến số phận cũng khác nhau. Đã từng có thời phân biệt chủng tộc rất ghê gớm do nhận thức sai lầm về tính ưu trội của chủng tộc, nhưng ngày nay người ta biết là đã bị nhầm.

Kĩ năng quan trọng bậc nhất hiện nay là kĩ năng thông tin, kĩ năng học hỏi vì sự thay đổi là thứ duy nhất không thay đổi; lại là thay đổi chóng mặt và chủ yếu diễn ra ở địa hạt thông tin. Giáo dục phải phát triển các kĩ năng vốn đã làm cho con người thành công quá khứ: giao tiếp với nhau thật tốt (communication), hợp tác với nhau thật tốt (colaboation), bịa thật tốt (creativity) và chọn lọc thông tin thật tốt để biết đúng sai tốt xấu (critical thinking). Tổ chức mạnh là các tổ chức năng lực học hỏi và sáng tạo tri thức mạnh mẽ (knowledge creating company/ wise company). Nhà lãnh đạo trong thời đại chúng ta không gì hơn là một động vật học hỏi mạnh mẽ.

Trên đây là trích tóm tắt từ một danh sách dài các bài học từ việc tìm hiểu lịch sử loài người thông qua việc đọc kĩ Sapiens của Harari. Một minh họa hùng hồn cho luận điểm của Drucker. Quản trị thực sự là một lĩnh vực khai phóng. Chương trình phát triển lãnh đạo, đến lúc nào đó nên được tiếp cận theo đường lối của giáo dục khai phóng.

Written by Tấn Dương