PS. Cái tít trên đây là giật tít kiểu GS Xoay. Còn cái tít nguyên gốc của nó hồi tôi viết T3-2010 là “Giáo dục kiểu buffet”, một cảm tưởng được chép lại nhân chuyện đi ăn tiệc buffet mà nghĩ tới nghề giáo. Tự nhiên lục lại đúng vào thời điểm có nhóm bạn đang hăng say thảo luận về cuốn “Dân chủ và Giáo dục”, nên dán nó vào đây theo kiểu “chào mừng sự kiện” 🙂
___________________________________
Giáo dục kiểu búp-phê
Nhà triết học giáo dục nổi tiếng người Mỹ Dewey, trong ‘Dân chủ trong giáo dục’, cho rằng quan niệm học tập là để chuẩn bị cho tương lai người học vừa không tự nhiên, lại vừa làm giảm hiệu quả giáo dục. Do đó, giáo dục nên là trải nghiệm thực tế chứ không phải là chuẩn bị cho trải nghiệm thực tế trong tương lai. Nói khác đi, giáo dục chính là cuộc sống của người học. Quan niệm đó đẻ ra trường phái thực dụng trong giáo dục có ảnh hưởng rất lớn đến nền GD Mỹ nhiều nền GD khác trong thế kỉ XX và đầu thế kỉ XXI này. Sau một thời gian dài khủng hoảng, nay GD VN cũng bàn nhiều về Pragmatism và đường lối thực hành giáo dục của không ít trường học và nhà giáo hiện nay cũng phản ánh quan điểm của Dewey.
Thực tế thì đời người mất quá nhiều thời gian cho việc học, phần nhiều lại có xu hướng diễn ra tách biệt với môi trường xã hội. Nếu như những gì được giảng dạy trong nhà trường không giúp ích gì cho người học trong hoặc sau khi tham gia thực sự vào cuộc sống tự lập thì nền giáo dục đã tự ý cắt đi một phần không nhỏ tuổi đời có ý nghĩa nhất của người học. Bởi vậy, câu hỏi lúc nào cũng xứng đáng được nhà giáo dục hỏi đi hỏi lại là ‘Liệu ta có dạy cái gì thừa hay vô bổ không?’. Tôi không cho rằng một nhà giáo dục lỗi lạc nào đó lại có khả năng thuyết phục phần còn lại của thế giới với một câu trả lời duy nhất cho câu hỏi hóc búa này. Bởi vậy, theo quan điểm thực dụng, tôi có thích câu hỏi kiểu ‘Liệu có cách nào đó để người học hài lòng (hay không phải hối hận) về những gì họ học hay không?’. Dường như câu hỏi đó dẫn đến cách thức triển khai giáo dục theo một hướng rất phổ biến hiện nay: lấy người học làm trung tâm, coi người học như khách hàng, khách được đối xử bình đẳng và tôn trọng, và tích cực tham gia vào quá trình giáo dục chứ không chỉ là người thụ hưởng đơn thuần. Đi ăn buffet về tôi chợt thấy có vài liên tưởng thú vị: có một kiểu giáo dục như thế với cái tên ‘Giáo dục kiểu búp-phê’ (buffet).
Ở một bữa tiệc búp-phê, người đầu bếp nấu rất nhiều món, chủng loại phong phú hòng có thể bao phủ hết khẩu vị của mọi người. Thực khách sẽ lượn lờ quanh các món ăn, tự chọn cho mình lấy thức ăn hợp khẩu vị, lấy ra lượng vừa với cái dạ dày của mình rồi tự phục vụ lấy. Thông thường, tỉ lệ hài lòng với bữa tiệc thường rất cao, ít người chê rằng kiểu như ‘đầu bếp ở đây không biết nấu nướng gì cả’. Lý do có vẻ đơn giản, nếu coi một bữa tiệc gồm nhiều khâu: nấu nướng, thưởng thức, trang trí phòng ăn, âm thanh, ánh sáng, vị trí bàn ghế v.v.; thì với bữa tiệc búp-phê, người thực khách tham gia tích cực vào quy trình, tự tổ chức đồ ăn ưa thích, liều lượng vừa đủ, chọn chỗ ngồi thích hợp. Sự tham gia và tính cá nhân hóa sẽ góp phần nâng cao chất lượng tổng thể của bữa tiệc. Thực khách sẽ thấy hài lòng hơn. Trong khi đó, theo lối ăn uống truyền thống của ta (như đi ăn cưới chẳng hạn), món ăn được chọn sẵn bởi gia chủ, thực khách rất thụ động trong việc thưởng thức; họ chẳng có quyền hành gì trong việc chọn món ăn nào. Họ chỉ có thể dùng hoặc không dùng các món trong danh sách rất ngắn các món được chọn trước. Tuy vậy, rõ ràng là làm một bữa tiệc búp-phê khó khăn hơn nhiều so với cách làm truyền thống, vì nó đòi hỏi không chỉ một sự hiểu biết rộng rãi các món ăn và khẩu vị khác nhau của các vùng miền khác nhau, đối tượng khác nhau mà còn phải có khả năng làm được các món ăn đó. Trình độ đầu bếp còi thì không làm được cái búp-phê nào ra hồn!
Nhà trường hoặc nhà giáo trong chừng mực có thể có thể cho phép người học tự do hơn trong việc lựa chọn các môn học, khóa học và phương pháp học phù hợp với từng người. Như thế, không những nó có khả năng đạt hiệu quả cao nhất (vì nó cá nhân hóa nhiều nhất) mà còn giao cho người học quyền tự quyết các vấn đề trọng đại của mình. Muốn thế phải xây dựng một cơ chế dân chủ trong trường học. Thực tế, dân chủ vẫn còn là điều mơ ước của thế giới, không cứ gì ở Việt Nam. Vả lại, chưa chắc người Việt đã thích tiệc búp-phê. Tôi đã từng tận mắt chứng kiến một đoàn khách vào nhà hàng ăn tiệc búp-phê, nhưng một trong số thực khách (là nữ) chọn hết thức ăn rồi bê ra cho phần còn lại ăn; cũng đầy ắp bàn, thừa mứa.