Nhà phát minh  Richard Buckminster Fuller có nói một câu thật chí lí: “Bạn không thể tạo ra sự thay đổi bằng cách tấn công vào hiện trạng. Hãy tạo ra một cái mẫu mới và khiến cho mô hình hiện nay trở nên lỗi thời”.

Dường như các công nghệ thay đổi thế giới, những sản phẩm thay đổi hành vi người dùng, những đổi mới trong các lĩnh vực kinh doanh – xã hội đều đi theo con đường ấy. Trừ việc đổi mới giáo dục ở ta.

Bao nhiêu năm nay rất nhiều nỗ lực từ nhiều phía cố gắng tấn công vào hiện trạng giáo dục nước nhà, nhưng lại chỉ nhận được những phong trào tồn tại ngắn hơn cả những nhiệm kì, và danh sách các vấn đề lúc nào cũng được nối dài thêm. Báo chí cũng ra sức phản ánh hiện trạng, lại chủ yếu là phê phán những yếu kém và tiêu cực. Hầu như chúng ta quên mất điều quan trọng hiển nhiên: khuyến khích làm ra những ví dụ tích cực, và biểu dương chúng.

Những gì tích cực được biểu dương, sẽ có những điều tích cực khác lặp lại.  Những điều tốt đẹp nhận được sự cảm kích, chúng sẽ lan truyền rất nhanh chóng. Khi cái tích cực nhiều lên, cũng là lúc những yếu kém tự lùi xa. Cho nên nói: Chống tiêu cực bằng một việc làm và một sản phẩm tích cực là cách tích cực nhất. Chẳng phải thánh Gandhi đã nói “Để thay đổi, hãy chính là sự thay đổi mà bạn mong muốn?”.11903719_10153449229866832_7195518962901406714_n

***

Xét từ góc độ lí thuyết ra quyết định chiểu theo Cynefine framework, trong một bối cảnh phức hợp (Complex) – như mớ bòng bong có tên Giáo dục chẳng hạn, cách đi hiệu quả hơn cả không phải cùng nhau mổ bò (analyse) tìm nguyên nhân-kết quả để rồi đề ra biện pháp – vì điều đó là bất khả, mà phải là thử dò tìm-cảm nhận (probe-sense) rồi tính bước đi kế tiếp. Phải duy nghiệm (empiricism), tìm chân lí từ thực tiễn cuộc sống. Dò bằng cái gì? Dò bằng “cái mẫu mới”. Lời Fuller lại được kiểm chứng, dựa trên những lí luận của học thuyết về phức hợp.

Ví dụ thêm. Theo logic này, lí thuyết khởi nghiệp tinh gọn (lean startup) hướng dẫn giới startup phải làm ra một cái mẫu thật sớm (gọi là Minimum Viable Product – MVP) để “thăm dò” phản ứng của thị trường/người dùng. Biết được “phản ứng” thế nào thì mới làm tiếp. Sản phẩm cứ thế tiến hóa dần dựa trên những hiểu biết ngày càng đúng, ngày càng sâu sắc về khách hàng, bối cảnh, thị trường và sản phẩm. Trong một bối cảnh phức hợp mà startup không biết được khách hàng ở đâu, cần gì thì không có cách nào ngồi đó mà phân tích mà lên mô hình được (như cách làm sản phẩm dựa trên nghiên cứu thị trường truyền thống). Tất cả chỉ là giả định. Cần phải kiểm chứng giả định ấy, càng nhanh càng tốt. Càng rẻ càng tốt vì khả năng lớn là các giả định sai toét cả.

Vậy, có nên đề nghị các nhà chính sách, các nhà cải cách giáo dục học lại LeanStartup cho thật kĩ chăng?

Written by Tấn Dương