Truyền thông đang đưa tin các cuộc bàn luận rất kinh về chuyện tích hợp. Và đỉnh điểm là từ chuyện tích hợp mà lan sang chuyện bỏ môn sử, từ đó lại lan sang ruồng bỏ nguồn gốc, từ đó lan phỏng đoán sang chuyện tương lai đất nước sẽ đi về đâu.
Nhưng không ai hỏi tích hợp là gì? Không định nghĩa thì sao thảo luận được? Và đặt câu hỏi là người ta sẽ thiết kế chương trình tích hợp như thế nào? Hướng đến mục tiêu cụ thể gì (không phải là nồng nàn yêu nước, yêu lịch sử dân tộc…), và “chuẩn bị như thế nào để các thầy cô dạy tích hợp?”, và nữa, “thay đổi như thế tốn bao nhiêu tiền? liệu có đến mấy nghìn tỉ không?”. Vân vân và vê vê.
Thực ra chuyện này đúng là bé xé ra to, cái tiểu tiết phá hỏng cái đại cục. Nhưng thôi, ta sẽ tán chuyện cho nó vui cái xó bếp Tấn’s Notes đang héo úa và khô cằn này.
Xin bắt đầu từ chuyện nấu cơm. Phải nói là mẹ tôi rất giỏi dạy nấu cơm, nên từ 5 tuổi tôi đã có thể nhóm lửa đốt rơm nấu cơm cho ba mẹ con no bụng mỗi buổi trưa mẹ đi làm đồng về (mở ngoặc là thỉnh thoảng cũng làm thủng một hai cái nồi nhôm Hải Phòng có đít mỏng dính hehe). Cho nên, phải nói là chuyện này tôi có nắm được tí chút.
Ngày xưa tui nấu cơm như rứa. Cơ mà cái nồi không hoành tráng bằng. (Ảnh: chôm chôm trên mạng)
Để nấu được cơm thì cần phải có gạo có lửa có nước có nồi. Nếu dạy nấu cơm kiểu phân môn (ở đây mình dùng từ Phân môn thay vì Phân hóa, vì hiện nay truyền thông đang làm méo mó cái ý nghĩa Phân hóa vốn đã được quen dùng để ám chỉ Differentiate Learning- tức dạy phù hợp với người học về trình độ, đặc điểm, tốc độ và kì vọng – chứ không phải là để chỉ cách dạy theo lối truyền thống là dạy theo môn – Subject) thì sẽ có một môn Lửa học [Có thể thay thế môn Điện học, nếu nấu bằng nồi cơm điện hehe] nghiên cứu lửa có từ bao giờ, do ai làm ra, thành phần thế nào, công dụng của lửa; rồi có thêm một môn nữa là môn Nước học nghiên cứu nước từ đâu mà đến, nước khác lửa thế nào, trong nước có các thành phần hóa học gì, nước có các loại nào, nước dùng để làm gì; rồi lại thêm một môn Gạo học nữa, với ngần ấy nội dung học tập; cuối cùng là môn Nồi học cũng với format tương tự. Nếu dạy không khéo, học ngần ấy các môn nhưng người học vẫn không biết nấu cơm. Nhưng nếu gặp ông giáo tốt bụng thì ở môn Lửa học sẽ học dùng lửa nấu cơm thế nào, đến môn Nước học thì cũng sẽ dạy dùng nước nấu cơm ra sao, nhưng có khi vãn không vận dụng được. Có trường hợp, cả ông giáo Lửa học, lẫn bà giáo Gạo học, và cô giáo Nước học đều sốt ruột với lí thuyết mà vượt rào dạy người học cách nấu cơm. Cuối cùng thì cũng nấu được cơm, nhưng hơi bị mất thì giờ và lại còn mang tiếng là nổi loạn.
Thế dạy nấu cơm kiểu tích hợp là thế nào?
Đơn giản là như này: muốn học cách nấu cơm , thì xắn tay vào nấu cơm luôn. Công thức hóa ra, với ngần này người ăn thì bao nhiêu gạo, bao nhiêu nước, lửa đun to nhỏ thế nào, ủ bao lâu, thế nào là đạt. Không dài dòng lê thê gì cả. Sau này nhớn tự tìm hiểu các khoa học Lửa, Nước, với Gạo và Nồi. Học như thế gọi là học cách giải quyết vấn đề (làm sao để nấu được cơm), học qua làm việc (learning-by-doing), và rất thực dụng (pragmatic), hướng mục tiêu (outcome-based learning, ở đây là hướng đến “kĩ năng nấu cơm”). Trực tiếp, giản tiện, và đỡ mất thì giờ.
Mối quan hệ giữa dạy học phân môn, dạy học theo vấn đề/dự án/chủ đề và sự tích hợp. Môn học dạy các kiến thức chuyên ngành, kĩ năng thì phải triển xuyên môn, còn PBLs thì hướng vào các vấn đề của cuộc sống, cũng đòi hỏi tích hợp và phát triển kĩ năng hữu ích.