Trong nhiều lần nói chuyện với sinh viên và đồng nghiệp tôi có nhắc nhiều đến từ “critical thinking”, năng lực phê phán hoặc “tư duy phản biện”. Có nhiều người dễ dàng đồng ý về tầm quan trọng của nó trong việc học tập và thực hành nghiên cứu, nhưng cái tôi thường nhìn thấy là sự nhầm lẫn giữa việc “phản biện” với “phản bác”. Biểu hiện cơ bản của hiện tượng này là việc một người rất dễ nghĩ ngược lại, nói ngược lại, làm ngược lại một lí thuyết hoặc quan điểm của người khác trong khi không thèm đoái hoài gì tới quan điểm đó; phản bác nó khi chưa biết nó là cái gì.
Sự thiếu thốn của việc dạy dỗ và thực hành “critical thinking” trong nhà trường – từ phổ thông lên đại học- cộng thêm sự thiếu thốn về tài liệu tiếng Việt viết về “critical thinking” có thể là lời lí giải cho hiện tượng trên. Và đó là một trong số rất nhiều lỗ hổng trong thiết kế chương trình của nền giáo dục VN. Nếu coi “tri thức” (ở dạng đơn giản nhất là “thông tin”, thực tế quan điểm hiện đại không coi tri thức = thông tin nữa) là “cá”, và việc đi học là đi “câu cá”, thì các chương trình học hiện nay tiếp cận theo kiểu “mỗi hôm đưa cho SV một con cá” thay vì phải “đưa cho cái cần câu” và “dạy cách câu cá”. Để “câu” được “tri thức” (thứ tri thức đích hiệu, chứ không phải giả hiệu), những thứ như “critical thinking” chính là “cần câu” vậy.
Vậy “critical thinking” là gì? Tôi xin giới thiệu một bài viết (ở bên dưới) rất cô đọng và có giá trị của GS Huỳnh Hữu Tuệ (đăng trên blog của GS Nguyễn Văn Tuấn) về tác dụng của Crititcal Thinking. Bài này chỉ giới hạn trong phạm vi học tập và nghiên cứu, nhưng critical thinking còn có phạm vi ảnh hưởng nhiêu hơn thế. Đó còn là chìa khóa cho việc giải quyết vấn đề, tư duy chiến lược, tư duy sáng tạo, ra quyết định, lập kế hoạch v.v.
Bạn cũng có thể đọc thêm entry “Hỏi” để có thêm được một chút công cụ cho critical thinking.
Nhưng trước hết xin liệt kê ra đây hai bản tóm tắt đại khái “critical thinking” là gì của Wikipedia:
Wiki tiến Anh:
“Critical thinking is the process of thinking that questions assumptions. It is a way of deciding whether a claim is true, false; sometimes true, or partly true. Critical thinking is an important component of most professions. It is a part of the education process and is increasingly significant as students progress through university to graduate education, although there is debate among educators about its precise meaning and scope.”
Wiki tiếng Việt (nội hàm hơi khác):
“Tư duy phản biện là một quá trình tư duy biện chứng gồm phân tích và đánh giá một thông tin đã có theo các cách nhìn khác cho vấn đề đã đặt ra nhằm làm sáng tỏ và khẳng định lại tính chính xác của vấn đề. Lập luận phản biện phải rõ ràng, lôgíc, đầy đủ bằng chứng, tỉ mỉ và công tâm.
Dựa vào những nghiên cứu gần đây, các nhà giáo dục đã hoàn toàn tin tưởng rằng trường học nên tập trung hơn vào việc dạy học sinh tư duy phản biện. Tư duy phản biện không chỉ đơn thuần là sự tiếp nhận và duy trì thông tin thụ động. Đó có thể tóm tắt là quá trình tư duy tìm lập luận phản bác lại kết quả của một quá trình tư duy khác để xác định lại tính chính xác của thông tin.”
_______________________________________________________________
Vai trò của tư duy phản biện trong học tập ở bậc đại học
(Tg. GS Huỳnh Hữu Tuệ, đăng trên Blog của GS Nguyễn Văn Tuấn)
Học là gi? Học chính là quá trình thu thập và chắt lọc kiến thức (cả về thông tin cơ bản và phương pháp luận) một cách có hệ thống và biến nó thành máu thịt của mình. Như thế học là một hoạt động thường trực, trong lúc còn là sinh viên và ngay cả lúc đã ra đời. Nhờ đó, học tập giúp con người có đủ kiến thức, đủ bản lĩnh để đánh giá và lấy quyết định, và như thế giúp con người nâng cao khả năng đối diện với các vấn đề mà cuộc đời đặt ra, dù là trong lĩnh vực chuyên môn hay trong lĩnh vực xã hội. Để đạt dược mục tiêu đó, trong lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên cần nắm vững phương pháp học tập để tôi luyện bản lĩnh cá nhân, xây dựng động lực học tập giúp cá nhân càng ngày càng trở nên tích cực hơn, và chấp nhận trách nhiệm của mình đối với bản thân và đối với xã hội. Học thật sự để trở thành một người có khả năng tư duy độc lập, nâng cao khả năng tư duy phản biện và khả năng sáng tạo, để trở thành một người hữu ích cho xã hội. Khả năng sáng tạo phụ thuộc khá nhiều vào tố chất cá nhân; nhưng tư duy độc lập và tư duy phản biện lại phụ thuộc khá nhiều vào chất lượng đào tạo và học tập của môi trường giáo dục.
Học tập giúp sinh viên phát triển đời sống trí tuệ của mình; hoạt động trí tuệ lại là cơ sở của khả năng tư duy độc lập và tư duy phản biện. Như thế, chất lượng tư duy phụ thuộc chặc chẽ vào quá trình phát triển trí tuệ. Có nhiều mô hình về quá trình phát triển trí tuệ; tuy nhiên tất cả mô hình đều có một số điểm cơ bản giống nhau, được chia ra một số giai đoạn (W. G., Jr. Perry, Forms of intellectual and ethical development in the college years: A scheme. Holt, Rinehart & Winston, New York, 1968, được trích dẫn lại trên trang Web http://www.cmu.edu/teaching /index.html, thuộc Đại học Carnegie Mellon)
Giai đoạn 1 đối ngẫu (dualism): trong giai đoạn phát triển sơ khởi này, sinh viên thường nhìn cuộc đời dưới dạng tốt-xấu, trắng-đen; và trong suy nghĩ của sinh viên ở giai đoạn này, kiến thức thu thập là rõ ràng minh bạch, không có mập mờ; học tập đơn giản chỉ là một quá trình trao đổi thông tin. Đối với họ, người thầy giảng bài tức là trình bày những kiến thức mới dưới dạng sự kiện; và sinh viên chỉ cần học thuộc lòng là hoàn thành nhiệm vụ học tập. Ở giai đoạn đối ngẫu này, sinh viên sẽ bức xúc nếu người thầy cho những câu trả lời có điều kiện, hoặc là không trả lời mà lại đặt ra những câu hỏi khác.
Giai đoạn 2 đa dạng (muliplicity): giai đoạn kế tiếp bắt đầu lúc sinh viên nhận thức được rằng ngay những chuyên viên cao cấp có lúc cũng chưa hẳn đồng ý với nhau trên một số vấn đề và đôi lúc còn hoàn toàn có quan điểm đối lập nữa. Đối với sinh viên ở giai đoạn phát triển này, mọi chuyện đều phụ thuộc vào viễn ảnh và ý kiến cá nhân. Họ cãm thấy đủ sức để tự mình suy nghĩ, và cũng đủ sức để đặt lại vấn đề về những kiến thức do người thầy truyền đạt. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, người sinh viên chưa hẳn đã đủ sức để đánh giá những cái nhìn khác nhau, và hẳn cũng chưa đủ sức để đưa ra những lập luận nhằm khẳng định quan điểm của mình. Và ở giai đoạn này, sinh viên xem đánh giá của người thầy đối với cá nhân mình là hoàn toàn có tính chủ quan.
Giai đoạn 3 tương đối hóa (relativism): trong giai đoạn phát triển tương đối phức tạp tiếp theo, sinh viên nhận thức rõ tầm quan trọng của chứng cớ và lý luận lúc tìm cách nâng cao tính thuyết phục quan điểm của mình. Người sinh viên ở giai đoạn này chấp nhận người khác có thể không đồng ý với cái nhìn của họ; và ngay cả ý kiến của lãnh đạo cũng cần được phân tích và phản biện cẩn thận, chứ không nhất quyết là nhắm mắt tuân thủ tuyệt đối. Cũng như ở trong các giai đoạn trước, bây giờ họ có thể có những suy nghĩ quyết liệt; tuy nhiên những suy nghĩ này đã được họ phân tích và đánh giá một cách nghiêm túc. Ở giai đoạn này, sinh viên bắt đầu nhìn thầy của mình với một cặp mắt khác: người thầy là một người hướng đạo có trình độ và cũng là một người đồng hành trong lĩnh vực tư duy trao đổi ý kiến, chứ không phải là một người lãnh đạo không hề có sai lầm, mà cũng không phải chỉ là một người nào đó có quan điểm khác mình.
Giai đoạn 4 chấp nhận trách nhiệm của một trí thức (commitment): theo Perry, giai đoạn cuối của quá trình phát triển trí tuệ không phải là bước nhảy vọt về mức độ phức tạp của trí tuệ, mà đúng hơn là cách tiếp cận vấn đề; áp dụng tất cả những kiến thức thu lượm được trong giai đoạn tương đối hóa để đưa ra những lựa chọn hay những quyết định dựa trên những phân tích và tư duy phản biện.
Theo Baxter-Magolda (M.B. Baxter-Magolda, Knowing and reasoning in college: Gender-related patterns in students’ intellectual development, Jossey-Bass, San Francisco, 1992) thì lúc sinh viên ghi danh vào đại học, mức độ trí tuệ của họ thấp hơn rất nhiều so với những gì ta hình dung, và trong quá trình học tập ở đại học (hệ thống 4 hoặc 5 năm), trí tuệ của họ cũng không phát triển đến mức độ mà ta hy vọng. Đồ thị sau đây, dựa trên một điều tra diện rộng trên toàn nước Mỹ, cho thấy mức độ phát triển trí tuệ của sinh viên.
Ta nhận thấy cách suy nghĩ đối ngẫu giảm đần và tư duy đa dạng phát triển theo thời gian; tuy nhiên cách tư duy tương đối lại phát triển khá chậm, không đạt đúng mức ta mong đợi.
Cố nhiên, kết quả học tập phụ thuộc vào nhiều yếu tố, vừa chủ quan, vừa khách quan. Nhưng theo tôi, yếu tố chính yếu nhất vẫn là phương pháp học tập. Để trí tuệ được phát triển toàn diện, sinh viên phải có phương pháp học tập đúng đắn.
Nhìn lại mô hình phát triển trí tuệ của sinh viên, ta thấy khá rõ dấu ấn của tư duy phản biện (critical thinking) trong quá trình học tập. Như ta sẽ thấy, tư duy phản biện là phương pháp luận đúng đắn, là phong cách hữu hiệu của một trí thức lúc tiếp cận những vấn đề mà ta phải đối diện. Trong trao đổi ý kiến, trong tiếp nhận kiến thức mới, trong trường hợp phải đánh giá một quan điểm, một luận cứ, ta phải nhìn vấn đề với một đầu óc thoáng mớ, không thiên kiến. Phương pháp tư duy duy phản biện chính là công cụ giúp ta sử dụng toàn bộ kiến thức và trí tuệ để có một cái nhìn tổng hợp và chính xác về những vấn đề hay luận cứ ta quan tâm.
Một luận cứ thường được xây dựng trên những giả thiết được gọi là tiên đề. Từ tập hợp các tiên đề này, tác giả của luận cứ áp dụng các lý luận lôgíc hình thức để suy luận và đi đến một số kết luận. Lý luận lôgíc hình thức là một số qui tắc suy luận được các triết gia đúc kết suốt quá trình phát triển của con người, và hiện nay được xem là công cụ thiết yếu của lý luận trong tất cả mọi lĩnh vực; cố nhiên lý luận lôgíc hình thức là một bộ phận của tư duy phản biện. Tư duy phản biện giúp ta đánh giá luận cứ này, xem có chấp nhận hay cần loại bỏ nó. Về thực chất, tập hợp các tiên đề được xây dựng trên nền tảng kiến thức tích lũy của người đưa ra luận cứ. Như thế, nếu suy luận không phạm lỗi lôgíc hình thức, thì kết luận sẽ đúng nếu tiên đề là đúng. Từ đó, ta có thể thấy tư duy phản biện gồm những bước chính sau đây:
1) Đọc và theo dõi cẩn thận những bước đi của luận cứ nhằm xác định các tiên đề và các kết luận mà tác giả luận cứ nêu ra (trong trường hợp theo học một môn học mới, đây cũng chính là các kiến thức mới mà người thầy muốn sinh viên tiếp nhận).
2) Nếu trong luận cứ, ta thấy không có suy luận mà chỉ là những khẳng định (facts), thì luận cứ chỉ chứa đựng những thông tin, có thể chính xác hay sai lệch; như thế, ta có quyền không quan tâm đến những gì mà tác giả của luận cứ muốn thuyết phục người nghe.
3) Trong trường hợp suy luận của luận cứ không tuân thủ các qui tắc lôgíc hình thức, thì đây chỉ là một luận cứ ngụy biện (fallacy). Chữ ngụy biện trong tiếng Việt thường mang ý nghĩa xấu, tương ứng với tình huống người ta tìm cách thuyết phục người khác bằng cách nói dối một cách hùng hồn. Nhưng đúng ra, cũng có những lúc, người trình bày luận cứ không có ý muốn nói dối, nhưng chỉ phạm sai lầm trong lý luận mà thôi. Ngụy biện vô tình hay hữu ý có thể xuất hiện dưới rất nhiều dạng khác nhau; nếu ta muốn đánh giá chính xác một luận cứ, một trong những yếu tố quan trọng là phải hiểu rõ cấu trúc ngụy biện.
4) Cuối cùng, nếu suy luận của tác giả (hoặc người thầy) hoàn toàn chặc chẽ về mặt lôgíc hình thức, thì luận cứ được xem là đúng đắng.Vấn đề cuối cùng là xét xem có nên chấp nhận những tiên đề mà tác giả sử dụng trong luận cứ hay không. Đây là điểm mấu chốt của tư duy phản biện. Bởi vì nếu ta Chấp nhận tập hợp các tiên đề của luận cứ, tức là ta hoàn toàn chấp nhận kết luận của tác giả; nói cách khác, ta chấp nhận luận cứ. Ngược lại, nếu ta phủ nhận những tiên đề này có nghĩa là ta loại bỏ luận cứ đề ra, hay nói cách khác ta không chấp nhận những kết luận mà tác giả của luận cứ tìm cách thuyết phục ta (trong học tập, tức là từ chối hay chấp nhận những kiến thức mới như một thành phần của hệ thống kiến thức mà ta cần tích lũy trong quá trình học tập).
Cách đánh giá các tiên đề của một luận cứ, có nghĩa là chấp nhận hay từ chối những tiên đề mà tác giả của luận cứ sử dụng, phải dựa trên kiến thức đã đựơc tích lũy của mình, dựa trên kinh nghiệm và lòng tin cá nhân. Kiến thức phụ thuộc vào môi trường giáo dục, phương pháp giảng dạy của người thầy cũng như phương pháp học tập của sinh viên; kinh nghiệm phụ thuộc vào môi trường xã hội và cuối cùng là lòng tin lại phụ thuộc vào môi trường giáo dục gia đình.
Trong quá trình áp dụng phương pháp tư duy phản biện, bất cứ ở tại thời điểm nào, người sinh viên cũng phải sẵn sàng động não, suy luận và đánh giá; những hoạt động này sẽ tạo thành một phong cách tư duy, luôn luôn sẵn sàng lắng nghe, nhưng trước khi chấp nhận bất cứ ý kiến nào, người sinh viên phải chủ động phân tích và đánh giá. Hoạt động của não bộ theo phong cách này sẽ giúp sinh viên hình thành vững vàng tư duy duy độc lập và tư duy phản biện. Với tư duy độc lập và tư duy phản biện như nền tảng, và với kiến thức tích lũy thành hệ thống, sinh viên sẽ có điều kiện phát triển tư duy sáng tạo của mình.
Ta thấy ngay, kết quả của học tập và vận tốc phát triển trí tuệ phụ thuộc mạnh mẽ vào phương pháp học tập của sinh viên. Người nào nắm vững phương pháp tư duy phản biện, thì chất lượng học tập càng cao và trí tuệ càng phát triển vững chắc.
Huỳnh Hữu Tuệ
Phụ lục
Trên mạng Internet, có một địa chỉ của chủ biên J. Landsberger trình bày tất cả mọi khía cạnh cụ thể của một quá trình học tập có chất lượng. Độc giả quan tâm có thể kết nối đến địa chỉ của Study Guides And Strategies là http://studygs.net/
Độc giả cũng có thể làm quen nhanh chóng với tư duy phản biện tại địa chỉ sau đây http://www.criticalthinking.org/aboutct/ctquestionsanswers.cfm
Về cấu trúc ngụy biện, độc giả có thể tham khảo trang http://www.fallacyfiles.org/