Malcom Gladwell, tác giả của Những kẻ xuất chúng, tham những nghiên cứu khoa học để nghiệm ra rằng kĩ năng cần phải trải qua một lượng thời gian đủ lớn để tích lũy, trưởng thành và thông thạo. Theo đó, giả sử một người bắt đầu học lập trình từ ghế nhà trường năm 10 tuổi; liên tục thực hành lập trình theo các cấp độ nâng cao dần qua từng ngày, thì thông thường cần tới 10 năm sau (tương đương khoảng 10.000 giờ thực hành) họ mới thuần thục kĩ năng để trở nên “tuyệt hảo” trong nghề lập trình. Đây là một quan sát không có gì mới, nhưng Gladwell có đưa ra một ước lượng tương đối cho mọi người phấn đấu trong suốt sự nghiệp của mình. Con số đó đủ để gạt bỏ các ảo tưởng về sự thành công tức thì. Nó cũng cụ thể hóa câu hỏi của dân gian ta “Có chí thì nên”: 10.000 giờ.

Tuy vậy, không phải cứ 10 năm một lập trình viên lập trình C liên tục năm này qua năm khác, dự án này qua dự án khác, thì anh ta trở thành “chuyên gia lập trình C”. Rõ ràng là sự việc không đơn giản như thế. Thực tế có nhiều lập trình viên làm việc ở các công ty lớn không hề trưởng thành gì thêm sau năm năm làm việc, và không có khả năng làm việc ở nơi nào khác, công việc nào khác ngoài công việc hiện tại của họ. Câu hỏi đặt ra cho cả người dạy và người học là, vậy làm sao để hiểu được, từ đó định hướng cho việc dạy hay việc học, cái năng lực của mỗi người tiến hóa ra sao trong khoảng thời gian không nhỏ trong một đời người ấy. Đây là câu hỏi được quan tâm từ lâu, và sự thật là rất nhiều nhà giáo dục học đã đưa ra các mô hình để cố gắng trả lời. Trong số đó, có ba mô hình rất đáng chú ý, một của Bloom về phân loại khoa học các mức độ trí năng mà một người học có thể đạt được, một của Dreyfus về thước đo cảm tính của sự tiến bộ, một của David Kolb về các thao tác cho sự tiến bộ. Đây là ba mô hình được đánh giá rất cao và có ảnh hưởng thực tiến trong tiếp cận việc dạy và học, đặc biệt là trong môi trường giáo dục sau phổ thông. Phần này mô tả sơ bộ mô hình DreyfusBloom để giúp nhà giáo dục hiểu được các thang bậc phát triển kĩ năng và trí năng của người học, phần sau sẽ trình bày “Chu trình học tập Kolb hòng rút ra được các thao tác cụ thể để nhà giáo dục giúp đỡ người học đạt được các nấc thang cao hơn trong trí năng và kĩ năng trên chặng đường trưởng thành của mình.

Phân loại Bloom về mục tiêu giáo dục 

Nhà tâm lý giáo dục Benjamin Bloom đã đưa ra (1956) lối phân loại mục tiêu giáo dục theo hai lĩnh vực tri thức (cognitive domain) và cảm xúc (affective domain). Trong đó lối phân loại của Bloom về tri thức hiện được phổ biến khắp thế giới, không ngừng được cải tiến và khai triển. Khác với mô hình Dreyfus là phương pháp thực dụng và không đặt nặng tính lượng hóa được mức độ thành thục của kĩ năng, “Phân loại Bloom” được dùng như là công cụ quan trọng trong xây dựng mục tiêu giáo dục, đo lường giáo dục, đặt câu hỏi trong giảng dạy và nghiên cứu, xây dựng và thiết kế bài giảng cũng như hướng dẫn giảng dạy để đạt mục tiêu đã đề ra.

Theo Bloom, lĩnh vực tri thức được chia thành sáu phạm trù chủ yếu gồm Biết (Knowledge), Hiểu (Comprehension), Ứng dụng (Application), Phân tích (Analysis), Tổng hợp (Synthesis) và Đánh giá (Evaluation).

Trong đó:

Biết

Kiến thức ở nhóm “Biết” bao gồm những thông tin có tính chất chuyên biệt mà một người học có thể nhớ hay nhận ra sau khi tiếp nhận. Việc học thường bắt đầu từ nhu cầu “muốn biết” nhưng để “biết được cái gì đó”, người học chỉ cần vận dụng trí nhớ, nên thành quả đạt được ở mức Biết là rất thấp và thường không mang lại giá trị tăng thêm cho người sở hữu cái biết ấy. Dân gian có câu “thùng rỗng kêu to” để chỉ những người nông cạn, tưởng biết nhiều nhưng thực ra không có trí tuệ. Thường mục tiêu giáo dục không dừng ở việc dạy các tri thức thuộc mức “Biết” này. Trong đo lường giáo dục, người ta thường dùng các câu hỏi loại điền thế, đúng\sai hay nhiều lựa chọn để kiểm tra kiến thức dạng này. Và thường chúng là những câu hỏi dễ nhất.

Một ví dụ về việc dạy kiến thức ở mức “Biết” là chỉ cho sinh viên biết RAM là bộ nhớ truy xuất ngẫu nhiên, nó viết tắt của những từ Random Access Memory. Sinh viên sẽ phải nhớ khái niệm này.

Thông hiểu (hay Hiểu)

Hiểu được chuyện gì đó tức là bao hàm việc đã biết nó, nhưng ở mức cao hơn là trí nhớ. Ở mức này, người học có khả năng chỉ ra ý nghĩa và mối liên hệ giữa các thông tin (hay khái niệm) mà họ đã biết. Khi phát biểu một định nghĩa nào đó, tức là người học đã biết đến khái niệm, nhưng để chứng tỏ hiểu, họ phải có khả năng giải thích được các khái niệm trong đó, minh họa bằng các ví dụ hay hình ảnh, phát biểu lại (rephrase) định nghĩa đó dưới dạng khác mà không mất đi đặc trưng của khái niệm.

Ở mức độ cao hơn của thông hiểu, người học phải chỉ ra các mối liên hệ giữa các khái niệm. Mục tiêu giáo dục loại này đòi hỏi người học phải giải thích, phân biệt, lựa chọn cho phù hợp hay suy diễn từ các dữ kiện đã cho.

Để kiểm tra người học có hiểu khái niệm hay không, ta có thể yêu cầu người học chọn định nghĩa sát nhất với định nghĩa có trong giáo trình trong số nhiều phát biếu.

Ví dụ về mức này là cắt nghĩa cho Sinh viên biết được RAM có hai đặc tính quan trọng là “truy xuất ngẫu nhiên” và “bộ nhớ tạm thời”. Qua đó sinh viên hiểu được RAM là một “không gian lưu trữ” tạm thời để lưu giữ các dữ liệu trong quá trình máy tính làm việc, dữ liệu đó sẽ không còn sau khi máy tính tắt đi; và việc truy xuất dữ liệu trong RAM được thực hiện ngẫu nhiên chứ không phải tuần tự như việc đọc dữ liệu như trên các băng từ.

Ứng dụng

Tri thức thuộc loại ứng dụng liên quan tới khả năng vận dụng kiến thức, biết sử dụng phương pháp, nguyên lý hay ý tưởng để giải quyết một vấn đề nào đó. Vấn đề được giải quyết ở đây phải khác (có khi là hoàn toàn mới) vấn đề đã được thảo luận trên lớp hay trong giáo trình.

Mục tiêu giáo dục dừng ở mức Ứng dụng là những mục tiêu “thực dụng”, mang lại giá trị cộng thêm cho người học vì các kiến thức có thể được đem ra áp dụng vào các vấn đề thực tiễn của người học.

Để đo lường khả năng ứng dụng, ta có thể sử dụng các bài thực hành hoặc kiểm tra các kĩ năng trong các bài trắc nghiệm (liệt kê các thủ tục, xem xét lỗi có thể phát sinh, lựa chọn giải pháp từ dữ kiện sẵn có v.v.).

Ví dụ: sau khi sinh viên hiểu được đặc tính “lưu trữ tạm thời” của RAM, trong quá trình sử dụng máy tính hoặc lập trình, tất cả các dữ liệu cần được lưu xuống đĩa cứng. Và trước khi tắt máy, họ luôn phải lưu các tài liệu đang làm việc để đề phòng mất dữ liệu.

Phân tích

Phân tích là khả năng xé nhỏ vấn đề thành các khái niệm thành phần có quan hệ hữu cơ với nhau để tìm hiểu bản chất của vấn đề. Với khả năng phân tích, người học đi đến bản chất của sự vật hay khái niệm, là tiền đề quan trọng để lấy chất liệu tổng hợp hoặc phê phán, từ đó đi tới sáng tạo cái mới.

Ví dụ: trong quá trình sử dụng máy tính, người dùng có thể thấy máy tính bị chậm đi sau một khoảng thời gian nhất định. Với hiểu biết về “không gian lưu trữ” với “dung lượng giới hạn”, và toàn bộ quá trình xử lí của máy tính, sinh viên có thể hiểu được máy chậm có thể do bộ nhớ bị chiếm dụng nhiều. Từ đó đi đến các xử lí cần thiết như để máy tính chạy nhanh hơn.

Tổng hợp

Tổng hợp là khả năng thu nhặt các thành phần rời rạc, vốn không bộc lộ rõ các mối liên kết thành ra một chỉnh thể. Đây là mức cao hơn của tri thức. Hệ quả của phương pháp tổng hợp thường là các cải tiến, sản phẩm mới hoặc lý thuyết mới.

Ví dụ:  với hiểu biết về cách thức lưu trữ dữ liệu của RAM, kết cấu và thiết kế về các loại bộ nhớ khác trong máy tính, kĩ sư phần mềm có thể đưa ra các cải tiến về thiết kế chương trình sao cho chương trình chạy hiệu quả hơn. Với các kĩ sư phần cứng, có thể họ sẽ đề xuất một thiết kế mới cho thế hệ RAM tiếp theo.

Đánh giá

Đánh giá là khả năng đưa ra các phán xét hay-dở, tốt-xấu, tiến bộ – lạc hậu, phù hợp – không phù hợp v.v., về các vật liệu, kĩ thuật, khái niệm hay phương pháp. Để có được sự đánh giá, thông thường người học phải có khả năng phân tích vấn đề để rõ ngọn ngành, tổng hợp và so sánh từ nhiều nguồn, từ đó đưa ra các nhận định cuối cùng. Kết quả của đánh giá thường làm phát  lộ các tri thức mới, phủ định các tri thức đã biết, hoặc ít ra là tái khẳng định với các căn cứ xác đáng phương pháp hay vật liệu (materials) được nghiên cứu.

Ví dụ: Lập trình viên có thể đưa ra các đánh giá các phương án lưu trữ dữ liệu trên RAM trên một máy tính như hiện tại, hay lưu trữ dữ liệu trên nhiều máy tính, hoặc kết hợp với việc lưu trữ dữ liệu xử lí trên đĩa cứng để so sánh xem các phương pháp nào hiệu quả hơn về mặt xử lí, và đề xuất các giải pháp hoàn toàn mới tốt hơn.

Các mục tiêu giáo dục thuộc bốn nhóm cuối thường được coi trọng hơn vì giúp tri thức có tính hữu dụng của tri thức. Theo quan điểm thực dụng, nếu mục tiêu học tập chỉ dừng ở mức Biết và Hiểu, thì thường là chưa có nhiều ý nghĩa trong thực tiễn. Một trong những mục tiêu phổ quát của giáo dục là khả năng giải quyết vấn đề (problem-solving), vấn đề càng phức tạp thì tri thức và kĩ năng yêu cầu để giải quyết càng cao cấp hơn. Khi đó, người học cần có khả năng phân tích sắc bén, tổng hợp tri thức một cách hệ thống, cũng như có khả năng phản biện và đánh giá để có thể đưa ra giải pháp tốt nhất.

Phân loại Bloom và Phong cách học tập

Đối với người học, việc tiếp cận các mức trí năng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới phong cách học tập. Do vậy giảng viên cần định hướng phong cách phọc tập tập cho sinh viên để họ đạt được thành quả cao hơn trong học tập.

Hình dưới đây mô tả hai phong cách học tập khác nhau khi sinh viên tiếp nhận các loại tri thức khác nhau theo phân loại của Bloom. Theo đó, nếu chỉ quan tâm tới các tri thức thuộc loại Biết và Hiểu, sinh viên đang tiếp cận hời hợt (surface learning), khó thành công trong phát triển năng lực bản thân; để thành công trong học tập, người học cần tiếp cận các mức độ tri thức cao hơn (phong cách deep-learning). Nói như vậy không có nghĩa rằng học để hiểu thì lúc nào cũng dễ hơn và không quan trọng so với học để vận dụng hay học đến mức độ phân tích.

Phân loại Bloom cải biên
Phần bên trên trình bày sơ lược mô hình “cũ” được đưa ra bởi Bloom, với ý định phân loại để phục vụ việc đặt ra các mục tiêu giáo dục. Sau này nó được hiểu rộng rãi trong cộng đồng giáo dục như là một phân loại về mức độ trí năng do có thiên hướng đánh giá cao sự vận dụng tri thức vào thực tiễn. Có phân tích cho rằng việc phân loại theo “mức độ” như vậy có vấn đề, người học không nhất thiết phải trải qua tuần tự các mức độ như vậy, và đặc biệt là ở ba nhóm cuối (Phân tích, Tổng hợp, Đánh giá).
Trong một phiên bản cập nhật năm 2001, một số nhà tâm lí học gọi tên các nhóm khác đi với cách dùng động từ thay vì danh từ như trước. Tuần tự là Nhớ (Remember), Hiểu (Understand), Vận dụng (Apply), Phân tích (Analyze), Đánh giá (Evaluate), Sáng tạo (Create – tương đồng một phần với nhóm cũ là Tổng hợp). Trong cách làm mới mô hình này, các nhà nghiên cứu hướng đến hành động, mỗi nhóm đại diện cho một quá trình nhận thức (cognitive process), thay vì “mức độ trí năng” ám chỉ trình độ cao thấp của mỗi năng lực.

 (Phần tiếp: Dreyfus đã nói gì?)