Dreyfus cho rằng, kĩ năng (ví dụ như kĩ năng lập trình chẳng hạn) sẽ trải qua năm mức độ trưởng thành: Non nớt (Novice) > Nhập môn (Advanced Beginner) > Có năng lực (Competent) > Thành thạo (Proficient) > Tinh thông (Expert). Theo đó, mức thấp nhất thường thấy ở người bắt đầu từ con số không, trước khi học; mức cuối cùng có thể thấy ở những chuyên gia – những người đạt đến trình độ thuần thục về kĩ năng tới mức trực giác. Mô hình này chỉ ra rằng, để đạt được mức độ “Chuyên gia”, chúng ta cần phải tích cực luyện tập, tích lũy kinh nghiệm và không ngừng tiếp nhận và tiêu hóa các tri thức mới. Khác với “Phân loại Bloom” là một phương pháp khoa học, mô hình Dreyfus không quan tâm tới yếu tố “khoa học” mà tập trung vào “thực nghiệm” – tức là những quan sát thực tiễn để rút ra các điều bổ ích. Có thể Mô hình Dreyfus không mang lại nhiều giá trị học thuật, nhưng nó lại mang nhiều ý nghĩa thực tiễn và dễ áp dụng theo lối “tư duy thông thường” (common sense).

 i.        Non nớt (Novice)

Khi đi học lập trình mà chưa hề biết gì về máy tính, người học đang ở “đẳng cấp” “Ngây thơ”. Ở mức này, thầy giáo thường phải chỉ cho ta biết thủ tục chi tiết của tất cả mọi việc từ bật máy tính lên như thế nào, tắt đi làm sao, v.v. – những thứ lặt vặt nhất cũng phải quy trình hóa. Không có quy trình đó, ta thậm chí không dám sờ vào máy tính. Đặc trưng cơ bản của mức độ này là việc người học có nhu cầu tuân thủ 100% quy tắc và kế hoạch, không có bài tập yêu cầu “động não”.

Rõ ràng là ở mức Ngây thơ thì chưa thể làm gì được nếu thiếu cái “Hướng dẫn sử dụng”. Mà “Hướng dẫn sử dụng” thì không bao giờ mô tả hết các tình huống thực tiễn cả, nó thường hướng dẫn những thao tác thực hành cơ bản và dễ dàng nhất. Chúng ta luôn ở trạng thái “Ngây thơ” lúc khởi đầu, và có thể hài lòng với mức độ này nếu như chỉ cần dừng ở mức độ như vậy. Ví dụ như một người chồng lười nhác có thể chỉ cần dùng đúng một chức năng “hâm nóng” của lò vi sóng, mỗi tháng một lần. Thế là anh này nhìn vào bảng hướng dẫn vận hành trên máy và thao tác y như chỉ dẫn, chẳng cần nhớ đến mình vừa làm những gì. Anh chồng này hoàn toàn có thể hài lòng với “trình độ” đó. Nhưng với người học nói chung thì rõ ràng là không ai muốn dừng ở mức “Ngây thơ” cả.

  ii.        Nhập môn (Advanced Beginner)

Đến đây thì tức là người học đã trải qua cái khả năng  làm được việc mà kè kè cái “Hướng dẫn sử dụng” trong tay. Người học đã có thể nhớ cái thủ tục ấy, và giờ có thể linh hoạt hơn một chút trong hoạt động. Và có thể trong thực tế, một người ở trạng thái “Khởi đầu” có thể hành động khác thủ tục được mô tả trong “Hướng dẫn sử dụng” một chút. Ví dụ như: “Hướng dẫn vận hành máy tính” có mô tả:

  • Để bật máy tính cần thực hiện các bước sau đây:
    • Cắm phích điện
    • Nhấn nút Power máy tính
    • Bật màn hình
    • Chờ máy khởi động

Nhưng người có chút kinh nghiệm có thể bật máy tính mà không tuân thủ cái quy trình đó: Cắm điện>Bật màn hình>Bấm nút Power> Đi uống nước trong khi chờ máy khởi động

Tuy nhiên, nếu màn hình máy tính đen xì, không lên được, thì Advanced Beginner sẽ ngồi chờ cả buổi hoặc cứ thực hiện đi thực hiện lại cái thủ tục trên và tự nhủ “Mình có làm gì sai đâu nhỉ?”. Mặc dù ở mức độ “Nhập môn”, người học được tiếp cận một số tình huống yêu cầu phải tư duy nhưng thông thường các yếu khái niệm chưa được liên kết lại, vì thế ít có khả năng trở thành “solid backgroud” để giải quyết các tình huống chưa gặp phải. Hầu hết các Advanced Beginner vẫn chưa có khả năng làm việc độc lập mà cần có sự kèm cặp của người có kinh nghiệm hơn, thường xuyên có yêu cầu trợ giúp. ví dụ…

  iii.        Có năng lực (Competent)

Làm việc lúc nào cũng có khả năng gặp rắc rối, vấn đề hay các ngoại lệ. Ở mức “Năng lực”, người học đã có thể thích ứng với các tình huống phức tạp hơn bao gồm nhiều hành động phức tạp hơn, nhiều dữ liệu hơn. Ở mức độ này, ta có thể giải quyết các vấn đề đó dựa trên những kinh nghiệm sẵn có; có khả năng lập kế hoạch nhỏ và triển khai công việc hướng đến mục tiêu. Lúc này ta bắt đầu hình thành các mô hình, hệ thống hóa các thói quen và bắt đầu có khả năng đưa ra các khái niệm sơ khai.

Ví dụ: bật máy lên mà không thấy màn hình hiện lên, có thể ta nghĩ đến màn hình hỏng, hoặc dây cáp chưa cắm, hoặc chưa vào điện hoặc cổng màn hình có vấn đề. Đó là những gì ta đã được học trong sách vở và có thể một vài lần làm việc với máy tính ta đã có chút kinh nghiệm đó. Lần theo các giả định đó, ta có thể giải quyết được vấn đề.

Ở mức này thì ta đã có thể “độc lập tác chiến” trong phạm vi hiểu biết hẹp, tự mình giải quyết nhiều trục trặc, và có thể hướng dẫn nhiều người khác. Tuy nhiên, ta chưa thể tự sửa lỗi cho mình được, và chưa có khả năng tự đánh giá mình.

Với lập trình viên (Junior Developer – đã hoàn tất việc học ở trường), diện “Có năng lực” là đông đảo hơn cả, đó là đội ngũ có thể tham gia vào quy trình sản xuất, tự mình hoàn tất công việc được giao, là người giải quyết vấn đề, ít khi là người phát hiện vấn đề. Ở mức độ này, kĩ năng bắt đầu trở nên thực sự hữu dụng.

iv.        Thành thạo (Proficient)

Ở mức độ “Năng lực”, ta có thể am hiểu sâu sắc về vấn đề, nhưng thường là tiểu tiết và vụn vặt, ta chưa thực sự nhìn toàn cảnh, trừu tượng hóa hoặc tổng quát hóa vấn đề. Ở mức độ “Thành thạo”, ta quan tâm đến ‘bức tranh lớn’ hơn là các tiểu tiết. Nhờ khả năng liên kết các vấn đề riêng lẻ, học hỏi kinh nghiệm từ chính mình và từ người khác, người Proficient có thể tự sửa sai, nâng cao chất lượng các hoạt động của mình. Bên cạnh đó, nhờ khả năng nhìn thấy bức tranh toàn cảnh mà người “Thành thạo” biết đặt độ ưu tiên cho từng công việc, biết tùy biến để thích nghi với hoàn cảnh, và có khả năng nhìn thấy các mẫu (patterns) hiệu quả trong mớ nhằng nhịt các kinh nghiệm đã biết. Đây là mẫu người mà các leader rất thích vì họ làm việc cực kì độc lập và năng suất thường rất cao (hoặc luôn luôn tiến bộ rất nhanh). Thường thì người Proficient có khả năng tự liệt kê các best practices trong lĩnh vực của mình. Ví dụ như Design Patterns, GoF đã thực sự giúp người khác tiết kiệm được thời gian và công sức khi viết ra danh sách 24 mẫu thiết kế– thực tế là các best practice khi thiết kế các hệ thống hướng đối tượng.

Ở mức này, người ta bắt đầu quan tâm đến việc thu lượm và tập hợp các best practices và mẫu (patterns).

v.        Tinh thông (Expert)

Đây là mức độ cao nhất của thang tiến bộ. Một trong các đặc điểm nổi bật nhất thường thấy ở Expert là chủ yếu làm việc theo trực giác. Họ đã có sẵn trong người các kinh nghiệm, các kĩ xảo, và rất thuần thục các mẫu (pattern) và best practice nên khó khả năng phản ứng rất nhanh trước các vấn đề gặp phải. Mô hình tư duy của Expert thường là pattern-matching, vì vậy thường có lời giải nhanh mà không cần phải ‘theo lý thuyết này’ hay ‘theo mô hình nọ’, thậm chí thường là họ sẽ bỏ qua các hướng dẫn về trình tự hay thủ tục. Có thể nếu yêu cầu họ đưa ra lý do cho lời giải, họ sẽ lúng túng một chút, vì họ chỉ có thể trả lời theo kiểu “tôi thấy nó đúng, anh cứ thử làm mà xem”, tuy nhiên, cái trực giác đó là kết quả của quá trình bền bỉ, lâu dài tích lũy các mô hình, lý thuyết và các kinh nghiệm, chắc chắn đó không phải là lời phán bừa hay một sự bắt trước – làm theo mẫu tùy tiện.

Người thuộc ‘trình độ’ thứ hai là nhiều nhất, từ nấc thứ ba trở đi, ít hơn; và đặc biệt ít ở nấc cuối cùng. Mỗi người chúng ta có một hỗn hợp cực kì phức tạp các kĩ năng và trí tuệ. Nếu tách nhỏ chúng ra thì chúng ta sẽ ở cả năm mức độ từ không biết gì tới chuyên gia. Chúng ta là “Expert” với khả năng đi lại (trừ những người không may mắn”,  có thể là “Proficient” với khả năng ngôn ngữ (tiếng Việt), có thể là “Novice” với khả năng “phân tâm học”.

Một điều đáng chú ý là, càng ở ‘trình’ thấp, người ta càng có ảo tưởng về cái biết của mình, nên càng dễ mắc phải sai lầm. Cho nên một trong các giá trị quan trọng của mô hình Dreyfus là nó đưa ra được gợi ý để thực hiện lời dạy chí phải của cụ Khổng Tử: “hãy biết mình không biết cái gì”. Cũng cần lưu ý là chặng đường đi từ Novice lên đến Expert thường là dai dẳng, tính bằng nhiều năm (hay 10.000 giờ quy ước).

****

For fun 🙂

Đọc truyện kiếm hiệp Kim Dung, thường bạn sẽ gặp một vài mẩu giai thoại giống như chuyện học võ của Trương Vô Kị như sau (Trương Tam Phong dạy Thái Cực quyền cho Vô Kị):

Sau một hồi lâu dạy các chiêu thức và lý thuyết về thái cực quyền và thấy Vô Kị có vẻ đã thuộc bài, Trương Tam Phong kiểm tra Vô Kị: “cháu còn nhớ chiêu gì không?”, Vô Kị đáp “cháu quên hết rồi”; “cháu là ai?”, Vô Kị đáp “dạ không biết ạ”; Trương Tam Phong cười mãn nguyện. Ấy là lúc Trương tổ sư tin chắc cháu mình đã học được cái cao thâm nhất của Thái Cực Quyền vậy!? Ấy là lúc võ sinh đạt đẳng cấp “Expert” vậy.

(Phần cuối: Chu trình học tập Kolb)

Written by Tấn Dương