Nhà bác học vĩ đại Chomsky có nói thế này về việc học:

Các bạn chỉ học được và học cách tư duy như thế nào nếu có một mục đích nào đó, một động cơ nào đó, một lí do nào đó xuất phát từ chính mình. Trên thực tế toàn bộ phương pháp luận trong giáo dục thực sự không nhiều hơn thế – bắt người học phải muốn học. Một khi họ muốn học thì họ sẽ học.

“Làm thế nào để động viên người học?” là một trong những câu hỏi trung tâm của giáo dục. Và thực tế, đó cũng là câu hỏi khó vào bậc nhất vì nó động tới những vấn đề rối rắm nhất về việc “cái gì thúc đẩy, còn cái gì thì cản trở  con người làm việc gì đó?”. Đấy không phải là câu hỏi tầm thường cho ngay cả những nhà tâm lí học tài ba nhất.

Nhưng cái lỗi này thì rất thường gặp: không mấy người đi dạy học thực sự tìm hiểu  câu hỏi ấy. Phần nhiều giảng viên mặc định việc đó là của học trò: các chú phải chịu khó học tập, học phải có niềm đam mê, phải phải tập trung vào mà học … Trong các lời khuyên chứa đầy mệnh lệnh “phải” ấy, không có một chút trách nhiệm nào của người thầy, không có một hướng dẫn nào để sinh viên muốn học.

Motivation-1

Vậy “làm thế nào để sinh viên muốn học”. Về đại thể, có nhiều lời khuyên chí tình từ những người nghệ sĩ trên bục giảng:

  • Lấy mình làm ví dụ để sinh viên có hứng
  • Hiểu tường tận sinh viên
  • Lấy nhiều ví dụ thực tiễn, hữu ích
  • Dùng các phương pháp giảng dạy tích cực (qua khám phá, qua hoạt động, qua trải nghiệm)
  • Thiết lập mục tiêu thực tế
  • Dùng kết quả kiểm tra để động viên, chứ không chỉ là bài test
  • Trao đổi thẳng thắn, phản biện với tinh thần xây dựng
  • Trao quyền cho sinh viên

Những gợi ý này dù rất chung chung, nhưng sẽ rất hữu hiệu cho các hoạt động giảng dạy hằng ngày.

Ở một khía cạnh khác, kĩ thuật hơn – và nhờ đó gợi ý cụ thể hơn cho câu hỏi “How” trên kia, nhiều người đã xây dựng những mô hình cụ thể để xây dựng các bài học tự thân nó có giá trị động viên người học. Keller là một ví dụ. Ông đưa ra một mô hình đơn giản để làm một bài giảng: mô hình ARCS. Theo đó người học sẽ được động viên khi bài giảng thu hút được sự chú ý (Attention), liên quan (Relevance) đến người học, giúp người học tự tin (Confidence) vì đã có được tri thức và kĩ năng mới hữu ích, và cuối cùng, bài học phải khiến người học thỏa mãn (Satisfaction) với những gì được học với sự ghi nhận rõ ràng về kết quả học tập cũng như cảm giác tự thân về những gì họ đã trải qua trong quá trình học.

Danh sách các câu hỏi đưới đây có thể giúp ta có được thêm những gợi ý cụ thể hơn về cách chuẩn bị  cho một bài giảng có tính động viên:

Attention

  • Nắm bắt sự cuốn hút: làm sao tôi biết được họ (người học) chú ý những gì?
  • Khởi phát cuốn hút: làm sao để khởi tạo một sự chú ý
  • Duy trì sự cuốn hút: làm sao để sử dụng các chiến thuật đa dạng để duy trì sự cuốn hut?

Relevance

  • Liên quan tới Mục đích: làm sao để đáp ứng được mục đích của người học tốt nhất?
  • Mối quan tâm gặp nhau: làm cách nào và khi nào thì tôi có thể cung cấp cho người học những lựa chọn thích hợn, các trách nhiệm hay những yếu tố gây ảnh hưởng tương ứng?
  • Bám vào kinh nghiệm: làm sao để bám sát kinh nghiệm của người học?

Confidence

  • Kì vọng thành công: Làm sao để hỗ trợ người học tạo ra những kì vọng tích cực về thành công?
  • Cơ hội thành công: làm sao để trải nghiệm học tập nâng cao niềm tin của người học về năng lực của họ?
  • Trách nhiệm cá nhân: làm sao để người học biết rõ rằng thành công của họ được xây dựng dựa trên nỗ lực và khả năng cá nhân?

Satisfaction

  • Sự hài lòng nội tại: làm sao để cung cấp các cơ hội có ý nghĩa cho người học để sử dụng những tri thức\kĩ năng mới?
  • Phần thưởng ngoại lai: điều gì có thể kiểm chứng sự thành công của người học?
  • Đối xử tử tế (công bằng): Làm sao để hỗ trợ người học có được cảm nhận tích cực về nỗ lực hoàn thành công việc?

Những câu hỏi này được đặt ra trong quá trình chuẩn bị\thiết kế bài giảng. Chúng đòi hỏi sự khảo sát kĩ lưỡng người học để có được những chiến thuật thích ứng cho phù hợp. Trong thực tế giảng dạy, có thể động lực của người học không ngừng biến đổi, lên xuống thất thường không đoán định được. Khi đó, nếu không có cơ chế thích ứng, thì mọi khảo sát kĩ lưỡng trước đó cũng chẳng giúp ích gì. Hơn bất kì phương diện nào của việc học, chiến lược động viên là tức thì (just-in-time) hơn cả, và đòi hỏi sự thích ứng nhanh nhạy của người đứng lớp.

Tuy mô hình ARCS của Keller khá dễ hiểu và dễ dùng, nó không phải là một mô hình đầy đủ cho việc đông viên người học. Một bài học chất đầy những bài toán thú vị, những câu hỏi chất lượng, .. đôi khi không lại được với những cái vỗ vai thân thiết, ánh mắt trìu mến, hay sự đồng cảm trước những vấn đề rất ư .. “phi học thuật” diễn ra trong và ngoài lớp học. Nếu bạn là người đi dạy, bạn sẽ hiểu ngay tôi nói đến điều gì. Còn nếu bạn là một “curriculum designer” thuộc trường phái salon (chẳng đi dạy bao giờ), có lẽ bạn sẽ thắc mắc một chút.

 

Những bài liên quan:

Written by Tấn Dương