Thế giới này tuy chưa phẳng nhưng đang toàn cầu hóa rõ rệt. Sân chơi quốc tế nằm ngay tại Việt Nam chứ chẳng cần phải chạy đi đâu. Một ví dụ dễ thấy là việc gia công (outsourcing) – một công ty tại Việt Nam sẽ phải làm ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn của công ty đi thuê ngoài, có khi là một công ty tận Mỹ hoặc Nhật.
Vậy nên trong thời đại ngày nay, khi nghĩ về “chất lượng” cao, ta không thể tránh khỏi phải động đến “tiêu chuẩn quốc tế”.
Trong khoa học, những người lên tiếng mạnh mẽ nhất về việc phải quốc tế hóa chất lượng cũng như quy chuẩn trong hoạt động khoa học có thể kể đến GS Hoàng Tụy, cố GS Bùi Trọng Liễu (Pháp), hay gần đây nhất là GS Nguyễn Văn Tuấn (Úc). Tuy vậy, chưa có nhiều thay đổi.
Ở mức độ thấp hơn, hiện nay có nhiều trường nghề cũng trương biển “trung tâm quốc tế” để câu khách. Nói là câu khách vì thực tế đầu ra của họ chỉ có “định hướng” quốc tế, có yếu tố quốc tế , chứ không thực sự phải đạt được tiêu chuẩn quốc tế.
Xét trường hợp cụ thể, ta có thể đặt câu hỏi “vậy một lập trình viên quốc tế thì cần phải như thế nào?”. Trả lời được câu hỏi ấy thì ta mới tỏ tường được các trung tâm dạy nghề kia có đạt chuẩn quốc tế không. Và câu trả lời này có thể sẽ tương đối dài, nhưng có thể phác ra vài điểm quan trọng bậc nhất:
1. Phải có kĩ năng cứng ở đẳng cấp quốc tế. Ví dụ, nếu là LTV Quốc tế thì phải hiểu được một LTV quốc tế khác (ví dụ ở MS, ở Oracle, ở Apache v.v.) viết gì trong mã nguồn các chương trình; và ngược lại viết ra dòng lệnh của mình thì phải khiến cho một LTV quốc tế khác cũng không cảm thấy “lạ lẫm” đến mức không hiểu được ta viết gì.
2. Am hiểu các tiêu chuẩn trong ngành, ở mức độ thế giới. Có thể cần phải cụ thể hóa bằng các kiểu ghi nhận: chứng chỉ, sản phẩm, v.v.
3. Khả năng giao tiếp thành thạo (nghe, nói, đọc, viết) chủ động, hiệu quả với động nghiệp quốc tế. Không thể nói anh “quốc tế” khi anh chỉ có khả năng cộng tác với người Việt được.
4. v.v. và v.v. 🙂
Phác ra mấy điểm như vậy, chính bản thân mình cũng thấy hoang mang. Vì mình cũng trương biển “quốc tế” khi làm việc, trong khi có vẻ như mình vẫn không phải kiểu “công dân toàn cầu” như vậy.
PS. Hình như cần cả các tiêu chí “mềm khác” kiểu như phải “đúng giờ” và tuân thủ. Chứ việc “cao su” hiện nay phổ biến quá. Lãng phí thời gian của mình và của đồng nghiệp. Entry này được ra đời trong hoàn cảnh ngồi chờ họp 🙁