Sắp 20-11, người người lại có cớ để mua hoa, chúc tụng, và .. đưa phong bì.
Còn đội GS (Gà sống hay Giáo sư tùy cách gọi, cũng chả quan trọng lắm :)) lại có cớ để tổ chức hội họp và … “tọa đàm”. Nó có tên: Buổi tọa đàm “Đổi mới cách dạy” ở 1A Yết Kiêu chiều thứ 7, 17-11-2012.
Các GS có mặt đông đủ trong một hội trường ngổn ngang bàn ghế vì vừa được nhận thêm một lố bên Lê Đại Hành chuyển về. Để có được chỗ ngồi như vậy, các bác Tú-Quân-Lực++ phải gồng mình suốt mấy ngày không nghỉ để dọn dẹp hết bàn ghế, sách vở, và cả ..rác rưởi nữa. GS Duẩn, khách mời từ FU đến có thể sẽ hơi ngạc nhiên vì không gian hơi bị bừa bộn một chút.
Layout được đổi vào phút chót, Tấn DT đóng góp một chút hơi tàn của ngày cuối tuần để đổi layout hình chữ I nằm ngang thành ra chữ U để mọi người có cơ hội nhìn mặt nhau khi nói. Thanks em Quỳnh và chị Dung đã hỗ trợ vào phút chót 😀
Bắt đầu đúng một giờ. Chả mấy khi đúng giờ như thế. Âu cũng là tín hiệu đáng mừng.
GS Tuân trưởng ban tổ chức đề từ ngắn gọn: “không có gì thay đổi nếu không có gì thay đổi” bằng tiếng Anh thì phải. Nói chung là triết lí thâm nho …
Rồi đến phiên đầu tiên của nữ GS Thi ĐK.
Diện một bộ đồ rất chỉn chu và đẹp đẽ, Thi ĐK hùng hồn trình bày các vấn đề về phương pháp có tên “Dạy cho nhau nghe”. Lí lẽ chắc chắn, bằng chứng đầy đủ, GS Thi lôi kéo mọi người vào một phương pháp hấp dẫn, hiệu quả để sinh viên có được sự thúc đẩy tự thân trong tiến trình học tập. Với phương pháp này, sinh viên sẽ tự học, tự giúp nhau học, không khí rất vui vẻ mà cực kì hiệu quả, các số liệu về điểm thi cùng với các feedback chính quy (GPA) lẫn phi chính quy (facebook) đều cho thấy điều đó. Điều đáng chú ý là cách làm của GS rất thận trọng và khoa học: Thăm dò > Thử nghiệm > Feedback > Mở rộng áp dụng. Điều này khiến cho việc sử dụng phương pháp mới không vướng phải sự phản kháng nào đáng kể, ngay từ đầu, đối với mỗi thay đổi.
Tuy sờ-lai hơi “xấu như con gấu”, GS Thi vẫn thuyết phục được gần hai chục GS khác ngồi dưới về tính hiệu quả và khả thi của phương pháp. Có vẻ như nhiều người sẽ mạnh dạn áp dụng phương pháp “Student Teaching” hơn nữa.
Rồi chàng công tử Cu-ba-nà xuất hiện với tiêu đề của bài thuyết trình rất dài (mình quên mất rồi), đại để là về “Học tập Tích cực”. Bài thuyết trình tương đối lộn xộn và không theo phương pháp lí luận cổ điển nào, nhưng nó lại để lộ ra cách thức sử dụng triệt để và hiệu quả các công cụ hiện đại để phục vụ việc giảng dạy và học tập. Với Facebook, GS đã tạo một không gian học tập kết nối liên tục, gia tăng thông lượng trao đổi học tập của sinh viên vượt lên nhiều lần so với số giờ trên lớp. Sự thành công nhất là các trao đổi đó đa dạng: từ sinh viên đến sinh viên (là chủ yếu), từ sinh viên tới giáo viên. Thời chưa có Facebook, thật khó tưởng tượng ra một kiểu trao đổi như vậy. Đó là Google Drive với khả năng chia sẻ vượt trội giúp các máy tính của SV và GS được kết nối và đồng bộ hóa liên tục, ở nhà cũng như ở trường, vượt qua các giới hạn về địa lí; dữ liệu được chia sẻ liên tục, tức thì và không tốn thời gian. GS Nhật cũng đã cho thấy một vấn đề nghiêm trọng của các hệ LMS\CMS hiện nay, chúng đã quá lạc hậu với mô típ upload-download-thông báo. Cần một hạ tầng mới cho việc học? Mặc dù bài thuyết trình hơn nửa tiếng về đủ các kiểu phương pháp, nhưng chỉ cần hai điểm đó thôi cũng đã khiến cho nhiều người phải nhìn lại cách thức tương tác và chăm sóc sinh viên của mình để giúp đỡ họ trưởng thành hơn trong học thuật.
Một chàng hoàng tử Cu-ba-nà khác là Đới PA xuất hiện để giới thiệu cách thức áp dụng DailyScrum vào việc dạy học. GS đã dùng 15 phút mỗi giờ để cho các học trò tự trả lời ba câu hỏi quan trọng theo mô típ của Scrum:
1. Từ hôm trước đến hôm nay đã làm được gì rồi?
2. Từ hôm nay đến mai sẽ làm gì?
3. Khó khăn gặp phải khi học là gì?
Việc tập trung tự trả lời ba câu hỏi đó trong một nhóm (lớn, gồm cả lớp 20 người) sẽ giúp SV được ít nhất ba việc:
1. Chú ý tới việc học, biết được việc cần làm là gì để học tốt
2. Là một icebreaker để tránh buồn ngủ lúc đầu giờ
3. Nói ra khó khăn để các bạn trợ giúp, hoặc thầy sẽ phục vụ
Đây là phiên nóng nhất vì các GS liên tục chất vấn với các câu hỏi hóc búa mà bản thân GS Đới cũng khó lòng trả lời hết được. Tuy vậy, có những câu hỏi dường như xoáy vào việc DailyScrum giải quyết được bao nhiêu việc cho học trò, gặp phải sự chống đối từ Sv thì làm thế nào, nếu SV lười học thì liệu ba câu hỏi kia liệu có vô ích, mười lăm phút có làm hết không ? v.v. và vân vân. Đó là các câu chất vấn rất điển hình của rất nhiều người chưa dùng Scrum và lo ngại tính hữu ích của nó. GS Đới cũng đã frame lại: Daily Scrum không nhằm giải quyết vấn đề gì cho sinh viên ngoài ba cái mục đích đã nêu ở trên. Các thảo luận sôi nổi giữa các đội quân “ném đá” gồm Vinh, Bình, Thế Anh v.v., khiến cho hoàng tử về từ Cuba đôi lúc nóng con mắt bên phải, đỏ con mắt bên trái 😛
Điều đáng chú ý là cả bốn diễn giả chính của buổi tọa đàm đều sử dụng DailyScrum cho việc giảng dạy của mình, và có đánh giá hết sức tích cực về hiệu quả của phương pháp. Không hiểu có ai muốn thử nữa không?
Phiên TeaBreak diễn ra vui vẻ trong không khí trao đổi sôi nổi đề tài của GS Đới vừa trình bày. Chủ tọa Tuân N phải mất công gào thét mới lôi mọi người về đúng chỗ ngồi để tiếp tục các phần trình bày tiếp theo.
Đến lượt Giang HH với “Học vải vui, vui thì mới học”, với đủ chiêu trò để học trò có niềm vui thích thú với việc học. Tất cả đều rất đáng để xem xét đưa ra áp dụng. GS đã gây bất ngờ cho tất cả mọi người với chiêu “Đổi gió”: cô trò cùng đến cà phê sách ngồi thuyết trình thay vì trong lớp, cô donate 100% chi phí trà nước 😛
Ngoài ra GS Giang cũng cung cấp một số kinh nghiệm xương máu về vấn đề “Chửi”, có nhiều bài học lí thú về vấn đề sư phạm nhạy cảm này, được mọi người tham gia góp ý rất sôi nổi.
Phần gần chốt, GS Dương và Hảo lên cung cấp các dữ liệu về mong đợi của SV đối với các thầy cô. Dữ liệu khảo sát từ gần một trăm sinh viên được tổng hợp lại đã để lộ rõ các mong muốn từ phía học trò đối với thầy cô, rất cụ thể và chi tiết: thầy cô phải tâm huyết, thân thiện, có chuyên môn vững, phương pháp giảng dạy tốt, v.v. Đây sẽ là dữ liệu quan trọng để các GS lưu tâm trong quá trình dẫn dắt và phục vụ của mình.
Trước khi tới phần thêm mắm thêm muối của Tấn, GS Vinh cung cấp một số chi tiết mới về cách thức cộng tác và hỗ trợ giữa đội giáo viên giúp cho sự sẵn sàng khi đứng lớp được tốt hơn.
Về phần mình, mình có nói nhanh gọn về một số từ khóa trong tiếp cận giảng dạy để dễ dàng thích nghi với sự đa dạng trong giảng dạy và học tập, như: empiricism, metacognition, individuals & interactions … và mình đã dẫn mọi người đến agile manifesto cho giáo dục, một chủ đề đã có dịp trình bày ở AgileTour vừa rồi tại HCM. Phần thuyết trình của mình dài vượt dự kiến mất 2 phút (12 phút thay vì 10 như “đã thề” :P)
Chủ tọa kiêm MC TuânN nói lời chốt hạ trong không khí phấn khởi chưa từng thấy: hiếm khi có một hội thảo hay hội họp ở FAT lại đúng giờ như vậy. Nhờ đó mọi người có mặt đông đủ ở quán Bia để “chào mừng sự thành công của cuộc họp”, như thường lệ. Và trong lúc bia đã dăm bảy cốc, GS Tuân cao hứng: “Hội thảo quốc gia cũng không được như thế này”. Thật là một buổi cuối tuần đầy cảm xúc! Nhất là khi 9h đêm hôm trước, mọi người còn phải vật lộn với đường truyền để kết nối với GS Vinh đang ở trong Viện Nhi (đưa con vào viện khám) để chốt nội dung trình bày ngày hôm sau 😛
Tấn ra về với sự khoan khoái lạ thường, nhất là khi nghe được GS Duẩn nhận xét: bổ ích thế này cần phải mở rộng cho nhiều người biết hơn. Vâng, nghe lời bác dặn, hôm nay em phải pót bằng được cái sự kiện này lên blog để nhiều người biết hơn 😀 Lần sau em xin hứa tổ chức ở chỗ to lớn đàng hoàng hơn với sự đóng góp rộng rãi hơn trong thành phần “báo cáo viên” và người tham dự.
Dưới đây là vài hình ảnh còn sót lại từ cuộc Tọa đàm (bấm to để xem hình lớn):
Đây là Agenda
Mình đã tìm ra cái hình GS Tuân dùng đây rồi:
MC kiêm chủ tọa Tuân N đương thuyết trình:
Chàng Đới đương chém:
Vì chủ đề là về cái vui nên cười trước đã:
Thi ĐK với ngổn ngang chữ:
Còn đây là MindMap của mình, theo dõi rất chăm chỉ đấy nhá