Nguyễn Việt Khoa – Một ngày được học Lean Mindset với hai tổ sư của “Phát triển Phần mềm Tinh gọn” (ông bà Poppendieck), sau đó chúng tôi lại có thêm 2 tiếng quý giá tối qua để cùng nhau thực hành và thảo luận về những nguyên lý của Lean. Hai tiếng này cũng giúp mọi người hiểu được một kỹ thuật cực kỳ hữu ích, đáng đồng tiền bát gạo đã được hai cụ hướng dẫn học viên thực hành. Kỹ thuật này có tên “Value Stream Mapping”, tôi xin mạn phép tạm dịch là “Vẽ sơ đồ Dòng Giá trị”. Cũng nhờ kỹ thuật này mà buổi học hôm đó các học viên được trao đổi nổi với hai cụ (đặc biệt là pha giữa cụ Mary và chị Minh Fsoft) và học thêm được nhiều thứ từ Lean.

Trước hết, tôi sẽ làm rõ khái niệm “Value Stream Mapping” đã đề cập ở trên:
“Value stream mapping is a lean manufacturing technique used to analyze and design the flow of materials and information required to bring a product or service to a consumer. At Toyota, where the technique originated, it is known as “material and information flow mapping”. It can be applied to nearly any value chain.” (Theo Wikipedia.org)

Chúng ta có thể hiểu kỹ thuật này đã được triển khai trong “Sản xuất Tinh gọn” (Lean Manufacturing), nó giúp phân tích toàn bộ dòng sản phẩm (từ khi bắt đầu tới khi bàn giao sản phẩm) nhằm tìm ra những nút mang lại giá trị thực sự (cho khách hàng) trên dòng (stream, flow) sản xuất và những nút (điểm) lãng phí (thừa thãi), không đem lại giá trị. Với những nút (công đoạn) thực sự mang lại giá trị thì sẽ tập trung nguồn lực để làm sao cho hiệu quả nhất, còn ngược lại với những nút lãng phí cần được loại bỏ khỏi dòng sản xuất (hoặc làm sao cho đỡ tốn kém nguồn lực nhất, nếu không loại bỏ được nó).

Thực hành kỹ thuật này thực ra không hề khó khăn, tôi có thể mô tả cách làm qua những bước căn bản sau:

  1. Chuẩn bị một tờ giấy trắng (A4, A3, A2, v.v.) tùy thuộc vào kích cỡ (số bước triển khai) của một công việc mà bạn thường phải làm; bút màu càng nhiều màu càng tốt.
  2. Tưởng tượng trong đầu lần lượt các bước sẽ phải thực hiện từ khi bắt đầu tới khi hoàn thành công việc đó.
  3. Vẽ các bước đó lần lượt ra tờ giấy bạn đã chuẩn bị.
  4. Điền các giá trị về thời gian vào mỗi nút (thời gian thực hiện công đoạn đó)
  5. Điền các giá trị (nếu có) về độ trễ giữa mỗi nút (các nút nối với nhau bởi mũi tên, ta có thể điền giá trị này lên đó) 
  6. Xác định những nút không mang lại giá trị thực sự và tìm giải pháp để loại bỏ hoặc giảm bớt nguồn lực để thực hiện
  7. Xác định những nút mang lại giá trị thực sự và tập trung nguồn lực để nhằm đạt được hiệu quả cao nhất.
  8.  Tính độ hiệu quả của dòng hiện tại của bạn và ước tính độ hiệu quả mới nếu loại bỏ được những lãng phí và cải tiến để tăng hiệu quả ở những nút mang lại giá trị.

Xin cảm ơn ông bà Poppendieck và các đồng nghiệp tham dự buổi Lean4Every1 tối qua đã cho tôi cảm hứng để viết bài này.

Nguyễn Việt Khoa
Written by Tấn Dương