Nghĩ về Mozart, chúng ta thường hay tưởng tượng ra một thiên tài có khuôn mặt trẻ thơ được trời phú năng lực chơi đàn piano đỉnh cao từ tấm bé. Tuy nhiên nhà tâm lý học Anders Ericsson ở Đại học bang Florida lại quan sát thấy một sự thật khác: vào lúc 6 tuổi khi Mozart có thể chơi piano thành thục, cậu bé đã tích lũy không ít hơn 3 500 giờ thực hành không ngừng nghỉ với sự kèm cặp của thầy giáo chính là người cha của mình. Ericsson chính là người dõng dạc tuyên bố: không có nhân tài tự nhiên sinh ra, họ đều được hình thành nên qua một quá trình luyện tập chuyên tâm với thời gian được tính bằng con số 10 nghìn giờ; điều đó đúng cho cả Mozart và những người được coi là thiên tài khác.

Ander Ericsson và cộng sự đã dành thời gian nghiên cứu hàng loạt những “tài năng xuất chúng” và đề xướng khái niệm thực hành có chủ đích cùng quan điểm về nhân tài được nuôi dưỡng trong thời gian đủ lớn chứ không được “sinh ra” đột ngột, và rằng cái “thiên bẩm” không đóng vai trò chủ đạo trong việc hình thành nên những tài năng như bấy lâu nay người ta hồn nhiên gán ghép. Một hoạt động thực hành có chủ đích là một hoạt động thực hành có cấu trúc, hướng tới mục tiêu nâng cao thành tích. Muốn chơi piano thành thục, người học sẽ phải tập đi tập lại qua nhiều bài tập cơ bản trước khi có thể chơi được các bản nhạc phức tạp hơn. Muốn có kĩ thuật đá bóng điêu luyện và khéo léo trên sâu cỏ, các cầu thủ giỏi Brazil đã trải qua hàng tá các bài tập trong sân futsal và sân nhỏ. Luyện tập với chất lượng cao để nâng cao thành tích là cách gọi nôm na cho những hiện tượng này. Khi số giờ luyện tập như vậy đủ lớn, người học sẽ dần dần bứt phá ra khỏi trạng thái sơ khai, trở nên tinh thông trong kĩ năng. Theo Ericsson, một cô gái tập đàn theo lối luyện tập có chủ đích đạt mức 3500 giờ thì có thể trở thành một nghệ sĩ amateur đủ để biểu diễn giải trí, khi đã tích lũy đủ 5000 giờ thì cô gái có thể đã là một nghệ sĩ chuyên nghiệp, và đạt 10 000 giờ thì đã là xuất chúng. Có thể nói Ericsson đã phát minh ra công thức tài tình: Tài năng = thực hành có chủ đích trong 10 000 giờ. Kết luận của Ericsson đã được Malcom Gladwell nhắc lại trong “Những kẻ xuất chúng”, cuốn sách nổi tiếng đã mang kết quả của Ericsson đến với đại chúng: “Kết quả của những nghiên cứu đã chứng minh: 10 000 giờ đồng hồ luyện tập là đòi hỏi bắt buộc để đạt được cấp độ tinh thông và trở thành một chuyên gia đẳng cấp thế giới – trong bất cứ lĩnh vực nào”. Không kể là Bill Gates của lập trình máy tính, The Beatles của nhạc rock hay Howard Gardner của khoa học tâm lí, tất cả đều phải tích cho đủ số giờ luyện tập. Đều phải 10 000 giờ. Công thức của tài năng rất đơn giản vậy thôi.

Saltatory_Conduction.gif

Hình ành về Myelin (By Dr. Jana – http://docjana.com/#/saltatory ; https://www.patreon.com/posts/4374048, CC BY 4.0, https://commons.wikimedia.org/w/index.php?curid=46818964)
Xét về phương diện vật chất, việc hình thành kĩ năng tinh thông liên quan đến một thứ vật chất trong não bộ có màu trắng vốn bị coi thường với tên myelin. Chất trắng được biết đến từ giữa thế kỉ 19 này vốn không mảy may có liên hệ gì với “trí tuệ”, như phần lớn chúng ta vẫn thường nghĩ. Chẳng phải dân gian vẫn gọi trí tuệ dưới một cái tên là “chất xám” đấy thôi? Nhưng gần đây thì người ta đã có cái nhìn khác về thứ vật chất này. Vào khoảng những năm 30-40 thế kỉ XX, các nhà khoa học bắt đầu khám phá ra rằng myelin giúp cho quá trình truyền tín hiệu giữa các tế bào thần kinh được duy trì. Khoảng 40 năm sau đó, các nhà khoa học phát hiện thêm rằng quá trình truyền đạt thông tin sẽ chậm đi hoặc mất mát khi myelin bị tổn thương.

Đây là một phát hiện đáng chú ý, bởi nó giúp chúng ta nhìn nhận lại vai trò của thứ chất trắng luôn bị cho là “vô nghĩa” này. Nếu không có chất trắng myelin, sẽ không có kĩ năng thành thục. Vì kĩ năng thành thục thực chất là một bộ phản xạ của cả trí não và cơ thể với sự chính xác và tốc độ cao, được gây dựng qua thời gian luyện tập lâu dài. Quá trình đó đồng bộ với quá trình myelin bao bọc lấy các kết nối thần kinh. Myelin được “trả lại vai trò” như vốn có trong một cuốn sách nổi tiếng của Daniel Coyle có tên “Mật mã tài năng”. Dẫn lại ý tưởng của Ericsson, tác giả cuốn sách cho rằng sự vĩ đại không tự nhiên sinh ra, mà nó được ươm trồng. Và sự ươm trồng đó gắn chặt với sự nuôi dưỡng các myelin, thứ mà ông gọi là “tế bào luyện tập sâu”. Khái niệm “luyện tập sâu” Coyle đề xuất có nội hàm tương tự như “luyện tập có chủ đích” mà Ericsson từng dùng. Đó là loại luyện tập hướng tới một mục tiêu cụ thể, lặp đi lặp lại, có sự điều chỉnh và cải tiến liên tục qua thời gian, có sự trợ giúp của một huấn luyện viên bậc thầy. Chính trong quá trình luyện tập đi tập lại với mục tiêu cải tiến kĩ năng này, các myelin bắt đầu dày dần lên, làm cho băng thông truyền tải thông tin đi qua các khớp nối thần kinh được nhanh hơn. Trong não bộ, khi myelin dày lên, cũng là lúc kĩ năng của chúng ta trở nên thành thục.

Hóa ra não bộ của chúng ta liên tục thay đổi khi học tập và rèn luyện kĩ năng mới. Điều này có phần ngược lại với suy nghĩ truyền thống rằng não bộ tương đối cố định, từ những năm đầu đời. Những nghiên cứu mới đây thậm chí còn cho thấy, não cá ngựa (hippocamus, một bộ phận nhỏ hình con cá ngựa đảm nhiệm về cảm xúc,  bộ nhớ, và sản sinh các tế bào thần kinh mới) vẫn có thể tiếp tục sản sinh các tế bào thần kinh mới cho não bộ khi chúng ta đã trưởng thành. Mặc dù theo độ tuổi, tốc độ sản sinh thấp hơn tốc độ chết đi của các tế bào, nhưng khi có sự học hỏi và luyện tập thì số lượng các kết nối giữa các tế bào, cùng với sự bao bọc của myelin luôn luôn thay đổi. Xét về chất, não của chúng ta vẫn phát triển từng ngày, nhất là khi nó được hoạt động liên tục.

Không xuất phát từ quan điểm vật chất của khoa học thần kinh, nhà tâm lí học Carol Dweck ở Đại học Stanford lại có những nhận định hết sức tương đồng về sự trưởng thành của con người. Nhưng bà lại đứng từ góc độ của người nghiên cứu về thái độ. Theo Dweck, thái độ là cái quyết định tới sự thành công trong giáo dục hoặc kinh doanh. Những nghiên cứu của bà về mô thức phát triển (growth mindset) và mô thức đông cứng (fixed mindset) đang được cộng đồng giáo dục và kinh doanh hết sức lưu tâm do nó có thể giúp họ nhận biết mẫu hình để nảy nở sự thành công và các tài năng, từ đó có cách tiếp cận đúng đắn trong việc nuôi dưỡng các mầm non trong nhà trường, hoặc chăm nom cho sự phát triển của nhân viên trong những tổ chức. Những người có mô thức phát triển tin vào việc có thể phát triển được trí khôn của mình thay vì tin rằng nó là “giời cho”. Họ khát khao được học hỏi thay vì chỉ muốn mình thật sáng láng. Họ thích đối đầu với thử thách và cảm giác được vượt qua hơn là lảng tránh chúng. Họ coi nỗ lực là điều hiển nhiên để phát triển bản thân chứ không coi nỗ lực là một “chi phí”. Họ tiếp nhận các chỉ trích để sửa mình và học hỏi thay vì phản ứng lại hoặc bỏ qua điều trái tai nhưng đúng đắn. Họ luôn tìm thấy cơ hội học hỏi trong tấm gương thành công thay vì ghen tị. Dưới con mắt của Dweck, mô thức phát triển không gì hơn là một thái độ tích cực đối với sự phát triển của bản thân và thế giới. Mặc dù thoát li khỏi phần “vật chất”, nhưng chúng ta thấy những nhận định của Dweck thật gần gũi với những hiểu biết về não bộ và sự trưởng thành của kĩ năng mà các nhà thần kinh học đã chỉ ra từ trước.

Cả Dweck, Ericsson, Gladwell hay Coyle đều chung nhau một ý: họ khuyến khích quá trình học tập tích cực, tự thân, bền bỉ và có ý thức. Họ đều nhấn mạnh một điều quan trọng là sự phát triển năng lực ở mỗi người là tiệm tiến, tốn thì giờ, có thể phải trải qua thất bại nhiều lần, và vai trò của người giáo viên/dẫn dắt là rất quan trọng. Bên cạnh đó, họ cũng không quên nhấn mạnh tới sự tác động từ các yếu tố bên ngoài tới sự phát triển năng lực của một con người: từ di sản văn hóa và môi trường, như cách Gladwell đã nêu; hay từ huấn luyện viên bậc thầy như đề xuất của Coyle để trợ giúp việc luyện tập sâu; hay sự cần thiết của khuyến khích và động viên từ giáo viên đối với nỗ lực và thất bại của học trò như khuyến nghị của Dweck.

Những điều này quan trọng gì đối với việc học trong và ngoài nhà trường của chúng ta hiện nay?

Câu chuyện về myelin cho thấy rằng chúng ta cần phải hết sức coi chừng với các hình thức thụ động của việc học tập. Những hoạt động xem phim thụ động từ tấm bé, kể cả khi phim đó được gắn mác “Baby Einstein giúp trẻ thông minh” hay những hoạt động nghe giảng một chiều thực ra không giúp ích gì mấy cho sự phát triển của trẻ cả. Thái độ tích cực và chủ động, luyện tập sâu là điều tiên quyết. Sự tăng trưởng từ từ của myelin giúp chúng ta với vai trò là các bậc cha mẹ hoặc nhà giáo bớt “sốt ruột” với sự phát triển của con trẻ hoặc chính bản thân mình. Theo đó, chúng ta sẽ phải lưu tâm nhiều hơn tới những cải tiến nhỏ, cụ thể, có chủ đích và liên tục trong cách ta làm việc. Như dân gian có câu, “muốn nhanh, cứ phải từ từ”, hóa ra cũng hiệu nghiệm trong việc phát triển năng lực con người.  Con đường đến với thành công, luôn phải có mặt sự “siêng năng” và bền chí. Cần tránh xa các “giấc mơ Phù Đổng” vốn nằm sâu trong tiềm thức của nhiều người trong chúng ta.

Cuối cùng, vì myelin được bồi đắp cùng với sự “vun trồng tài năng”, chúng ta luôn cần phải xây dựng những môi trường tốt, với những cơ hội phát triển tốt và những người hướng dẫn giỏi để định giúp cho các mầm tài năng luôn có được thái độ đúng đắn, có điều kiện được phát triển hết mình.

Dương Trọng Tấn.

Bài đăng Tia Sáng với tựa “Thực hành có chủ đích”.