Tối thứ Năm tuần trước, ScrumCoffee tập trung thảo luận xoay quanh vấn đề “Đào tạo nhân sự” để làm tốt Agile. Đây là chủ đề được lựa chọn trong số hơn chục vấn đề được đặt ra vì mọi người cùng nhận thấy đó là vấn đề nòng cốt, và rất khó khăn để thực hiện.
Cá nhân tôi cảm thấy vui thích vì không khí bàn bạc sôi nổi và thư giãn của người tham dự (như tiêu chí của ScrumCoffee đã đề ra), nhưng không thực sự “sướng” với nội dung và các giải pháp về đào tạo nhân sự cho các cá nhân và nhóm Agile. Nên muốn góp thêm vài ý.
Nếu Con người và Nhóm là yếu tố trung tâm cho thành công của Agile, thì chiến lược đào tạo, giải phóng năng lực và phát triển con người phải là chiến lược xuyên suốt cho hoạt động của công ty. Do vậy sự đầu tư về chính sách, nguồn lực, thời gian và cả know-how là vô cùng quan trọng.
Tôi chỉ xin lấy vài ví dụ về các việc có thể làm để nâng cao chất lượng đội ngũ phát triển, trong số đó có những cái “không Agile” tí nào. Các liệt kê này là ngẫu nhiên, không theo phân loại nào cả (nhớ gì ghi nấy 🙂 ).
- Thiết lập chính sách đào tạo nhân sự và có kế hoạch hiện thực hóa nó
- Xây dựng quy trình đào tạo nhân sự, bao quát cả kĩ năng chuyên môn lẫn kĩ năng mềm, quy trình, các chuẩn mực và văn hóa công ty.
- Lập kế hoạch đào tạo nhân sự định kì (theo năm, hoặc quý v.v.)
- Gửi người đi đào tạo bên ngoài (nâng cao kĩ năng, bổ sung kĩ năng – cả cứng và mềm)
- Mời chuyên gia về đào tạo tư vấn, huấn luyện
- Lập các không gian và cơ chế học tập liên tục trong công ty như Cộng đồng Thực hành (community of practice), các workshop, seminar, opentalk, codingdojo, coderetreat, v.v.
- Tổ chức lại thông tin hướng đến việc học tập (wiki, video, blog, knowledge-management-system …)
- Ghép cặp để tự nâng cao chất lượng đội ngũ, và kèm cặp nhân viên mới
- Tham gia và chủ động tổ chức các hội thảo chuyên ngành với các doanh nghiệp\tổ chức khác để học hỏi từ cộng đồng và ngành
- “Chấm công” cho việc học. Coi việc học là yêu cầu công việc, chứ không phải là option.
Các việc trên đây chỉ thực hiện được khi có lãnh đạo cấp cao ủng hộ và khuyến khích. Hơn thế nữa, trong chính sách của tổ chức, lãnh đạo cần cụ thể hóa sự ủng hộ và khuyến khích đó. Ví dụ, muốn nhân viên học tập thì không thể bắt làm việc cật lực 8 tiếng một ngày (thậm chí làm ngoài giờ), thời gian đâu để học? Ví dụ khác, muốn chia sẻ kinh nghiệm thì phải dành thời gian cho các nhóm ngồi lại với nhau, vậy cũng sẽ phải hy sinh một hai buổi khỏi công việc thường ngày để nghĩ, nói, tổng hợp và học tập v.v.
Rèn kĩ năng hay quy trình là việc lâu dài. Để thành thục kĩ năng mới, mỗi người cần vài tháng. Vậy nên việc đào tạo và học tập phải là liên tục, như hít thở vậy. Những chính sách ăn xổi hay cấp tập theo kiểu đổ tiền gửi người đi học các khóa học đắt tiền, rồi bỏ đấy cho nhân viên tự bơi chỉ chuốc lấy những thất vọng do ảo tưởng về “gia tăng năng suất”, “đổi mới, sáng tạo” v.v. Vừa tiền mất tật mang.
Xa hơn nữa, tiếp cận về nhân sự gần như là một sự lựa chọn thái độ và triết lí sống của lãnh đạo, không chỉ đơn thuần là vấn đề business. Bạn có thể tranh cãi về điều này, nhưng tôi thì tin là như vậy.
PS. Tôi cũng đã có dịp trình bày các suy nghĩ của mình về việc này trong khuôn khổ AgileTour 2012 hồi cuối năm ngoái. Mời bạn xem qua: