Vệt bài “36 kế dạy học thụ động” này chủ yếu để phục vụ trí tưởng tượng của giáo viên.
Thầy Kim vốn là người lười nhác, khi đi dạy, thầy không muốn nói nhiều, vừa mệt, lại khiến sinh viên buồn ngủ. Thầy bèn nghĩ ra kế để cho sinh viên đứng lên giảng bài, vừa đỡ phải hoạt động, lớp học vui hơn, mà kết quả thì lại khả quan chả kém lúc trước giảng bài hùng hục.
Bắt đầu với môn học, thầy chỉ ra kì vọng của mình: tôi không chấp nhận kết quả học tập kém, và các bạn thì thừa sức đạt Distinction (giỏi) – dễ như bỡn.
Rồi thầy trưng ra thống kê của nhà nghiên cứu giáo dục Edgar Dale cho thấy:
- cách học dở ẹc nhất là nghe giảng
- dở ẹc thứ nhì là cắm đầu vào đọc sách
- tốt hơn là đọc sách rồi đem ra cãi nhau
- tốt nữa là bắt tay giải quyết bài toán chính mình vướng phải
- tốt nhất là dạy nhau cái mình biết.
Thầy bảo: “Tôi sẽ để các bạn học kiểu tốt nhất”. Cả lớp cứ há hốc mồm.
Rồi thầy thuyết trình bài đầu tiên. Hai mươi đứa thì hai mốt đứa mắt trợn ngược không hiểu gì. Lòng bảo dạ: phen này phải tự lao đầu vào học không thì toi cái tám trăm đồng Mĩ kim (phí cho một môn học).
Thế là theo kế hoạch của thầy, cả lớp phân làm bốn nhóm, mỗi nhóm đọc trước một chương, giảng lại cho các nhóm khác, thiết kế bài tập cho các nhóm khác làm, chấm bài và gửi lại cho thầy đánh giá. Tất nhiên là cả bài tập lẫn nội dung slide đều phải qua tay thầy duyệt và comment trước. Cứ thế xoay vòng cho hết cái chương trình của môn học.
Trong máy của thầy thấy có cả đống slide và bài tập đều do bọn sinh viên chuẩn bị giảng lại cho nhau. Cái nào cái nấy chất lượng đều ngon lành cành đào cả, vì phần lớn đều đã được thầy điều chỉnh đôi ba lần cho nuột.
Trong đề cương của thầy mỗi nhóm phải hoàn thành một dự án. Đầu giờ học, các nhóm có 15 phút để kiểm tra tiến độ và các khó khăn của mỗi dự án. Rồi comment lẫn nhau. Không khí rất sôi nổi, và hiếm khi thấy sự chểnh mảng trong các nhóm vì project có khối lượng công việc không nhỏ, không làm liên tục thì cuối kì tha hồ mà hộc hơi làm bài thi bù.
Sau mỗi buổi học khoảng một tiếng, thầy đưa bài quiz nhanh, khoảng 10 phút. Đứa nào không làm được 8/10 (đủ để được điểm distinction) câu thì phải làm bài tập lớn bổ sung. Sợ vất vả, đứa nào đứa nấy phải mài đũng quần ở thư viện, đọc kĩ giáo trình, làm bài tập sơ cua trước khi đến lớp. Trong lớp chỉ có một tiếng nên đứa nào cũng chăm chú, tham gia tích cực vào bài giảng và các hoạt động trên lớp. Do bạn mình giảng bài nên đứa nào đứa nấy mạnh dạn hỏi han, comment tùm lum lên. Kết quả là hôm nào cũng chỉ hai ba đứa phải làm bài tập làm thêm (gọi là Student Learning Assignment – vừa phải làm, vừa phải chấm cho nhau, nếu chấm điểm thấp thì phải ghi rõ vì sao thấp, cách để nâng điểm).
Kết quả thi cuối kì môn ấy, tổng hợp lại các điểm quiz, điểm project và điểm thi cuối kì, toàn điểm DI (Distinction – Giỏi) và HD (High Distinction – Xuất sắc) cả. Tuyệt nhiên không đứa nào trượt. Hoàn toàn thỏa mãn.
Còn thầy Kim thì mãn nguyện, vì vừa nhàn sức, học sinh lại cho điểm GPA cao.