[Vệt bài “36 kế dạy học thụ động” này chủ yếu để phục vụ trí tưởng tượng của giáo viên.]
Cô giáo Thảo bước vào lớp, mặt rất nghiêm trọng: “Chúng ta học môn hành vi tổ chức (organization behaviors), cách tốt nhất là trải nghiệm cách vận hành một tổ chức, thay vì nghe cô giảng, các em sẽ bắt tay vào làm việc ngay ngày hôm nay”. Rồi cô phát cho cả lớp sơ đồ học tập của David Kolb, cùng với một bài báo ngắn của Malcomes Knowles – ông tổ của môn andragogy (thuyết học tập ở người lớn). Hỏi các bạn hiểu và cảm thấy thế nào về sơ đồ đó. Cô nói: “Cả môn học này sẽ chỉ xoay quanh cái sơ đồ này, các em có thể mang về và dán trước bàn làm việc của mình”.
Xong xuôi cô vẽ lên bảng sơ đồ Công ty OB gồm 5 bộ phận:
1. Bộ phận lãnh đạo (ML)
2. Bộ phận hậu cần (Admin)
3. Bộ phận phát triển nhân lực (SD-Staff development)
4. Bộ phân truyền thông (COM)
Cô chia lớp thành bốn nhóm, xoay vòng mỗi tuần cho từng nhóm đảm nhiệm vai trò của một bộ phận.
Nhóm ML sẽ phải tổ chức để các nhóm lập kế hoạch làm việc cho một tuần, điều hành giờ làm việc (chính là giờ học trên lớp) của cả công ty. Nhóm Admin chuẩn bị in ấn, báo cáo, meeting minutes; nhóm SD thực hiện việc đào tạo (slide đã có sẵn, bài tập và case study tương ứng với Syllabus và giáo trình cũng đã được cô Thảo chuẩn bị trước, nhóm có thể chỉnh sửa để thể hiện ý kiến cá nhân của mình cho phù hợp); nhóm truyền thông sẽ cập nhật thông tin, quan sát, lịch biểu, kế hoạch và tiến độ, hoặc các hoạt động ngoài lề cho cả công ty.
Cứ thế, lần lượt trong 14 tuần, các nhóm tự vận hành công ty, với sự cố vấn của cô Thảo.
Trong giờ làm việc trên lớp, cô Thảo ngồi ở góc quan sát, thỉnh thoảng đưa ra vài câu hỏi và định hướng cho hoạt động của các “phòng ban”. Ngoài giờ, cô để thời gian tiếp riêng những người, nhóm có nhu cầu trao đổi thêm về kế hoạch, nội dung hoặc cách thức làm việc.
Cuối kì, các nhóm phải có một báo cáo dưới dạng một Portforlio chứa các bài thu hoạch của từng cá nhân, cùng với các kết quả làm việc được tài liệu hóa, cùng với bài thuyết trình nhóm vui vẻ trước cả lớp.
Mặc dù mỗi mùa dạy học cô Thảo đều điều chỉnh đôi chút tình huống, thay đổi đôi chút vai trò nhiệm vụ của phòng ban, thêm bớt các yêu cầu cho hoạt động trên lớp, nhưng nói chung cô vẫn rất yên tâm với việc giả lập các tình huống như thật(simulation) của mình. Cô biết mình đã giúp sinh viên có những trải nghiệm học tập sâu sắc và đa dạng thông qua việc thực hành những kĩ năng và thảo luận đa chiều về các khái niệm cốt lõi của môn học; trong khi bản thân mình thì không phải giảng giải gì mấy, rất chi là đỡ tốn nước bọt.
_____________________________
Xem phần 1: Cho sinh viên làm thầy.