Bắt đầu từ NeoManager

Ba năm trước, ngay trước thềm Codvid tôi công bố logo của NeoManger- chương trình học tập dành cho nhà quản lí mới – trên Cộng đồng Nhà quản lí Hiện đại. Có sếp còn phê là làm cái Pacman cắm đầu xuống đất, bèn bỏ đi. Lúc đầu, khi thiết kế chương trình này, chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản là tạo ra nơi chốn học tập mới mẻ cho nhà quản lí.

Product Launch của NeoManger giản dị thế này thôi

Rồi oằng một cái Covid19 ào ào kéo đến. Cơn đại dịch bắt NeoManager phải chuyển hẳn sang hình thức học tập số hóa: gặp gỡ trên lớp học Zoom để trao đổi bàn luận, nghe giảng viên hướng dẫn cách học và kể chuyện thực tế; về nhà đọc sách có phản biện kết hợp reflection, cộng với tự thực hành để rèn kĩ năng, và học thêm các hướng dẫn cụ thể trong các video ngắn (micro-learning) qua nền tảng học tập trực tuyến Agilearn. Cách học này trở thành cứu tinh cho cả đơn vị tổ chức và người học. Nó giúp cho sự học được duy trì bất chấp Covid diễn ra như thế nào.
Cuối cùng, ngay cả khi Covid kết thúc, việc học tập dựa trên nền tảng số (mà Học viện Agile gọi là “giáo dục số”) này trở thành “tiêu chuẩn”. Nó giúp cho các vấn đề về tắc đường, thời gian, phương tiện, chi phí, …. không còn là lí do để từ chối việc học. Giờ thì mỗi năm NeoManager phục vụ 300-400 nhà quản lí đến ‘luyện chưởng’.

Hình ảnh NeoManger Summit tập hợp hơn 100 cựu học viên tham gia. Ảnh: Học viện Agile.

Gần đây cộng đồng NeoManager được mở rộng, các hoạt động offline cũng đa dạng sôi nổi hơn với những cuộc viếng thăm nhau (rất nồng ấm tình đồng môn đồng nghiệp, và hữu ích), những cuộc summit nổ tung trời; và các cuộc “ăn chơi” khác nữa. Tuy thế, hoạt động học tập vẫn được tổ chức phần lớn trên không gian số.

Một cuộc viếng thăm nhau của cộng đồng cựu học viên NeoManager

NeoManager trên thực tế đã trở thành một “Trường học số về quản lí (digital school of management)” trong thời đại Covid, và tiếp tục phát triển mạnh thời kì ‘hậu-covid”. Có lúc tôi trộm nghĩ, phải chăng chính Covid đã giúp ông giời mang đến điềm may cho Học viện Agile để chuyển đổi mô hình kinh doanh, triệt để tiến vào kỉ nguyên số? Mặc dù công lớn tất nhiên là sự ủng hộ của người học, doanh nghiệp, và nhất là mồ hôi và nước mắt ngày và đêm của đội ngũ triển khai của Học viện Agile để tìm kiếm được người học phù hợp và tổ chức các lớp học thành công; Covid vẫn là một biến cố không ai “thiết kế” được.


Đông Tây khai phóng cả

Tối ngày 12/9, cựu học viên NeoManager tổ chức một cuộc tụ tập kì lạ. Đó là một cuộc gặp gỡ và nói chuyện về ông Inamori Kazuo, một bậc vĩ nhân của nước Nhật và thế giới nói chung, để tri ân một người hiền cưỡi hạc về giời. Đó là một buổi kỉ niệm cảm động. Với sự hiện diện của gần 100 người từ khắp nơi (chủ yếu là HN, SGN, Tokyo), mọi người cùng ôn lại một số nét chính trong cuộc đời phi thường của một con người có xuất xứ bình thường Inamori Kazuo. Dịch giả Thanh Huyền, vừa là cựu học viên NeoManager khóa 1, vừa là học trò được học trực tiếp “thầy” Inamori ở Nhật đã mang đến những câu chuyện cảm động về cụ. Những người khác tham gia cuộc gặp gỡ cũng chia sẻ những điều tâm đắc, những bài học quý báu học được từ những trang sách và cuộc đời của Inamori. Anh chị em NeoManager thì không lại gì khuôn mặt ông cụ, vì không những bị ép đọc lại còn bị ép “viết reflection” về cái vừa đọc được nữa. Tôi nhớ như in một số phản hồi có ám mùi cay cú: Sao cái thứ tầm thường như thế này mà cũng phải đọc? Có người thì: sao sách khó hiểu thế? Có người thì lại bảo “viết thế này thì làm sao mà thực hành được”. Nhưng đấy chỉ là số ít, còn thì quá nửa (cũng có thể là  phần lớn) cảm thấy rõ ràng đọc được Inamori như vớ được vàng. Ông cụ đưa ra những chỉ dẫn mang tầm nguyên lí để có được cách nghĩ đúng, căn cứ để đánh giá sự việc, cung cấp chiếc la bàn để ra quyết định trong cuộc sống hằng ngày để hướng đến một cuộc đời đáng sống dù ta có là ai. Tôi chọn Inamori để mọi người học hỏi và suy ngẫm, là bởi vì đó đơn giản là một kho tàng tri thức to lớn. Cả cuộc đời ông cụ là một câu chuyện nhiều chương hồi cực hay. Mấy chục cuốn sách cụ viết là một kho minh triết để vận dụng cho đời sống hằng ngày, cho việc làm nhà quản lí và chịu trách nhiệm mang về hạnh phúc và phát triển của tổ chức. Cái minh triết thực tiễn của Inamori đặc sắc phong vị phương Đông, đẫm tinh thần Phật giáo nhập thế,  là một thứ có nền văn hóa rất gần với tính cách số đông người Việt. Và bởi vì không có cái tri thức hay ho nào mà lại không đòi phải dụng công, cho nên phải đọc cho kĩ, nghĩ cho kĩ, trao đổi với bạn học, trao đổi với mentor, và tự thực hành tự chứng nghiệm rồi mới thấy được sức mạnh của tri thức. Thế thì mới cần đến lớp học, đến bạn đồng môn, đến người dẫn dắt; đến không gian để chia sẻ; chứ không thì ngồi nhà đọc sách cho nhàn chứ đến lớp làm gì.

Poster chương trình gặp gỡ Inamori Kazuo – Một đời đáng sống

Nhưng Inamori chỉ là một vế. Vế bên kia là một Peter Drucker mà ai làm quản trị kiểu gì cũng phải nghe tên một vài lần. Chả nhẽ “tổ nghề quản trị thế giới” mà người làm nghề quản trị ở VN lại không biết, thế thì vô phép quá! Nhưng đưa Drucker vào để học viên NeoManager học tập (nhưng tôi chắc là mentor, giảng viên NeoManger còn học được nhiều hơn) nghiên cứu và học hỏi không đơn thuần là chuyện lễ nghi. Drucker là một bầu trời. Nhiều người đọc kĩ đôi ba chục tác phẩm của Drucker dễ  có cảm giác là tất cả các câu hỏi trên đời này về quản trị thì Drucker đặt ra hết cả rồi, ngửa mặt lên giời hỏi Drucker cái là có hồi đáp. Câu trả lời thì có thể vẫn cần suy nghĩ và đào sâu thêm, nhưng kiểu gì Ông Cụ cũng gạch đầu dòng cho vài nhát rồi. Phàm phải người như thế mà không đọc, thì còn đọc ai?

Hình ảnh chụp màn hình Zoom cuộc tọa đàm của cộng đồng NeoManager

Bên này là một minh triết phương Đông đầy hiện sinh, giàu trải nghiệm,  rất đời, gần gũi như không khí ngay cả khi đề cập đến những vấn đề nghiêm túc về kinh doanh và quản trị.  Inamori chỉ ra không có sự tách rời giữa việc lãnh đạo và việc đời, giữa việc “sống” và việc “kinh doanh”. Ông cũng gọi lại tên những phẩm tính mà thiếu nó thì nhà lãnh đạo không thể có cuộc đời đáng sống chứ đừng nói là một sự nghiệp phi thường: Tâm, Vị tha, Đạo đức, Lương tâm, Vì xã hội, Sự cao quý… Bên kia là một hệ thống tư duy phương Tây tầng tầng lớp lớp, hết sức duy lí trong khi vẫn tràn nhiệt tâm, đề cao tính hiệu quả, luôn muốn đi đến cùng của hiểu biết và sẵn sàng đặt ra những câu hỏi hóc búa. Hai bên như hai mặt âm-dương của một chỉnh thể.
Tôi chưa một lần bộc bạch một điều thầm kín hết sức quan trọng rằng: Nếu như  học viên nào mà học NeoManager xong, lại còn biết lên kế hoạch để đọc thêm ít nhất năm năm nữa về hai cụ này, thì ắt sẽ ra gì và này nọ lắm; và đấy sẽ là người mang GEN NeoManager điển hình cần phải được bảo tồn và di truyền lại cho các anh em đi sau. Cái việc dẫn dắt vào một hai đại tác gia, tức là dẫn vào một hành trình dài hơi giá trị lớn, chứ không đơn giản là đọc một hai cuốn sách. Do vậy mà tôi nhất quyết duy trì sách của hai cụ trong chương trình NeoManager (mở ngoặc: Phải nói thế vì có lúc có người đề nghị thay thế sách của hai cụ bằng sách ‘dễ nuốt’ hơn, như sách của John Maxwell, Brian Tracy chả hạn). Tôi muốn dẫn người học đi trên một con đường cái quan, có hai vị ‘thánh’ bảo trợ trong nhiều năm, để lĩnh hội cả một bề dày văn hóa quản trị, chứ không chỉ đơn giản là một số mẹo vặt hữu ích cho các việc trước mắt.
Đưa Drucker và Inamori vào thành tư liệu chính quy, không chỉ vì đó là hai mỏ vàng tri thức giàu có; mà còn ngầm ý về hai biểu tượng lãnh đạo, có thể xứng đáng thành khuôn mẫu classic (cổ điển không có nghĩa là cũ) để đi theo. Làm lại những việc làm tiêu biểu người giỏi trong ngành đã bước qua chính là một cách nhanh nhất để có được năng lực để hành nghề. Đó cũng là một bí quyết nhà nghề của giáo dục dựa trên việc làm. Tất nhiên, chúng ta học phải vừa có tinh thần tiếp thu, lại vừa có tinh thần phê phán, thì mới mau tiến bộ.
Việc yêu cầu đọc sâu, có thảo luận , có phản biện sử dụng phương pháp học tập phản tư (reflective learning), và vật liệu là sách Drucker và Inamori chính là học cách mà năm xưa nhà triết học Mortimer Adler sử dụng để triển khai “giáo dục khai phóng” trong chương trình Great Books nổi tiếng thế giới. Lập luận của trường phái Adler này nghe không có gì khó hiểu: thông qua nghiên cứu những thứ được coi là kinh điển (classic), người ta có thể tiếp thu được những cái căn cốt nhất (essentials) của nền văn hóa. Cho nên trường phái này được gắn tên là thuyết căn bản, hay chủ nghĩa thiết yếu (essentialism) trong triết lí giáo dục. Lập luận của tôi rất đơn giản, và hoàn toàn lặp lại Adler, không có gì mới: thông qua nghiên cứu kinh điển quản trị một cách đúng đắn và nghiêm túc, thì ắt là người học sẽ có được căn cơ của quản trị.


Học cái gì – Học thế nào để khai phóng?

Giờ ta sang câu hỏi cuối, nhưng nó lại là một cặp. Tóm lại bằng một cặp từ là Cái và Cách: Học CÁI gì, và Học CÁCH nào?

Sở dĩ nó đi theo cặp vì tùy cái cần học thì cách học là khác nhau. Học tư duy của nhà khoa học để vận dụng vào khởi nghiệp hay quản trị theo số liệu thì phải học theo theo cách của nhà khoa học, không thể học theo cách của thầy bói. Học tư duy của nghệ sĩ để có những sáng tạo nguyên bản độc nhất thì không nên dùng cách của nhà khoa học (mặc dù có thể sử dụng đôi chút tri thức khoa học). Học tư duy chánh niệm của Phật truyền dạy thì không nên đặt quá nhiều tưởng tượng của cánh nghệ thuật hay quá nhiều lí luận của Khoa học. Mỗi một lĩnh vực (art) nó có một truyền thống và nhiều gợi ý để học một cách hiệu quả riêng. Cho nên nếu ta nắm được CÁCH học nó, thì cũng dễ đạt được CÁI cần học và đạt được nó rất năng suất. Bạn biết đấy, nhà kinh tế học nói “về lâu dài, năng suất hầu như là tất cả”. Trong việc học, tôi nghĩ rằng người ta cũng nên để ý đến năng suất, vì không phải ai cũng có điều kiện về thời gian và tiền bạc để mà đủng đỉnh lề mề tụt hậu mãi.

Đấy là ý thứ nhất: người ta cần phải quan tâm cả một cặp HỌC CÁI GÌ – HỌC THẾ NÀO, chứ không chỉ nên quan tâm một vế. Hiện nay người ta quá chú tâm đến việc tha cái gì về túi khôn của mình để dùng (thường là dùng ngay), như thế là hơi  lệch.

Giờ ta sang ý thứ hai: nếu chỉ học một cái, thì học cái nào trước?

Tôi xin ghi ra đây một cách dứt khoát. Hơn 10 năm nay rồi tôi vẫn dứt khoát như thế: Học cách học trước. Không phải tự nhiên mà bắt đầu khóa NeoManager gần 3 tháng, hay một chương trình Libero 1 năm, hoặc WiseLeader dài hơn nữa, tôi luôn thiết kế sự học bằng một khóa hướng dẫn đọc sách và học cách học. Mục đích thì đơn giản thôi là giúp người học tự nhận thức và trang bị cho mình một cái cần câu tri thức. Ai có rồi thì đẽo gọt nâng cấp lên, ai chưa có thì rước về mà dùng. Kĩ năng tự học có định hướng là kĩ năng thượng hạng bậc nhất trong thời đại thay đổi xoành xoạch ngày nay. Nhưng tóm lại học cách học thì nó cũng phải có cái gì đấy cụ thể chứ? Tôi bèn chế ra một cái gợi ý có tên là TTL, transformative technology-enabled learning, dịch nôm ra là trao cho người học một cách học chuyển hóa được sự yểm trợ của công nghệ. Với cách học này thì người học sẽ tiêu hóa được kiến thức chứ không tự mình biến mình thành cái máy nuốt chữ. Học thế thì nó mới có ích, và kiến thức của thiên hạ nó mới chui vào người rồi ở đấy chứ không chạy biến ra ngoài ngay sau kết thúc bài quiz cuối cùng. Còn được yểm trợ bởi công nghệ là vì công nghệ bây giờ nó hay quá, tốt quá, giúp người ta giải phóng sức học sức làm bất kì đâu bất kì lúc nào, nên phải học cách dùng nó một cách hữu ích. Nói thế thì vẫn còn chung chung, bổ TTL ra thì có các thành phần chính yếu thế này:

  1. Học cách đọc sách thông minh: chính là cách đọc sách có phản biện, có phản tư (reflection), các sách hay sách kinh điển sách quan trọng sách hữu ích sách thú vị với mình. Như đã đề cập trong bài trước về dẫn vào đọc Drucker và Inamori. Nhờ cách đọc đúng mà có chuyển hóa trong đầu.
  2. Học bài học dưới dạng video được làm sẵn (trên Agilearn, các cổng MOOC) hoặc tự tìm thêm mà học. Khi học thì biết cách ghi chú những điều quan trọng, biết cách đem vấn đề khúc mắc hoặc hay ho ra thảo luận và chia sẻ với bạn học, với đồng nghiệp.
  3. Thực hiện thí nghiệm có chủ đích (active experimentation) để áp dụng điều mình học được vào thực tiễn theo một chu trình học tập có Thử>Đúc rút>Kinh nghiệm>Cải tiến. Từ đó mà có chuyển hóa trong thực tiễn. Nhờ thực hành ngay khi học mà có thêm kinh nghiệm. Nó chính là phương châm làm-thì-học.
  4. Nếu mục 3 là cá nhân mỗi người thực hiện một cái chu trình PDCA (Plan-Do-Check-Act) để tập cách tiêu hóa kiến thức. Thì các dự án (project) được bày ra để cùng nhau làm những điều phức tạp hơn một chút. Người học cùng học cách đạt được mục tiêu cùng nhau. Cũng qua đó mà rèn rũa thêm nhiều đức tính, nhiều phẩm chất và kĩ năng khác. Đôi khi ngời ta sẽ thấy ngạc nhiên là qua một dự án mình lại trở thành ngời kiên nhẫn và ưa dậy sớm, vì trong dự án vừa qua ở NeoManger cả nhóm phải thức giấc lúc 5 giờ để thảo luận bài vở và việc cần làm (tất nhiên là có sự đồng thuận cả nhóm).
  5. Thảo luận với bạn học, với mentor và chuyên gia. Nếu có điều kiện thì ngồi tại chỗ, ngồi quán cà phê, ngồi quán bia mà thảo luận. Nếu thời gian và địa lí cố tình chia rẽ thì hẹn nhau chui vào Zoom, vào Meet mà thảo luận. Nếu người ta muốn học thì công nghệ sẽ trợ giúp, trao cho bạn quyền năng để đạt được mục tiêu.

Với cách học như thế này, người học được trao cho một hướng dẫn về “cách học”, nhưng không phải trên trang giấy mà trong thực tiễn học tập. Cũng có nghĩa là học bằng việc làm. Nó kéo dài (3 tháng – 1.5 năm), do đó mà được rèn luyện liên tục, thành nếp học nếp nghĩ, nếp làm trong con người. Do vậy mà nó sẽ ở đấy, có ích cho nhiều năm về sau. Cần nhấn mạnh thêm một tí nữa về cách học, có lẽ vẫn không thừa. Đó là đừng quá tự phụ về một “cách học tốt nhất”. Có ngời bảo đọc sách là tốt nhất. Có người bác lại, chiêm nghiệm là cách duy nhất. Nếu bạn định thực bụng đi bênh một phe nào, thì cũng sẽ mất thời gian đấy. Ngành tri thức luận (epistemology)-một nhánh quan trọng hàng đầu và luôn sống động của triết học –  có niên đại hơn hai nghìn năm trăm năm nay chưa bênh triệt để được bên nào. Sau thời khai sáng, nó được bổ sung thêm các lĩnh vực khoa học khác: từ khoa học tâm lí, khoa học nhận thức, và cả ngành công nghệ thông tin mới mẻ mạnh mẽ tuyệt vời nữa; vẫn chưa ngã ngũ. Bạn tự chiêm nghiệm cách chơi cờ vua, bước chân vào đấu với cái máy tính nó học bằng thuật toán (tức là học sách vở đấy, học lí thuyết đấy), bạn thua. Bạn đọc sách quá hay, đem đi hô lên ơ rê ka 2500 năm trước người ta đã giải được rồi cứ thế mà dùng, nhưng khi đem ra thực tiễn dùng mãi không thiêng, rồi bạn tự nghiệm ra là kiến thức mình có là kiến thức lạc hậu quá đát (out-dated, obsolete, gọi là obsoledge = obsolete knowledge ). Thế là sách cũng mất giá trị. Để biết được cách học nào là hiệu quả nhất với mình, ngoài việc đừng có khinh suất những thành tựu về cách học của thiên hạ (tức là qua đường sách vở mà biết được), thì người ta cũng phải trực tiếp học qua việc làm, học qua kinh nghiệm. Rồi thời gian và sự trưởng thành trong tư duy giúp người ta tự mình làm ra cái cần câu chữ của riêng mình, tối ưu và hiệu quả.

Nhưng khoan, tôi đi học quản lí  – lãnh đạo cơ mà, sao lại chỉ dạy tôi cách học?

À thì đấy là học trước tiên, chứ có dừng ở đó đâu! Sau khi có cần câu rồi thì ta phải đi câu chứ!

Do việc học là một việc kéo dài cả đời, nên thời gian cho mỗi khóa học hoặc mỗi chương trình dù có dài cách mấy thì vẫn chỉ là một khúc thôi. Vì thế thì phải ưu tiên hóa, và phải có những cái dự kiến dài hơi. Tôi dựa vào vài nguồn tham khảo trong các chương trình giáo dục -đào tạo lãnh đạo, quản lí trên thế giới, từ các nguồn nghiên cứu học thuật mà làm thành một cái Backlog: NeoManager Competency Backlog gồm 25 mục có thể thay đổi và nội dung cập nhật qua thời gian (chính là đặc trưng quan trọng của Backlog: tính linh hoạt và theo nhu cầu). Ai thấy cần học cái gì để đem ra áp dụng cho đời sống, hoặc thấy đặc biệt thích thú tìm hiểu cái gì thì đẩy ưu tiên cho nó lên trước mà học. Rồi sử dụng TTL mà bắt đầu thực hiện việc “câu con chữ”. Nếu bí thì hỏi đội ngũ mentor có sẵn để gợi ý thêm (do đó ta thấy NeoManager nó là một hệ thống, một cái trường quản lí – nơi cung cấp hạ tầng cho việc học bao gồm cả sách vở nội dung và con người đồng hành nữa). Đấy là một biểu hiệu của vận dụng triết lí linh hoạt trong đào tạo (agile education): hành dụng, linh hoạt,  phát triển liên tục, dựa vào thực tiễn. Trong khi thiết kế một lộ trình (được hiểu như là lộ trình gợi ý ban đầu làm cái xương sống cho người mới học), thì người thiết kế phác ra theo một cụm chủ đề cho tiện: Cá nhân [nhà quản lí] hiệu quả , rồi đến Nhóm hiệu quả, rồi Tổ chức hiệu quả. Sau NeoManager, người học được quyền chọn thời điểm và lộ trình tiếp theo: NeoLeadership (học sâu thêm về leadership), NeoBussiness (học thêm về kinh doanh), NeoOrganization (học sâu về tổ chức). Hoặc là rẽ nhánh sang nhánh khác: WiseLeader (học cách trở thành nhà lãnh đạo hiền minh để dẫn dắt một tổ chức sáng tạo hoạt động dựa trên tri thức). Hoặc là rẽ nhánh sang học Libero để đắp nền móng tri thức cho vững thêm. Hoặc là tự mình lên cho mình một lộ trình riêng.
Cuối cùng, khi ta bàn về cái ý  “học cái gì”, cũng cần nhấn mạnh một điểm là dù rất nên thực dụng, người ta cũng đừng quá thực dụng sát mặt đất. Giời sinh cho ta cái đôi mắt để nhìn được một cái tầm nhìn vài cây số, thì đừng cắm mặt xuống đất mãi. Đôi khi ta phải nhìn ra xa, nhìn lên giời để biết mình cần học thêm cái gì. Hơn nữa, giời lại cho ta cái óc suy xét biết nghĩ, lại ban cho thêm một trái tim nồng ấm để biết được những điều mà đôi mắt ta không nhìn ra được. Học để phục vụ công việc cho hôm nay và mai sau, nhưng cũng còn phải học cả văn hóa quản trị, học cả cái “đạo” của nhà quản lí nữa…  Cách tiếp cận ấy gọi đơn giản là “khai phóng thêm nữa”, hay “mở mang thêm nữa”, và “không ngừng lại”. Còn làm thì còn học, học để mà làm. Hôm nay ta mở rộng hiểu biết và năng lực ra một chút nữa để giải quyết tốt hơn những vấn đề hiện tại và sẵn sàng đón nhận những thử thách lớn hơn trong tương lai.

Một cách tóm tắt phương thức giáo dục khai phóng của Libero

Tôi định viết thêm (kì thực là trong đầu tôi đang hiện lên một cuốn sách mà tôi sẽ viết trong tương lai gần mà cái ý chính đã thể hiện trong vệt bài này: Biệt nghệ khai phóng trong đào tạo quản lí), nhưng thôi cần phải chốt lại. Để chốt lại, thì tôi dùng hai ý tưởng của nhà khai sáng lĩnh vực quản lí Peter Drucker. Cái thứ nhất, quản lí (management) là một lĩnh vực khai phóng (liberal art), làm việc với những thứ cơ bản: con người, xã hội, kinh tế, chính trị, tri thức… Do đó người làm nghề quản lí cần phải học những thứ ấy để mà có hiểu biết mà làm việc cho tốt. Các kiến thức này  và nó có ở trong các lĩnh vực khai phóng giàu truyền thống khác như triết học, tâm lí học, xã hội, tôn giáo… Do vậy học quản lí thì nên quan tâm đến một lối học khai phóng, không để mình giam cầm vào một khuôn khổ cụ thể nào, hay một tín điều cụ thể nào, một giáo trình cụ thể nào đó ( dù có được khen là tốt nhất trong 100 cuốn sách về quản lí đương đại hay sách bán chạy triệu bản toàn cầu). Cái ý này của Drucker giúp ta mở to đôi mắt, mở rộng tâm hồn để đón nhận tinh hoa của loài người, biến nó thành của riêng mà dùng cho đời sống và cho sự sáng tạo của bản thân. Nhưng nếu bạn còn đắn đo về sự phóng khoáng quá trớn mà lối học này có thể gây ra, sợ học quá nhiều dẫn đến tẩu hỏa nhập ma, ngộ chữ hoặc quá nhiều lí thuyết suông hay “nhập rác vào đầu”, thì hãy nhớ đến phương châm TTL bên trên, và nhất là ý thứ hai mà Drucker đã cả đời nhấn mạnh: lấy hiệu quả ra mà xem xét.  Lấy thực tiễn để đo chân lí, học cái gì đó mà có tác động tốt tới thực tiễn (cá nhân, nhóm, tổ chức, xã hội, loài người, trái đất) thì nhiều khả năng là đúng cái mình cần học rồi. Hiệu quả lên cách nghĩ, hiệu quả lên tâm hồn, hiệu quả lên hành vi, hiệu quả lên kết quả kinh doanh, hiệu quả lên tình cảm… Nhưng phải kiên nhẫn và sáng suốt để nhắc lại một ý phụ là: nhiều cái “hiệu quả” không đến ngay, ta cần một chút thời gian (vài ngày, vài tháng, hoặc đôi khi phải kiên nhẫn một hai chục năm).


Ghi chú:

  1. Chương trình NeoManager: https://neomanager.vn/
  2. Chương trình giáo dục khai phóng cho mọi người Libero: https://libero.school/course/libero22/
  3. Chương trình WiseLeader: https://libero.school/course/wise-leader/