Năm 2021, giữa cơn cuồng phong Covid19, chúng tôi rủ nhau vào Zoom, dùng chút ít thời gian rảnh rỗi cuối tuần của mình để làm một việc có ích là học một cái mới chưa từng học. Chúng tôi bày ra Libero21 (số 21 chỉ năm khai giảng 2021) để học tập về thế giới theo cách tiếp cận giáo dục khai phóng, lúc đó là rất mới mẻ với mọi người (hình như đến giờ vẫn mơi mới vậy). Chương trình như là một lời kêu gọi làm điều tích cực. Tích cực 1: Học điều mới mẻ có ích cho bản thân. Tích cực 2: Bớt thời gian và suy nghĩ tiêu cực do Covid19 gây ra. Tích cực 3: Tái phân phối thu nhập vào việc có ích (việc học, việc phát triển giáo dục, và việc từ thiện – vì chương trình có trích ra lợi nhuận để tài trợ lâu dài cho một số trẻ em cơ nhỡ).
Thoạt đầu, chúng tôi mong muốn nó là chương trình là chương trình giáo dục khai phóng cho mọi người (Libero4U). Nhưng rồi nhận ra nó chỉ dành cho một số nhỏ người “có điều kiện”: phải có thời gian rỗi đủ nhiều, có một chút điều kiện kinh tế để tiêu xài vào những việc trên thiết yếu, và phải có một chút bóng dáng của người lao động tri thức(tối thiểu là tốt nghiệp phổ thông, ham hiểu biết, biết đọc sách và còn đang tích cực đọc sách, không bài xích việc đọc sách và học tập suốt đời). Chúng tôi dựa vào các đặc điểm này mà phỏng vấn người học trong suốt mấy năm nay. Không ít hơn 20% người chưa hội tụ đủ điều kiện để theo học.
Đây là một chương trình dành cho người lớn đã đi làm, vì thế vấn đề thời gian thường là khó khăn nhất. Tôi nhận ra, người ta có ít thời gian cho mình hơn mình tưởng. Là người viết sách Được việc, tôi biết một chút về quản lí thời gian, cho nên hoàn toàn hiểu căn cơ của chuyện này. Trong các phiên phỏng vấn đầu vào kéo dài từ 20p đến gần 1 tiếng đồng hồ, nhiều lần tôi phải khuyên các bạn không có điều kiện về thời gian (vì phải dành hết cho gia đình, hoặc cho các dự án cấp bách) thư thư hẵng tham gia, vì chương trình tổ chức thường niên, cơm không ăn còn đấy. Nhiều người biết từ dạo 2021, 2022 nhưng nay mới đăng kí học là vì thế. Có lẽ tôi phải mở nhiều lớp “Bí kíp giải phóng thời gian” cho người đi làm để “tạo phễu” cho Libero25 chăng?
Khi nhận ra nó không dành cho mọi người, nội bộ chúng tôi gọi tên chương trình là Libero365, ám chỉ chương trình kéo dài suốt năm, và cũng mong việc học nó trở thành hơi thở của mỗi người. Học tập suốt đời không nên là khẩu hiệu chót lưỡi đầu môi, mà phải thể hiện thành một thói quen cơ hữu của người có giáo dục ở thế kỉ 21. Đó là ngưỡng vọng ngầm của chúng tôi đối với người học.
Năm nay chúng tôi cải cách, nhưng không phải là cái tên mà cả cái cấu trúc và tinh thần. Chương trình được kéo xuống mặt đất và hướng vào trải nghiệm trực tiếp thật sâu. Thay vì chui vào Zoom để nghe giảng và thảo luận, chúng tôi sẽ kéo nhau tới lớp học để trao đổi chí chóe với chuyên gia và bạn học, kéo nhau tới bảo tàng để tìm hiểu về nghệ thuật, đi thực địa tại di tích để tìm hiểu về văn hóa, kéo nhau ra vườn thượng uyển và thính phòng để học về âm nhạc… Chương trình sẽ giàu kết nối và trải nghiệm. Không dừng ở đó, mảng đọc sách kinh điển trở thành một cấu hình cơ hữu. Chúng tôi dùng Great Books để làm mô hình tham chiếu để hình thành chương trình học tập. Chúng tôi sẽ đi qua một lượt một tuyển tập các tác phẩm tiêu biểu của bồ tri thức nhân loại, trực tiếp đọc nó, tiếp thu và phê phán, liên hệ và sử dụng các ý tưởng lớn của nhân loại. Không có mục đích gì khác ngoài mục đích tiếp tục phát triển trí tuệ và nhân cách, mài giũa nhân tính trong Kỉ nguyên Trí tuệ nhân tạo. Mọi người sẽ hiểu mình hơn, hiểu thêm về nền văn hóa, hiểu thêm về xã hội, về tự nhiên và hoàn vũ. Đó chắc chắn là một cơ hội tuyệt vời!
Lần này cải cách này, chúng tôi sẽ cùng tạo ra một Liberal Arts Bootcamp, mới tinh cho thế giới, tạo điều kiện cho người học có được khoảng 1000 giờ trải nghiệm quý báu với giáo dục khai phóng. “Hành trình vạn dặm bắt đầu bằng một bước chân”. Ở đây với người bắt đầu, họ giắt vốn 1000 bước chân; với người đã đi rồi, họ có thêm 1000 bước nữa trên hành trình vạn dặm.
Từ 2024 trở đi, có thể chương trình này sẽ có một định danh mới: Libero1000.