Kinh nghiệm vừa có nghĩa là làm thử, vừa có nghĩa là kinh qua.
Khi một hoạt động được duy trì để biến thành sự kinh qua các hệ quả, khi sự thay đổi do hành động đem lại được phản ánh ngược trở lại để biến thành một sư thay đổi ở bên trong chúng ta, khi ấy tình trạng liên tục thay đổi sẽ chất đầy ý nghĩa.
Một lượng nhỏ kinh nghiệm còn tốt hơn cả một tấn lí thuyết đơn giản chỉ bởi vì chỉ có trong kinh nghiệm thì lí thuyết mới có được ý nghĩa sống động và có thể kiểm chứng. Một kinh nghiệm giản đơn, dù là một kinh nghiệm vô cùng tầm thường, cũng có thể sinh ra và chuyên chở mọi lí thuyết (hoặc nội dung trí tuệ), song một lí thuyết mà tách rời khỏi một kinh nghiệm thì dứt khoát không thể lĩnh hội được, ngay cả xét nó là lí thuyết.
Không có kinh nghiệm nào có ý nghĩa lại có thể tồn tại mà không có yếu tố nào đó của tư tưởng.
Tư duy tức là nỗ lực chủ tâm nhằm phát hiện các mối liên hệ cụ thể giữa điều chúng ta làm và hệ quả của việc làm đó, sao cho hai quá trình đó trở nên liên tục.
Người ta chỉ hoàn toàn biết chắc chắn điều gì đó khi nó đã được kết thúc, đã được hoàn thành.
Tư duy xuất hiện cùng với sự can dự vào các tình huống vẫn còn đang diễn ra và chưa hoàn thành.
Bởi chưng chúng ta không sống trong một thế giới mà mọi thứ đều được an bài và kết thúc, mà chúng ta sống trong một thế giới đang tiến triển liên tục, và công việc chính của chúng ta trong thế giưới đó bao giờ cũng mang tính chất tương lai và hồi tưởng – và cả mọi tri thức xét như để phân biệt với tư duy, bao giờ cũng là sự hồi tưởng – có giá trị ở chỗ nó đem lại sự vững chắc, an toàn và phong phú cho những mối quan hệ của chúng ta với tương lai.
Trích ra từ Dân chủ và Giáo dục.