Trừ vài người có thể giàu bằng tri thức thật sự, mình thấy phần nhiều trí thức không giàu được.
Vì theo lí lẽ của rất nhiều người, trí thức không chỉ là người làm công việc trí óc, mà còn lo nỗi lo của người khác. Mà người khác thì lắm, nỗi lo cũng nhiều. Thế thì thời gian đâu để làm giàu?
Mình có vài ông bạn rất hay lo nỗi “lo của người khác”, không biết có xếp vào loại “trí thức” như vừa kể được không? Nhưng cũng nghèo.
Mình biết mấy tay này không mộng tưởng thành vị nọ ngài kia, mà chỉ đơn giản là “sống thế nó thoải mái”. Việc “lo chuyện người khác” chỉ tự nhiên như cái lẽ hít thở hằng ngày, chả cần phải toan tính. Vậy nên nếu phải bắt họ phải chuyển thành những con ong chăm chỉ tha từng đồng đô la về để xây nhà to, rồi to hơn nữa, rồi xe, rồi pháo.. chắc hẳn sẽ khiến họ chết mất.
***
Có câu “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Không biết từ bao giờ người đời cứ mặc nhiên đặt lên vai những người đàn ông cái trọng trách “xây nhà, sắm xe”. Với các vị “trí thức” nghèo kể trên, liệu có nên dùng “đàn ông xây lều …” cho nó hợp?
Ngày xưa Tú Xương thương vợ, thở dài “Nuôi đủ năm con với một chồng”. Ấy là sự bất lực của của cả một lứa thầy đồ. Thời bao cấp, lại có chuyện khác: “một người không quen không thân\không buồn vui chẳng thương nhớ ai bao giờ\sáng lại chiều đi lên cơ quan\chiếc xe cà tàng một lon cơm khô\họ không chết bao giờ\vì có sống bao giờ đâu?!”.
Một “trí thức” hẳn không muốn vợ mình khổ như vợ cụ Tú, nhưng nếu bắt họ phải như “một người không sống bao giờ” thì hẳn là khiến họ khổ tâm lắm. Nhỉ.