[Vệt bài “36 kế dạy học thụ động” này chủ yếu để phục vụ trí tưởng tượng của giáo viên.]

Trở lại với thầy Kim. Thỉnh thoảng các doanh nghiệp sản xuất phần mềm có mời thầy Kim sang huấn luyện ngắn ngày cho các quản lí cấp trung để cải tiến quy trình và nâng cao hiệu suất hoạt động. Thầy rất muốn truyền được tư tưởng Kaizen cho các cấp quản lí, nhưng dở nỗi ông nào cũng biết cả rồi, thậm chí nhiều người đã đụng tay đụng chân mà kaizen chẳng mang lại hiệu quả gì. Do vậy, giảng giảng là thất sách, chi bằng cho họ chơi. Bét nhất thì họ cũng có một ngày giải trí.
Vậy là chơi.
Thầy chia lớp học thành các nhóm lớn (khoảng trên 10 người mỗi nhóm), cấp cho mỗi nhóm một quả bóng tennis rồi yêu cầu các nhóm phải chuyền tay nhau từ người đầu tiên cho tới người cuối, bóng rơi sẽ phải chơi lại từ đầu. Trọng tài sẽ tính điểm khi bóng rời tay người cuối cùng mà không phạm luật. Kết thúc lượt chơi, thầy lại đưa ra thử thách mới: làm thế nào để giảm một nửa thời gian chuyền bóng? Hầu như các nhóm đều xôn xao, “làm sao mà làm được?”, nhưng rồi mọi người bắt đầu bàn bạc và thử nghiệm cách làm mới. Hầu như hiệu suất chuyền bóng đều có cải thiện vượt bậc, có nhóm đạt chỉ tiêu, có nhóm thì gần đạt. Thầy Kim lại để các nhóm bàn với nhau, rồi đưa ra phương án mới. Các nhóm lại thử, rồi lại tiếp tục với những thử thách mới. Người học dần dần thấy ngạc nhiên với những kết quả do chính làm được, cười tươi như hoa, vui như trẻ nhỏ được quà.
Khi kết quả đã đạt mức “bão hòa”, thầy dừng cuộc chơi và yêu cầu mọi người đưa ra nhận xét. Mọi người đều nói thật rành rọt tại sao cải tiến liên tục lại quan trọng, và làm nó bằng cách nào. Thầy còn yêu cầu người học thử vận dụng vào tình huống của cá nhân xem việc gì có thể cải tiến được, và cách làm như thế nào. Cuối cùng thầy lại cho mọi người chơi trò KaizenBuddy:  yêu cầu mọi người viết Kế hoạch Hành động, nhờ một người bạn kiểm tra kết quả giúp. Kế hoạch đó sẽ được gửi tới người bạn (hoặc sếp), với sự đồng ý của họ để sẽ theo dõi xem việc áp dụng kiến thức có đạt được kết quả như mong muốn không. Trò chơi này kéo dài trải nghiệm học tập và chuyển kiến thức vào cuộc sống làm việc của mọi người.
Thỉnh thoảng, để tạo thêm sự gay cấn, thầy Kim tách hai nhóm ra hai phòng lớn khác nhau, giao “chỉ tiêu” thật thử thách cho một nhóm trong thời gian ngắn, còn nhóm kia bỏ lửng. Nhóm bỏ lửng sẽ vận dụng Kaizen để chơi bóng như trên, còn nhóm kia thì cho họ bàn kĩ, rồi làm thử. Thầy cũng treo thưởng (thường là sách về quản lí, đặc biệt là kaizen) để không khí cạnh tranh hơn, vui vẻ hơn. Kết thúc các nhóm so sánh với nhau, kết quả thường nghiêng về nhóm kaizen, như là một lời khẳng định độc lập về giá trị của kiến thức thầy mới dạy.
2844705277_677075656b
Thầy Kim luôn giắt túi vài chục serious games như vậy, tùy lớp tùy nội dung mà móc ra “chơi”. Thầy biết, hơn thập kỉ nay người ta vận dụng các chiến thuật của chơi game vào thiết kế bài giảng (cả online lẫn offline) và đặt cho cái tên thật mĩ miều, rồi ủn nó thành cả một trào lưu: Gamification. Nhưng với thầy Kim thì mọi chuyện thật đơn giản: có đống game này giắt túi, thầy dễ sống hơn khi phải đối mặt với toàn những “hổ báo cáo chồn” là những những người học tập đầy kiến thức, đầy trải nghiệm và khó tính vốn đang giữ các vị trí quan trọng trong các công ty. Thầy đi dạy doanh nghiệp nhiều năm nay, chưa thấy lớp nào có phản hồi xấu với cách học thú vị này dù chỗ nào cũng có vài vị “cao niên” nhận xét là “hơi trẻ con, nhưng vui”.

_______________

Xem phần trước: 

1. Cho sinh viên làm thầy

2. Giả vờ như thật

3. Kí hợp đồng cho chắc