[Đọc Phạm Quỳnh, nhiều chỗ tôi như gặp lại cái giọng biện luận của Fukuzawa Yukichi trong “Khuyến Học”. Dưới đây tôi chép ra một bài mà tôi rất thích, đăng trên Nam Phong tạp chí năm 1917, tức gần một thế kỉ trước. Nay đọc lại, thấy có rất nhiều điều thú vị và đáng suy nghĩ]
THẾ LỰC CỦA ĐỒNG TIỀN
Phạm Quỳnh.
Hai chữ kim tiền lầm người đời.
Một nhà văn sĩ nước Anh có nói một câu nửa hoạt kê nửa châm biếm rằng: “Tôi có một đồng xu trong túi là tôi làm vua thế giới trong vòng một xu”. Lời đó cực tả cái thế lực vô hạn của kim tiền.
Đồng tiền vẫn là có thế lực, mà đời nay lại là có thế lực lắm nữa, có thể nói cái thế lực đồng tiền bây giờ là cái thế lực mạnh hơn hết thảy, dù phép vua, dù lệ làng, dù lẽ cương thường, dù sức phong tục, cho đến lòng danh dự, sự ái tình là hai cái động cơ rất mạnh của người ta, cũng không gì là địch nổi, cũng không gì là mạnh bằng.
Bởi đồng tiền có thế lực vô song như vậy, nên người đời yêu, quí, trọng, thờ đồng tiền không gì bằng. Đồng tiền đã thành một vị thần tối linh ở đời này. Cái thần Tài là cái thần ngày nay cả thiên hạ đều sùng bái, dù bên Tây, dù bên Đông cũng vậy, mà nhất là cõi Nam thổ ta trong giữa thời đại bây giờ, vì ở đây sự sùng phụng, lòng tôn kính cái vị thần mới ấy thật đã đem đến cực điểm, và cách thờ thần cũng thật ngoan, thật khéo không đâu bằng.
Nay ta thử xét bởi sao mà đồng tiền có cái thế lực rất lớn, rất mạnh như vậy, và cái thế lực ấy có phải là chánh đáng không, cùng người ta đối với đồng tiền phải nên thế nào, nên cam tâm làm nô lệ, hay nên rõ mặt làm chủ nhân, nên để cho đồng tiền nó khiến mình hay nên ra tay khiến được đồng tiền. Bàn cho vỡ lẽ mấy điều đó tưởng cũng là một việc có ích cho phong hóa, giữa buổi trong quốc dân lòng trục lợi đương thịnh hành, làm mờ ám cả lương tâm.
*
Xã hội là đám đông người, trong đó có kẻ hơn người kém, kẻ sang người hèn, tuy đối với công lý là bình đẳng cả, ai cũng như ai, mà cứ thực sự thật là có một “trật tự” rất ‘‘phân minh”. Trật tự ấy bởi đâu mà thành ra? Bởi giá trị của người ta đối với xã hội mỗi người có khác nhau nên nhân đó đặt ra trên dưới thấp cao, nhân đó sinh ra bạc ưu khinh trọng. Nhưng giá trị ấy nữa, bởi đâu mà đặt ra, lấy gì làm bằng cứ? Chắc rằng giá trị đặc biệt của mỗi người, nghĩa là cái phần tinh hoa của mỗi người, thời không thể nào định rõ được, không lấy gì mà đo lường được, và cứ con mắt nhà triết lý người ta hơn kém nhau chỉ bằng cái giá trị đó mà thôi. Nhưng xã hội không phải toàn là nhà triết lý cả, nên cần phải có một cái “biểu” những giá trị trung bình, để lấy đấy làm mẫu mà cân nhắc sắp đặt các hạng người, cho biết người hơn kẻ kém, người đáng trọng kẻ đáng khinh. Bởi thế nên mỗi xã hội có một trật tự, phân ra các hạng người, hạng nào là quí phái, hạng nào là thượng lưu, trung lưu, hạ lưu, đều là do cái cách của xã hội đánh giá trung bình của mỗi người vậy. Cách ấy đời xưa với đời nay có khác nhau. Đời xưa xã hội đánh giá người theo một tỉ lệ thuộc về tinh thần, đời nay xã hội đánh giá người theo tỉ lệ thuộc vật chất. Theo tỉ lệ về tinh thần thì trọng ở người nhiều mà trọng ở cái phụ thuộc vào người ít; theo tỉ lệ về vật chất thời trọng ở người ít mà trọng ở cái phụ thuộc vào người nhiều. Đã trọng ở người tức là trọng ở nhân phẩm, ở cái gì làm ra phẩm cách người ta, nghĩa là sự đạo đức, sự trí thức, sự tài năng của mỗi người, là những cái tự trong người có, không phải mượn ở ngoài. Trọng ở cái phụ thuộc vào người tức là trọng địa vị, thế lực, lợi quyền của mỗi người, nghĩa là những cái không phải tự trong người có, ở ngoài phụ thuộc vào. Coi đó thời biết hai bên giá trị khác nhau là dường nào, một bên phải tự lực làm ra mới được, một bên có thể mua chuộc ở ngoài được. Tự lực làm ra mới được thời tài liệu nó ở trong người, vì là gồm sự đạo đức, sự trí thức, sự tài năng của mỗi người, nếu trong người không có, không thể kiếm đâu cho được. Mua chuộc ở ngoài mà được thời tài liệu nó là của chung, vì chỉ ở địa vị, thế lực, lợi quyền của mỗi người, nếu tự mình không có, có thể tìm kiếm mà được. Nay muốn tìm kiếm cho dược, thời dùng cách gì? Không nói tất ai cũng biết; chỉ một cách là kim tiền vậy. Vì đồng tiền là cái đại giá thông thường của mọi vật ở đời, phàm vật gì có thể mua chuộc được, đều là ở trong phạm vi đồng tiền cả. Như vậy thời địa vị, thế lực, lợi quyền là cái giá trị chung trong xã hội, đều có thể lấy tiền mà mua chuộc được cả, mà đạo đức, trí thức, tài năng là cai phẩm giá riêng của mỗi người mới là không thuộc quyền chi phối của đồng tiền. Nay xã hội chỉ chuyên trọng cái giá trị chung kia mà không biết đến cái phẩm giá riêng này, thời đồng tiền nghiễm nhiên thành ra cái thước đo người, cái tỉ lệ của xã hội để đánh giả người, lẽ hiển nhiên, ai cũng rõ. Cả trật tự của xã hội là lấy đồng tiền làm “bản vị”, nghĩa là cái ngôi chính lây đó làm bằng, bởi đó mà ra.
Đó là cái nguyên lý xa xôi khiến cho đồng tiền có một thế lực tuyệt đối như vậy. Thử xét hiện tình xã hội ta bây giờ, thấy quả nhiên như thế, không sai chút nào. Đồng tiền thật là chúa tể trong xã hội ngày nay. Ngày xưa giá trị của người ta là bởi sự nghiệp làm nên; xã hội trọng là trọng cao thời những bậc anh hùng chí sĩ, liệt nữ cao nhân, biết sông làm người một cách siêu việt hơn người thường; vừa thời những người tu nhân tích đức, học rộng văn hay, làm vẻ vang cho nhà họ, sáng sủa cho nước làng; thấp thời những người ăn hiền ở lành, chăm công cần việc, tuy không có tài đức gì hơn người, mà biết trọn bổn phận làm người, biết lấy việc đời làm cẩn trọng, không dám trái ngược khinh thường. Trật tự xã hội rất nghiêm, không ai có thể dùng cách gián tiếp mà vượt được; muôn tự thấp lên cao, phải từ từ, phải lần lần, phải trau dồi nhân cách cho xứng đáng, tăng tiến phẩm giá cho cao hơn, mới mong tấn tới được. Như vậy thời đạo đức, trí thức, tài năng là phần cốt yếu mà địa vị, thế lực, quyền lợi là phần phụ thuộc, một đàng là lần, một đàng là lót, có lần mới có lót, có chính mới có phụ, có cốt mới có vỏ được. Ngày nay trật tự điên đảo cả, giai cấp lẫn loạn cả, phụ lấy làm chính mà lót lấy làm lần vậy. Địa vị, thế lực, quyền lợi át cả đạo đức, trí thức, tài năng; cái giá trị của người ta không bởi sự nghiệp làm nên nữa, mà lấy kim tiền mua chuộc được. Xã hội đã không biết lấy nhân phẩm mà đánh giá người, tất phải theo cái tỉ lệ ở ngoài, mà tỉ lệ ở ngoài người ta thời ngoài kim tiền không còn có gì nữa, kim tiền là nguồn gốc của mọi sự cao sang ở đời. Ngày nay xã hội trọng những hạng người nào? Không phải trọng những bậc chí sĩ cao nhân, không phải trọng những người tài cao học rộng, không phải trọng những kẻ đôn đốc thuần lương. Xã hội trọng là trọng những người nhiều tiền vậy. Giá trị cao thấp là ở túi tiền nặng nhẹ vậy. Nhiều tiền mà dẫu ngu ngốc cũng là tài, ít tiền thì dẫu thông minh cũng là xuẩn. Có tiền tức là có địa vị, có thế lực, có lợi quyền, là ba mối tuyệt phẩm ở đời, mà lợi quyền to hay nhỏ, thế lực mạnh hay yếu, địa vị thấp hay cao đều là bởi tiền nhiều hay ít vậy. Nhưng tiền làm ra địa vị, ra thế lực, ra lợi quyền, mà có lợi quyền, có thế lực, có địa vị mới lại làm được ra tiền, hai bên làm nhân quả cho nhau, mà người ta không có ngày nào thoát ly quyền áp chế của đồng tiền, chung thân làm nô lệ cho đồng tiền. Nguy thay!
Ôi! Kim tiền, kim tiền! Người là cái chi chi mà tài ngang cùng tạo vật, đức sánh cùng càn khôn? Người là cái chi chi, là thần hay là ma, mà chuyên chế loài người như vậy?
*
Có tiền mới có địa vị, có thế lực, có lợi quyền, mà có lợi quyền, có thế lực, có địa vị mới có tiền: người ta cả đời giam mình trong cái “vòng bí” đó, không biết bao giờ giờ thoát ra cho được. Thành ra cả công việc ở đời, cả sự nghiệp làm người, chỉ quanh quanh ở hai chữ kim tiền, có tiền mới chiếm được phần hơn trong xã hội, có chiếm được phần hơn trong xã hội mới có tiền, nhìn ngược, nhìn xuôi, trông xa, trông gần, đâu đâu cũng chỉ thấy hai chữ kim tiền trói lọi rực rỡ, như hai vầng nhật nguyệt chiếu diệu cõi nhân gian vậy.
Ngoài kim tiền không có giá trị gì nữa, có tiền mới có giá, nên nhất ban xã hội, tự trên đến dưới, đều chỉ có một mục đích, là kiếm lấy tiền, làm ra tiền, vét cho có tiền, cướp cho được tiền, muốn dùng cách gì cũng được, dù đê hèn, tàn bạo, điên đảo, xấu xa thế nào mặc lòng, miễn là trong tay nắm được cái bùa hộ mệnh, cái báu tuyệt phẩm ở đời là đồng tiền vậy. Đạo đức là khôn kiếm tiền, trí thức là giỏi kiếm tiền, tài năng là khéo kiếm tiền. Ngoài tiền không có gì nữa không có nhà, không có nước, không có tư tưởng sự nghiệp gì nữa, đến cái phẩm cách con người cũng không có nữa. Cả xã hội ví như một đám đông người chen nhau, đẩy nhau, xô nhau, đạp nhau mà đi cho tới cái núi vàng ở xa kia: phần nhiều người thời mỏi mệt, ốm chết ở giữa đường mà chung thân không tới được; một số ít người mau chân rảo cẳng bước được tới nơi, nhưng lạ thay! Từ khi bước chân vào núi, tinh thần lựng vựng, đầu óc lao đao, như si, như ngốc, như hôn, như mê, như có sương mù che lấp cả cõi trần gian, rồi mà tới ngọn thời người thành ra đá! Ấy cả lịch sử của người đời là như vậy.
Tiền đã công nhận là của báu độc nhất ở đời, người ta cố công cùng sức thu hoạch cho được, nhưng đến khi được rồi, không những người không hay ra mà lại hư đi, không tốt hơn mà lại xấu đi, thời đủ biết rằng trong thế lực của đồng tiền có một cái mầm ác, một cái nọc độc ở đó. Bởi thế nên thế lực của đồng tiền là cái thế lực hại người. Bởi thế nên xã hội nào chỉ biết lấy tiền làm cái giá trị có một, cái mục đích không hai, là xã hội ấy có cơ suy kém vậy.
Lẽ đó, các bậc hiền triết đời xưa đời nay đã từng diễn giải rất tường. Các ngài dạy rằng kim tiền chẳng qua là một thứ đồ dùng, một vật trao đổi, tự nó không có giá trị, có giá trị chỉ ở cách dùng nó mà thôi. Như triết học nói là “phương tiện”, không phải là “cứu cánh”. Không thể lấy tiền làm mục đích ở đời được. Lấy phương tiện làm cứu cánh, là trái với cả thiên lý cùng nhân luân. Người ta ở đời phải gắng gỏi để phụng sự, để thực hành một cái lý tưởng cao, hoặc thuộc về cá nhân, hoặc thuộc về xã hội, nghĩa là ai ai cũng phải cô’ công cùng sức trau dồi cho nhân cách mình hay hơn lên hay thi thố để giúp ích cho nhân quần xã hội; đó là cái phép làm người, đó là cái luật của trời, người ta sở dĩ hơn loài cầm thú là chỉ vì biết theo phép luật ấy mà thôi. Nay người ta ngoài đồng tiền không có sự nghiệp gì nữa, xã hội ngoài đồng tiền không còn biết giá trị gì nữa, là cái trưng triệu nhân loại thoái hóa chứ không phải tiến hóa nữa.
Người ta sinh ra ở đời phải biết thờ một vật gì, hoặc thờ nhà, thờ nước, thờ trời, thờ sự đạo đức, thờ sự học vấn, thờ cái đẹp, thờ ái tình, phàm cái gì làm cho nhân cách được thanh cao, tâm hồn được rộng rãi là đáng thờ cả.
Duy có thờ tiền là đê tiện hơn hết, vì chính đồng tiền là cái vật nó làm cho nhân cách hèn hạ đi, tâm hồn eo hẹp lại.
Các vật kia là vô cùng, vô hạn, càng lên càng cao, càng tới càng rộng, khiến cho người ta hằng phải nỗ lực mà theo đòi, nhân cách tốt đẹp nẩy nở ra, chứ như đồng tiền là thuần vật chất, chỉ tiêu biểu cho những giá trị về vật chất mà thôi, vật chất hữu hạn, không đem được người ta ra ngoài vòng vật dục, làm cho nhân cách ngày một eo hẹp đi.
Đồng tiền hại cho nhân phẩm là thế. Nó chặn con đường tinh tiến của người ta, không những thế, lại làm cho người ta hôn mê ám muội đi, ngoài nó không còn biết gì nữa.
Cái ác hại của đồng tiền đâu đâu cũng rõ rệt như vậy, mà ở nước ta lại càng hiển nhiên lắm nữa. Bút nào tả cho được hết những bi kịch, hí kịch của đồng tiền đã gây ra trong xã hội Việt Nam này? Bút nào mà vẽ cho được hết thói cách bỉ ổi của những kẻ làm tôi tớ cái thần oan nghiệt đó? Những chước kiếm tiền, những cách dùng tiền của người mình, những 1″ ăn tiếng nói, dáng điệu đứng ngồi, cách hợm hĩnh, thói kiê căng của kẻ sang vì tiền, hách vì tiền, phải cái tài các nhà đại hí kịch mới mong hình dung tả mạc cho hết, cho hệt đươc Lại phải ngọn bút nhà đại tiểu thuyết mới diễn được hết cái thảm trạng vì tiền mà ra, như vay công lĩnh nợ, bán vơ đơ con, cửa nhà tan nát, tù tội đến thân, chỉ cũng vì đồng tiền mà nên nông nỗi ấy.
Ôi! Kim tiền, kim tiền, ngươi là cái chi chi mà độc mà ác, mà làm cái vạ cho người đời như vậy?
Không, tiền không phải là ác, không phải là độc, không phải cái vạ cho ai cả. Tiền là cái khí giới rất mạnh ở đời cạnh tranh này. Nhưng phải biết dùng mới được. Tự đồng tiền không có giá trị gì, giá trị là ở người dùng tiền. Tiền là một vật để dùng, dùng hay ra hay, dùng dở ra dồ, dở hay là ở việc dùng, ở cách dùng, ở người dùng; tiền không phải là một vị thần phải sùng bái, tiền là một tay sai giỏi được việc, nhưng phải biết sai biết khiến mới được, không thời nó lăng áp cả chúa nhà. Ấy cái lầm của người đời là ở đó; là không biết coi tiền như một tay sai, mà coi tiền như một vị thần. Bởi đó mà tiền thành ra cái vạ cho xã hội, hại cho nhân cách, độc cho người đời.
Nay muốn lợi dụng cái thế lực của đồng tiền mà không mắc phải cái ác hại của đồng tiền, thời phải thế nào? Phái đặt mình cao hơn đồng tiền mới được; phải bắt dược tiền làm nô lệ cho mình mà không tự cam làm nô lệ cho tiền. Phải đặt cái mục đích ở đời cao hơn sự kiếm tiền, mà kiếm tiền là chỉ để cho đạt tới mục đích đó mà thôi. Phải coi đồng tiền như sách Phật gọi là đường “phương tiện”, không phải là cõi “cứu cánh” ở đời. Cứu cánh là chỗ tót cùng, nơi tuyệt đích, như ngọn núi cao, đi đến đấy là cùng; tức là cái mục đích cao xa của một đời người, là cái mà lòng người ta tưởng tượng mong mỏi phải được như thế mới là mãn nguyện. Phương tiện là những phương cách dùng để đạt cho tới mục đích đó, để mà thực hành sự hy vọng đó. Một bên là chính, một bên là phụ, lấy phụ làm chính, ấy là lầm to.
Nay lấy sự kiếm tiền làm mục đích ở đời, lấy kiếm tiền được nhiều làm hy vọng tối cao ở đời, là trước tự lầm mình, sau uổng cả cái công dụng của đồng tiền nữa. Vì đồng tiền mà khéo biết dùng, dùng phải đường, thật có cái “công đức” không gì bằng. Ý tưởng hay, bụng dạ tốt, mà không có tiền thời sao cho thành hiệu quả? Nhưng cốt nhất là phải biết đem đồng tiền mà thờ những ý tưởng hay, giúp cái bụng dạ tốt mới được. Mà cốt nhất nữa là trước phải có ý tưởng hay, bụng dạ tốt ấy đã. Ây cái yếu thuật để sử dụng đồng tiền là đó. Ôi! ở đời có cái thế lực rất mạnh, là thế lực của đồng tiền. Nhưng sức mạnh ấy là dể cho người ta dùng, nên dù mạnh đến đâu, người ta cũng phải khiến cho được mới mong lợi dụng được, đừng để nó khiến lại mình mà trở lại làm tổn hại cho tâm thuật phẩm cách mình. Người ta phải làm chủ nhân, mà đồng tiền làm nô lệ, chớ để cho đồng tiền nó sử mình, ở đời không có cái áp chế gì hại bằng cái áp chế của đồng tiền, vì cái áp chế khác có làm cho người ta khổ mà người ta không bao giờ quên, bao giờ cũng có chí muốn phản đối lại, mong đạp đổ cho được; duy có cái áp chế của đồng tiền, là làm cho người ta tiêu tán tâm hồn, hôn mê tình tính, cam tâm vui vẻ mà chịu. Cái áp chế ấy làm người phải biết thoát cho được mới nên, không thời đời người không còn có vẻ phong thú, nghĩa cao thượng gì nữa.
Nói tóm lại, đồng tiền vẫn là một vật rất có thế lực ở đời, rất có công đức với đời; nhưng cũng là một vật có thể làm tổn hại cho tâm tính. Làm cho nước giàu dân mạnh, của khéo người khôn cũng là nhờ đồng tiền; mà làm cho thói đời đơn bạc, nhân cách đê hèn cũng là bởi đồng tiền. Kẻ có tiền kẻ dùng tiền, kẻ kiếm tiền, chẳng nên thận trọng lắm ru? Nói như nhà văn Tây rằng trong túi có một đồng xu cũng đủ làm vua thế giới trong vòng một đồng xu, thời cũng khí quá thật nhưng trong tay có một đồng bạc mà cái cách kiếm ra đồng bạc ấy cùng cái cách tiêu dùng đồng bạc ấy không phải không có quan hệ đến thế đạo nhân tâm vậy. Những người phụng sự cái chủ nghĩa kim tiền có từng nghĩ đến thế không?
Nay muốn cho thế lực của đồng tiền không hại cho nhân cách mà có ích cho xã hội, có lẽ vừa phải sửa tâm lý của những kẻ có tiền cùng kẻ kiếm tiền, vừa phải chính dư luận của xã hội đối với đồng tiền. Mà xét cho kỹ, có lẽ lại cần phải chính dư luận của xã hội trước đã, rồi tâm lý người ta sẽ nhân đó mà sửa dần. Vì bởi đâu mà đồng tiền ngày nay có cái thế lực quá đáng như vậy? Bởi xã hội không trọng đạo đức, trí thức, tài năng nữa, mà đặt cả giá trị của người ta vào đồng tiền, khiến cho đồng tiền nghiễm nhiên thành cái tỉ lệ chung để đánh giá người, mà người ta xô nhau cả vào dường trục lợi, chỉ biết có một vị thần Tài mà thôi, ngoài ra không còn có danh giá sự nghiệp gì nữa. Nay xã hội phải đề tỉnh lại, gây lấy một cái quan niệm chính đáng về giá trị của người ta ở đời, biết lấy dư luận mà biểu dương những người có chí, có đức, có tài, bài xích những kẻ tham danh tham lợi; cũng trọng đồng tiền mà trọng cho phải đường, trọng đồng tiền khôn ngoan ở trong tay người trí thức, không trọng đồng tiền khờ dại ở trong tay kẻ si cuồng; lấy đồng tiền làm cái phương tiện để đạt tới nơi cứu cánh tận thiện tận mỹ ở đời, không coi đồng tiền như một vị thần dộc tôn, bắt người ta phải đem cả sinh mệnh phẩm giá mà hy sinh, cống hiến vào đó, biến xã hội thành một sòng bạc lớn mà người đời là một lũ “keo” già. Không khí xã hội đã trong sạch rồi, thời tâm lý người ta tất cũng thanh cao lên; đã có dư luận tốt tất dễ hun đúc nên người hay. Người ta thấy xã hội không trọng tiền nữa, không cho tiền là cái giá trị độc nhất vô nhị ồ đời nữa, sẽ ra công gây lấy cái giá trị khác cao quí hơn. Kẻ có tiền, người kiếm tiền sẽ không mê tín sùng bái đồng tiền nữa, coi đồng tiền chỉ là cái vật hạng giao dịch, không phải là cái giá trị chân chính, ngoài đồng tiền, trên đồng tiền, còn nhiều cái khác đáng quí đáng trọng hơn, không tiền nào mua được.
Đã hiểu rõ lẽ đó và đã có cái quan niệm sáng suốt về công dụng đồng tiền như vậy, thời đồng tiền sẽ không phải là vị chủ nhân chuyên chế mà là một tay sai đắc lực của người đời.
*
Ôi! Kim tiền, kim tiền là cái chi chi mà mạnh, mà bạo như vậy; là thần hay là ma mà tác phúc mà giáng họa cho người đời như vậy? Kim tiền chẳng phải là thần, mà cũng chẳng phải là ma, chẳng chuyên tác phúc mà cũng chẳng chủ giáng họa cho ai: ma hay thần, họa hay phúc, là tự ở người ta vậy.