Chuyện con cú Duolingo
Nguyễn Việt Khoa, một thầy giáo dạy lập trình tận tâm tại một trung tâm đào tạo lập trình viên ở Hà Nội, chưa bao giờ lại nghĩ có lúc việc bồi dưỡng năng lực tiếng Anh của mình lại đến một cách đơn giản và tự nhiên như vậy. Trong gần mười năm đi dạy, gặp lứa học trò nào anh cũng dặn thật kĩ “các em cố gắng học ngoại ngữ cho tốt, ngoại ngữ không ổn thì không thể làm IT khá được”, nhưng chỉ khoảng 5% số sinh viên của anh thực sự bắt tay vào học thêm ngoại ngữ, phần còn lại chỉ gật gù và bỏ đấy. Chính anh cũng vậy: Dù biết mình cần nâng cấp trình độ ngoại ngữ hơn nữa, nhưng anh chưa bao giờ thực sự bắt tay vào học thêm, vì bận, và ti tỉ lí do khác. Thế rồi anh biết đến Duolingo, một phần mềm tự học ngoại ngữ đa nền tảng, đa ngôn ngữ. Anh bắt đầu tham gia cộng đồng hơn một triệu thành viên theo chương trình học tiếng Anh cho người biết tiếng Việt, và nhanh chóng nhận ra việc làm này mang lại lợi ích to lớn. Đồng thời, anh cũng tạo ra cuộc chơi trong chính lớp học của mình. Nhiều học trò đã nối gót thầy, tự học ngoại ngữ, tự tổ chức nhóm học tập để chia sẻ kinh nghiệm và theo dõi tiến độ. Có quá nửa số học trò trong lớp reo vui trên Facebook mỗi khi vượt lên trên trong cuộc đua giành thứ hạng cao trên bảng tổng sắp của Duolingo. Đây thật là một sự thay đổi thú vị đáng ngạc nhiên.
Cuối năm 2012, hai nhà nghiên cứu của City University ở New York và Đại học Nam Carolina đã thực hiện một nghiên cứu để tìm hiểu về hiệu quả của các chương trình học ngoại ngữ trên Duolingo. Kết quả cho thấy, 34 giờ tự học tiếng Tây Ban Nha trên Duolingo giúp sinh viên đạt được trình độ tương đương một khóa học đầy đủ một kì 11 tuần ở trường đại học1. Học tiếng qua Duolingo có vẻ hiệu quả hơn so với việc theo học một khóa học ngôn ngữ truyền thống ở trường đại học. Điều này đi ngược lại thiên kiến bấy lâu nay rằng việc tự học ngôn ngữ qua các công cụ trực tuyến cho vui thì được, chứ nghiêm túc thì chẳng đến đâu.
Giống như thầy Khoa, hơn 38 triệu người nói tiếng Anh đang học tiếng Tây Ban Nha, hơn 23 triệu người đang học tiếng Pháp, hơn 15 triệu đang học tiếng Đức, gần 10 triệu đang học tiếng Ý, và hàng triệu người khác đang bị Duolingo dẫn dụ để nâng cao trình độ ngoại ngữ của mình. Chỉ cần chưa đầy hai năm, Duolingo đã thu hút hơn 100 triệu người dùng2. Có lẽ Duolingo là “trường đào tạo ngôn ngữ” phát triển nhanh nhất và lớn nhất thế giới hiện nay.
Duolingo cũng liên tục được bình chọn là ứng dụng công nghệ giáo dục tốt nhất trên nền tảng iOS từ năm 2013 cho đến nay.
Điều gì khiến Duolingo thành công rực rỡ đến như vậy? Có lẽ không chỉ đơn giản vì nó thực hiện phương châm “giáo dục ngôn ngữ miễn phí cho mọi người”, mà bởi những nỗ lực thực chất hơn của đội ngũ phát triển. Duolingo đã thành công trong việc tận dụng lợi thế của nền tảng công nghệ hiện đại và thiết kế trải nghiệm học tập hiệu quả dựa trên kĩ năng sư phạm điêu luyện. Bằng việc phát triển các ứng dụng trên các nền tảng di dộng phổ biến nhất iOS, Android, Windows Phone, Duolingo trở thành “gia sư” lúc nào cũng kè kè bên cạnh người học, với cơ chế nhắc nhở thường trực, sẵn sàng thông báo khi người học “nhỡ” có quên không học bài. Việc thiết kế các bài học theo hướng trò chơi hóa (gamification) cũng gia tăng đáng kể sự hấp dẫn của việc học ngoại ngữ. Các nhà phát triển đã biến việc học ngoại ngữ thành một trò chơi nhẹ nhàng, có phần gây nghiện. Bên cạnh đó, việc hình thành một cộng đồng học tập thông qua việc theo dõi nhau, trả lời và hỏi đáp giữa những người cùng học cũng giúp duy trì việc học tập trên Duolingo được kéo dài hơn. Các thiết kế học tập dựa trên tâm lí học hành vi và kiến tạo, cùng với các thiết kế trải nghiệm người dùng tuyệt vời đã mang lại những phản hồi tốt từ phía người học. Duolingo đã giải được phần lớn những bài toán hóc búa về động lực, về mức độ bỏ cuộc và hiệu quả học tập ở các hệ thống học tập trực tuyến truyền thống.
Làn sóng EdTech
Câu chuyện thành công của Duoling không phải là đơn lẻ. Những năm gần đây liên tiếp có những tên tuổi công nghệ giáo dục (EdTech, viết tắt của Educational Technology) gây sự chú ý và tạo cảm hứng rất mãnh liệt cho cả giới công nghệ lẫn giáo dục. Giới truyền thông phải tốn không biết bao nhiêu giấy mực cho Khan Academy, Coursera, EdX, DreamBox Learning hay những công nghệ có tham vọng thay đổi thói quen học tập của đa số dân chúng, hoặc tham vọng hơn, là những cuộc âm mưu lật đổ nền tảng giáo dục truyền thống.
Sau những ồn ào của việc hàng loạt MOOCs ra đời đến nỗi tờ New York Times phải ghi nhận năm 2012 là “Năm của MOOC”, thế giới công nghệ đang chứng kiến cuộc đổ xô đi tìm cơ hội đột phá trong lĩnh vực EdTech. Lượng tiền đầu tư đổ vào lĩnh vực EdTech trong sáu tháng đầu năm 2015 được dự tính lên đến con số kỉ lục: hơn 2,5 tỉ đô la Mỹ. Trước đó, con số tương ứng cho các năm 2012, 2013, 2014 vốn đã rất ấn tượng là 1,1 tỉ; 1,2 tỉ; và 1,4 tỉ. Tới nay, cơn sốt EdTech vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Dễ dàng nhận ra, phần lớn các nhân vật trong danh sách Impact 15 củaForbes (gồm 15 nhà đổi mới đang có ảnh hưởng lớn nhất đến sự chuyển biến giáo dục toàn cầu) những khuôn mặt thân quen của EdTech: Anant Agarwal – nhà sáng lập edX, Sal Khan – nhà sáng lập Khan Academy,Daphe Koller – nhà đồng sáng lập cổng MOOC lớn nhất thế giới Coursera, Jose Ferreira của Knewton, Jessie Woolley-Wilson của DreamBox Learning, hay một gương mặt lạ nhưng quen – Eddy Cue của Apple với công nghệ iTunes-U vốn rất thân thuộc trên các máy tính bảng hoặc smartphone chạy hệ điều hành iOS đang cung cấp hàng triệu bài giảng số tới người học. Rõ ràng là EdTech có sức hút lớn, đối với cả các nhà giáo dục, người học, cũng như những nhà đầu tư.
Từ ngoài vào trong
Không giống như thầy Khoa được nhắc đến ở đầu bài này, Sal Khan đến với công nghệ một cách tình cờ: khi cần phải gia sư cho một người em họ, anh bắt đầu tạo ra các bài giảng video để tiết kiệm công sức. Dần dà, anh chọn theo đuổi phương thức học tập đảo ngược (Flipped learning). Với phương thức này, anh tạo bài giảng rồi gửi cho người học trước, thiết kế các bài tập tương tác để hướng dẫn khi gặp mặt (hay ở “trên lớp”). Nhờ đó, anh đã tối ưu hóa được lượng thời gian tương tác, là thời gian quý báu mà người dạy và người học thường bỏ lỡ trong các mô hình giáo dục truyền thống. Ở đây, anh đã đảo ngược trình tự: thay vì lên lớp học lí thuyết, về nhà làm bài tập, thì lớp học đảo ngược (flipped classroom) của anh lại dùng giờ trên lớp để làm bài tập, còn về nhà thì xem video học lí thuyết. Anh thấy cơ hội to lớn cho mọi người và lập ra Khan Academy. Từ một người gần như “ngoại đạo” trong lĩnh vực giáo dục, giờ Sal Khan có trong tay một lực lượng chuyên gia mạnh, tạo ra hơn 100.000 bài tập tương tác cùng với hơn 6.500 bài giảng trực tuyến trải dài nhiều lĩnh vực từ Toán, Khoa học máy tính cho đến Khóa học, Kinh tế vi mô hay Lịch sử. Khan Academy đã thành một “học viện toàn cầu” với hơn 10 triệu học sinh hằng tháng, cùng với khoảng 350.000 người dùng đóng vai trò là giáo viên trên toàn thế giới3.
Sau một thời gian dài khiến công chúng kinh ngạc với sự tăng trưởng kì diệu, Khan Academy đang tiến lên một bước quan trọng khi bắt đầu bước chân vào các trường học. Từ một dịch vụ cung cấp công cụ gia sư (home tutoring), Khan Academy đang dần được đưa vào các lớp học chính khóa. Năm 2010, tại khu học chánh Los Altos ở California, một trong các khu học chánh tốt nhất nước Mỹ, cuộc thí điểm dùng Khan Academy để dạy hai môn Đại số và Hình học của học sinh lứa tuổi 16-17 đã mang lại tín hiệu tốt, học sinh có thành tích tốt hơn đáng kể. Một năm sau, khoảng gần 250 trường học đã đăng kí chương trình thí điểm việc tích hợp sâu Khan Academy vào trong chương trình giảng dạy. Một nghiên cứu quy mô do SRI Education thực hiện tại 20 trường ở California cho thấy, 71% học sinh trong chương trình thí điểm này cảm thấy thích thú với Khan Academy, 32% học sinh cảm thấy “yêu thích môn Toán hơn” nhờ vào việc học theo Khan Academy. Đặc biệt, 45% học sinh tự tin nhận định rằng họ có thể tự học Toán mà không cần đến thầy cô nữa. Báo cáo của SRI nhấn mạnh, điều quan trọng nhất mà họ quan sát được, có lẽ là “Khan Academy đã giảm đi nỗi sợ hãi môn Toán, cải thiện sự tự tin ở học sinh rằng chúng cũng có thể học tốt”.
Xuất phát điểm, Khan Academy đã bị chỉ trích vì thiếu quan tâm tới tính sư phạm trong các bài giảng, tuy vậy điều đó nhanh chóng được sửa chữa với lực lượng làm nội dung chuyên nghiệp hơn, với các nhà thiết kế giảng dạy có tay nghề. Đáng chú ý, phương pháp học tập đảo ngược tuy không được Sal Khan phát minh, nhưng đã được Khan Academy tiếp thêm lực đẩy để trở thành trào lưu rộng khắp, thay đổi cách dạy học của hàng trăm nghìn giáo viên trên toàn cầu trong những năm gần đây.
Trong một bước đi gần giống như thế, Duolingo đang thử nghiệm dịch vụDuolingo cho các trường học (Duolingo for Schools), cùng với dịch vụ thi và cấp chứng chỉ riêng có đối chiếu các tiêu chuẩn IELTS và TOEFL, để dần dần “chính quy hóa” việc học ngoại ngữ trên hệ thống của mình.
Những tín hiệu đó cho thấy những EdTech như Khan Academy đã từ “vòng ngoài” của các trào lưu học tập mới đi vào trong các trung tâm của giáo dục truyền thống để thực hiện sứ mệnh “phát minh lại nền giáo dục” của mình.
Những làn sóng đầu tư khổng lồ, những gương mặt cách tân táo bạo, những con số tăng trưởng ấn tượng, cũng như những tác động sâu sắc mà trào lưu EdTech mang lại đang cho thấy sự thay đổi giáo dục thông qua công nghệ không chỉ là giấc mơ viển vông và dè dặt của riêng giới công nghệ, hoặc những giấc mơ quá đà của các nhà giáo dục vốn phát ngấy với sự trì trệ của mô hình giáo dục hiện thời. Công nghệ từ chỗ là “đồ chơi” hỗ trợ các giáo viên giảng dạy hấp dẫn hơn, đang muốn vượt lên để trở thành tác nhân chính và đầu tàu trong việc dẫn dắt sự tái định hình nền giáo dục vốn đã quá già cỗi và chậm chạp trong một thế giới đang thay đổi từng ngày dưới sức ép của các tiến bộ KH&CN. Tuy vậy, hàng loạt câu hỏi vẫn còn đang chờ ở phía trước: Liệu sức ỳ của hệ thống giáo dục có lớn đến mức sẽ tiếp tục giữ cho EdTech “ở ngoài vòng ảnh hưởng” như một số trường hợp đã được chỉ ra ngay trong báo cáo của SRI: mặc dù chấp nhận sử dụng Khan Academy để dạy học, một số giáo viên vẫn muốn dạy theo cách của mình, hoàn toàn kiểm soát theo kế hoạch như cũ? Liệu EdTech có thực sự giải được các nan đề của hệ thống giáo dục, như ngài tỉ phú Bill Gates, một người nhiệt thành ủng hộ EdTech, từng bức xúc trước thực trạng của hệ thống giáo dục Hoa Kỳ: “Hệ thống giáo dục phổ thông Hoa Kỳ đã lỗi thời. Không chỉ chúng đã đổ vỡ, thiếu sót, và không được đầu tư đúng mức, mà ngay cả khi chúng đang hoạt động chính xác như được thiết kế, chúng vẫn không thể dạy con trẻ những gì chúng cần phải biết ở thời đại ngày nay”?
Bài đăng trên Tia sáng tháng này. Đây là bài đầu trong vệt bài sẽ viết về tình hình EdTech trên thế giới.
Tựa gốc: “Cuộc xâm lăng của công nghệ giáo dục đã bắt đầu?”
***
1. https://s3.amazonaws.com/duolingo-papers/other/vesselinov-grego.duolingo12.pdf
2. https://www.duolingo.com/press
3. https://www.edsurge.com/khan-academy