Năm 2008, Dave Cormier ở University of Prince Edward Island và Bryan Alexander ởNational Institue for Technology in Liberal Education bắt đầu sử dụng thuật ngữ MOOCs (Massive Open Online Courses – Các khoa học mở miễn phí trên mạng) để chỉ một loại hình học tập mới của đào tạo từ xa (distance learning)…
Lược sử MOOC
Năm 2008, Dave Cormier ở University of Prince Edward Island và Bryan Alexander ởNational Institue for Technology in Liberal Education bắt đầu sử dụng thuật ngữ MOOCs (Massive Open Online Courses – Các khóa học mở đại trà miễn phí trực tuyến) để chỉ một loại hình học tập mới của đào tạo từ xa (distance learning). Có thể coi đây là bước phát triển tiếp theo của e-learning, một dạng đào tạo trực tuyến (online learning) từng phát triển mạnh trước đó. Khóa học đầu tiên thuộc loại MOOCs mà Cormier và Alexander nhắc đến là “Connectivism and connective Knowledge” do George Siemen và Stephen Downes tổ chức, với 25 sinh viên của University of Manitoba tham gia cùng với hơn 2200 sinh viên học miễn phí trên mạng. Đây chính là khóa học đầu tiên được gắn nhãn MOOCs dù trước đó đã có nhiều địa chỉ cung cấp miễn phí các chương trình học trực tuyến với sự tham dự số lượng lớn người dùng như Khan Academy (tuy không phải là MOOC nhưng lại rất gần gũi về ý tưởng) hay các trang e-learning khác.
Những mốc đáng chú ý của MOOC:
- 2008: MOOC đầu tiên – khóa học “Connectivism and Connective Knowledge”
- 2011: Khóa học về trí tuệ nhân tạo của Sebastian Thrun và Peter Norvig thu hút 160.000 sinh viên tham gia.
- Tháng 1, 2012: Đại học Helsinki của Phần Lan cung cấp MOOC đầu tiên về lập trình máy tính.
- Tháng 2, Udacity khai trương – một MOOC vì lợi nhuận được khởi sự bởi Sebastian Thrun và đồng sự. Tới nay đã thu hút trên 1.6 triệu người dùng.
- Tháng 4, 2012: Coursera khai trương. Đây là một cổng MOOC phi lợi nhuận do Đại học Stanford, ĐH Michigan, ĐH Princeton và ĐH Pennsylvania khởi xướng, tới nay đã thu hút gần 12 triệu người dùng, hơn 100 ĐH trên thế giới tham gia cung cấp khóa học.
- Tháng 5, 2012: edX – một MOOC khi lợi nhuận khác – khai trương. Liên minh MOOC giữa Harvard và MIT này tới nay đã thu hút hơn 3 triệu người dùng, và khoảng 60 các cơ sở giáo dục tham gia.
- edX khác với Coursera ở điểm quan trọng là nó chạy trên nền phần mềm nguồn mở, và các khóa học hoàn toàn phi lợi nhuận. edX cũng cung cấp nền tảng MOOC có tên Open edX cho cộng đồng giáo dục toàn cầu.
- Tháng 6,2012: Đại học Galileo ở châu Mĩ Latinh tham gia cuộc chơi MOOC với khóa “Lập trình ứng dụng iPhone và iPad” bằng tiếng Tây Ban Nha.
- Tháng 10, 2012: Đại học New South Wales cung cấp MOOC đầu tiên về Computing.
- Tháng 11, 2012: New York Times bầu MOOC là nhân vật của năm vì những tác động lớn lao của nó tới cộng đồng giáo dục bậc cao và truyền thông.
- Tháng 3, 2013: MOOC đầu tiên của châu Á được cung cấp trên OpenLearning bởi Taylor’s University của Malaysia.
- Tháng 7, 2013: Trung tâm Wicking thuộc Đại học Tasmania tổ chức khóa “Understanding Dementia”. Đây là khóa học có tỉ lệ hoàn thành cao nhất tính tới nay, với tỉ lệ hoàn thành là 39%, vượt trội so với tỉ lệ 5-10% như thường lệ. Đây là sự kiện được ghi nhận trên tạp chí Nature.
- Tháng 8, 2013: MOOC đầu tiên của Việt Nam được Giáp Văn Dương sáng lập tại địa chỉ GiapSchool.vn.
- Tháng 9, 2013: edX bắt tay Google để cung cấp Open edX. Khai trương MOOC.org
- 2015: hàng loạt công ty đã sử dụng như là công cụ phát triển đội ngũ nhân sự. Google dùng MOOC để đào tạo HTML5 cho 80000 nhân viên, trong khi Yahoo! đã có chính sách tài trợ tiền chi phí certification cho nhân viên học trên Coursera.
- T5-2015: khóa học “Learning how to learn” trên Coursera đạt kỉ lục mới: 1 triệu người đăng kí học.
Tại Việt Nam, Tập đoàn FPT bắt đầu thúc đẩy nhanh quá trình chuyển hóa thành một tổ chức học tập bằng việc khuyến khích nhân viên học tập trên Coursera.
cMOOC – xMOOC – vMOOC
Đặc trưng cơ bản của MOOC được hàm chứa trong các chữ cái của thuật ngữ này: Massive– chỉ khả năng tiếp cận đại chúng của các khóa học (vài nghìn lên tới hàng trăm nghìn người học); Open – chỉ tính mở của các khóa học (mở về nội dung, mở về phí, mở về khả năng tham gia, và mở về nền tảng), Online (học trực tuyến qua Internet), và Course – nội dung và tổ chức học tập như một khóa học chính quy chứ không đơn thuần là cung cấp một vài tư liệu rải rác được gom lại (Có thể có thời điểm bắt đầu/kết thúc khóa học, có phần thưởng, có đánh giá, có phản hồi, có giáo viên trợ giúp, có cộng đồng hỗ trợ, thậm chí là có chứng chỉ và được chuyển đổi tín chỉ tương đương với khóa học chính quy tại trường đại học truyền thống. Hiện nay các cổng MOOC còn cung cấp các khóa on-demand, hay self-paced không chịu ràng buộc bởi các tính chất trên) .
Người ta phân loại MOOC dựa trên đặc tính vận hành khác nhau, gồm hai loại cMOOC (c = connectivist) và xMOOC (x = extended). xMOOC (như TEDx, edX) cung cấp các khóa mở rộng, cộng thêm (extended), các khóa học tham khảo, v.v. Một số xMOOC sơ khai chỉ đơn thuần chỉ ghi lại và cung cấp các bài giảng dưới dạng video, cho nên nhiều người đánh giá chúng không hơn gì “sô diễn truyền hình + sách giáo khoa số”. Trong khi đó, cMOOC xây dựng một cộng đồng học tập bằng nền tảng số hóa dựa trên các nguyên lí sư phạm kết nối (connectivist pedagory) vốn rất có ảnh hưởng tỏng lĩnh vực học tập trực tuyến. Hiện nay phần lớn các MOOC không ít thì nhiều đều có hình dáng cMOOC.
Hollands và Tirhali (2014) so sánh đặc trưng hai loại hình MOOC như bảng dưới:
xMOOCs | cMOOCs |
Nội dung xác định trước, giáo viên giảng (instructor-led), có cấu trúc, các hoạt động tuần tự theo tuần | Giáo viên chỉ là một nút trong mạng lưới học tập mang tính xã hội |
Video Ngắn, bài đọc thêm, bài tập | Sáng tạo, khám phá một chủ điểm trong một môi trường kiểu “xưởng máy” |
Bài tập kiểm tra ngắn tự chấm, đánh giá chéo | Các sản phẩm được sinh viên tạo ra (blog, ảnh, sơ đồ, video) |
Chuyển giao qua nền tảng của nhà cung cấp dịch vụ MOOC (ví dụ Coursera, edX…) | Diễn đàn thảo luận, Twitter và các công cụ mạng xã hội là công cụ tối quan trọngNgười thúc đẩy (Facilitator) tổ hợp, rà xoát, đúc kết và phản tỉnh (reflect) trên các hoạt động thông qua các bản tin hàng ngày/hằng tuần.Nền tảng dạng Boot-strap và các công cụ cộng tác |
Gần đây, người ta còn dùng vMOOC để chỉ ý tưởng về loại hình MOOC chứa các công nghệ để giả lập (simulation, như Unity, Second life, ) trợ giúp người học phát triển các kĩ năng thực hành và khả năng khác. Nhờ đó chúng có thể được áp dụng vào trong việc đào tạo nghề và kĩ năng (v = vocational).
Theo MOOC Guide, những lợi ích chính mà MOOC mang lại gồm:
- Chỉ cần có kết nối là có thể học được
- Học bằng bất kì ngôn ngữ nào hoặc trong môi trường đa ngôn ngữ
- Dùng bất kì công cụ online nào
- Không còn bị giới hạn bởi thời gian và địa lí
- Tạo lập và chuyển giao các khóa học trong thời gian ngắn
- Nội dung phù hợp bối cảnh dễ dàng được chia sẻ
- Phi chính quy, học thoải mái hơn
- Các tương tác peer-to-peer thúc đẩy việc học tập
- Dễ dàng vượt qua các rào cản của chuyên ngành và trường học
- Ít rào cản cho người nhập học
- Thúc đẩy môi trường học tập cá nhân hóa
- Cải thiện khả năng học tập suốt đời
Những nhược điểm của MOOC cũng được chỉ ra, ví dụ:
- Thông tin bị nhiễu loạn và thiếu tổ chức, do lượng lớn nội dung do người dùng tạo ra
- MOOC đòi hỏi người dùng phải có am hiểu và kĩ năng công nghệ thông tin để có thể khai thác hiệu quả
- Đường truyền và băng thông chính nó là một rào cản đối với những nơi không đủ điều kiện
- Ngôn ngữ cũng là một rào cản lớn, các khóa học chất lượng cao lại đang chủ yếu được cung cấp bằng tiếng Anh
- Người học phải có năng lực tự học và tự động viên tốt để có thể hoàn tất được khóa học
- Giáo viên thấy lúng túng vì không biết cách thiết kế bài giảng cho phù hợp mới môi trường mới
- Khó khăn trong việc đánh giá hiệu quả của việc giảng dạy và học tập.
Ngoài các rào cản về hạ tầng cũng như ngôn ngữ, việc người học chưa được trang bị kĩ năng học tập tự định hướng trên môi trường online, cùng với khuyết thiếu về tính sư phạm của các bài học trên môi trường online có thể dẫn tới làm giảm hiệu quả của MOOCs. Thực tế là có nhiều bài giảng video dài cả tiếng đồng hồ, rất nhàm chán và khiến người học bỏ cuộc sau vài ba lần thử học.
MOOC cần một lí thuyết sư phạm mới
Khi chúng ta nhắc tới edX, là chúng ta đang nhắc tới một nền tảng (platform) cho việc chuyển giao các khóa học dạng MOOC. Trên nền tảng đó, có thể tồn tại những cách thức tổ chức học tập rất cũ đã từng được sử dụng trong ở các nền tảng học tập trực tuyến hay e-learning trước đó. Cách thức tổ chức thông tin, tổ chức học tập vẫn dường như độc lập với nền tảng chuyển giao các khóa học. Điều đó cho thấy vai trò của người thiết kế học tập, của các vấn đề sư phạm và vai trò của giáo viên vẫn nằm ở trung tâm cho sự thành công của các chương trình học tập trên MOOC (Bayne & Ross, 2013).
Bên cạnh các lý thuyết về kiến tạo xã hội (social constructivism), các phương pháp học tập “mastery learning”, “peer assessment”, “story telling”, thảo luận …, lý thuyết được cho là có ảnh hưởng lớn tới cách thức xây dựng và triển khai các khóa học MOOC được gọi với cái tên học tập kết nối (connectivism) với bốn nguyên lí (Downes, 2011):
- Aggregation (Tổng hợp): nội dung được tạo ra từ nhiều nguồn
- Remix (hòa trộn): các tài liệu học tập được xử lí, hòa trộn giữa các khóa học với nhau, và với các tài liệu khác
- Re-purpose (tái định hướng mục đích): các học liệu được tổng hợp và hòa trộn đề phù hợp với mục tiêu của từng người học
- Feeding forward (tích cực nuôi dưỡng): các ý tưởng và nội dung được chia sẻ rộng rãi với người tham gia và phần còn lại của thế giới
Trước đó, Siemens (2005), chỉ ra tám nguyên lí khác của thuyết kết nối:
- Việc học và tri thức tồn tại bởi các ý kiến đa dạng
- Việc học tập là quá trình kết nối các nút hoặc nguồn thông tin đặc biệt
- Việc học có thể nằm trong những thứ nhân tạo
- Khả năng mở rộng hiểu biết quan trọng hơn rất nhiều những gì đã biết
- Nuôi dưỡng và duy trì các kết nối là cần thiết để tạo điều kiện cho việc học tập liên tục
- Khả năng nhìn thấy được các kết nối giữa các lĩnh vực, ý tưởng, và khái niệm là một kĩ năng cốt lõi
- Tính cập nhật (currency, bao gồm tính chính xác, tính cập nhật của tri thức) là mục đích của tất cả những hoạt động học tập kết nối
- Ra quyết định là một quá trình học tập. Lựa chọn học cái gì và ý nghĩa của các thông tin được nhìn dưới thấy kính của một thực tiễn đang biến đổi. Cái hôm nay còn là đúng có thể sẽ sai vào ngày mai.
Ravenscroft (2011) cho rằng các cMOOC hỗ trợ tốt hơn việc tạo lập các thảo luận nhóm và xây dựng tri thức mới, Downes (2005) thì nhấn mạnh cMOOC là “sáng tạo và năng động” hơn so với cách thức triển khai cũ kiểu xMOOC. Đây cũng là mấu chốt của việc thiết kế lại trải nghiệm học tập trên mạng.
Trong một diễn tiến khác, MOOC có thể tạo điều kiện để các nhà giáo tái tổ chức cách phương pháp học tập hỗn hợp (blended learning), ví như trào lưu lớp học đảo ngược (Flipped Classroom) với kết quả học tập được cải thiện đáng kể. Cách thức học tập hỗn hợp giữa việc học tập trực tuyến thông qua các cổng MOOC và tương tác trên lớp có thể giúp cho việc học vượt qua được những trở ngại cơ bản của học tập thuần trực tuyến mà nhiều khóa học đang phải đối mặt. Một lớp học đảo ngược kiểu này cuối năm 2012 được edX thử nghiệm tại trường San Jose đã mang lại kết quả bất ngờ: khóa học chính quy này có tỉ lệ đỗ 91% so với 55% như ở các lớp chỉ học trực tuyến. Đây là một ví dụ về những nỗ lực của những nhà giáo nhằm khai thác lợi thế của MOOC, biết cách dùng công nghệ để gia tăng thời gian tương tác, giúp cho lớp học nhân văn hoăn (humanize- chữ dùng của Sal Khan, người sáng lập Khan Academy).
Thiết kế học tập trên MOOCs
Khan Academy có thể là một ví dụ điển hình về sự đầu tư cho khía cạnh sư phạm trên môi trường Internet. Bên cạnh các nội dung giảng dạy được sắp xếp khoa học, chúng còn được mô đun hóa hoàn chính với các bài giảng video ngắn (vài phút), thu hút với tình huống thú vị, cùng với các bài tập tự làm dưới dạng trò chơi hóa (gamification), bên cạnh việc thảo luận và hồi đáp từ cộng đồng học tập. Giờ học trên Khan Academy thường tương tác cao độ. Đó là hiệu quả mà việc thiết kế trải nghiệm học tập do các chuyên gia thiết kế giảng dạy (instructional designer) góp công.
Ngược lại, nhiều khóa học MOOC như là một dạng online hóa các khóa học truyền thống, thậm chí đơn thuần là những OpenCourware để lẫn vào các cổng MOOCs. Những khóa học này cần nhiều đầu tư hơn nữa để có thể phù hợp với đối tượng người học trên Internet. Ngay cả Coursera cũng có một khóa học dạy cách “dạy học trên mạng” (Learn to teach online), những thử thách vẫn còn rất khó vượt qua.
Những nhận định trái chiều
Ngay từ khi ra đời, MOOC được kì vọng là sẽ thay đổi cuộc chơi giáo dục (game changing), ở đó các player chính là những trường học truyền thống đang gặp phải rất nhiều vấn đề về chất lượng, cơ hội tiếp cận (accessibility) và bình đẳng trong giáo dục. MOOC tạo ra cơ hội bằng vàng cho những người có điều kiện thấp được tiếp cận với các chương trình giáo dục chất lượng cao hơn. Việc hàng loạt các tổ chức giáo dục hàng đầu tham gia tích cực vào việc dựng lên các địa chỉ cung cấp MOOC có chất lượng cũng thu hút sự chú ý của cộng đồng giáo dục quốc tế. Có những bước đi mạnh dạn (như trường hợp thí điểm chuyển đổi tín chỉ giữa việc tham gia MOOC với các chương trình truyền thống tại Đại học bang San Jose), chứng tỏ MOOC đang là ý tưởng hấp dẫn. Nhiều cơ sở đại học nhìn thấy cơ hội thông qua việc tái sử dụng các nguồn học liệu phong phú và chất lượng để cải thiện chất lượng giáo dục. Các nhà giáo tìm thấy một công cụ chưa từng có để quảng bá tư tưởng của mình (cả đời giảng dạy của một GS ở Harvard có khi chưa dạy được một phần trăm nhỏ của hàng trăm nghìn người học trên một khóa ở Coursera). Thậm chí, một số nhà giáo từng lo ngại về nguy cơ mất việc trước sức ép của làn sóng MOOC.
Tuy vậy, cũng chính tỉ lệ hoàn thành khóa học rất thấp (thường là dưới 10%, tỉ lệ trung bình ở edX là khoảng 4%) dấy lên làn sóng lo ngại về chất lượng của các khóa học loại này. Trong thực tế, có những khóa học trên các cổng MOOC không khác gì một chương trình truyền hình dài tập. Ngày càng nhiều yêu cầu về một nền tảng sư phạm mới cho MOOC được đặt ra. Đại học San Jose đã tạm ngừng liên kết với Udacity trong việc cung cấp các khóa học chính thức trước những tranh cãi về kết quả nghèo nàn của các chương trình học online với MOOC. Nhiều người nhấn mạnh vào nhược điểm cố hữu của việc học tập trực tuyến mà MOOC cũng thừa hưởng, đó là việc thiếu vắng những hỗ trợ cần thiết và mối tương tác liên cá nhân giữa những người học với nhau và giữa người học với người dạy. Cuối năm 2013, một số nhà báo thậm chí đã nhắc tới cái chết của MOOCs, rằng “MOOC chỉ làm được vài việc tốt”. Trong khi đó, lại có báo cáo nhận định thị trường MOOC sẽ tăng trưởng đều khoảng hơn 50% trong thời gian bốn năm tới đây.
Khai thác MOOCs
Holland và cộng sự (2014) có liệt kê một số cách thức chủ yếu mà các trường và tổ chức giáo dục tận dụng MOOCs:
- Mở rộng phạm vi hoạt động và đối tượng tiếp cận
- Xây dựng và duy trì thương hiệu
- Cải thiện kinh tế: giảm chi phí hoặc tăng doanh thu
- Cải thiện mục tiêu giáo dục
- Đổi mới trong giảng dạy và học tập
- Nghiên cứu về dạy và học
Từ phía các công ty, tổ chức phi-giáo dục, MOOC có thể là một cơ hội chưa từng thấy cho đào tạo nội bộ (professional development). Theo nhà tư vấn từ Deloitte, Josh Bersin, có bảy cách để các tổ chức tận dụng MOOC:
- Xây dựng nguồn tài năng từ các nhà cung cấp MOOCs, mở rộng nguồn tuyển dụng
- Tận dụng tài nguyên MOOC để tạo lập các khóa học nội bộ sử dụng hình thức flipped-learning
- Khuyến khích nhân viên tự đưa ra các hoạt động phát triển nghề nghiệp, học tập liên tục trên các khóa học (track) được khuyến cáo
- Đào tạo căn bản hàng loạt, ví như Google đã dùng dịch vụ của Udacity để đào tạo HTML5 cho toàn bộ 80,000 nhân viên của mình.
- Dùng MOOC như là một kênh đào tạo khách hàng
- Dùng MOOC để phát triển thương hiệu thông qua các khóa học
- Cộng tác và đổi mới thông qua mạng lưới của nhà cung cấp MOOC để đưa ra các giải pháp thực tiễn
Ở Việt Nam, TS. Giáp Văn Dương đã mở MOOC đầu tiên GiapSchool hòng góp một tiếng nói vào đổi mới giáo dục, tuy nhiên chưa có những bằng chứng về thành công ấn tượng như các cổng MOOC lớn đề cập bên trên. Các tổ chức và cá nhân thì hãy còn rất dè dặt trong việc khai thác MOOC.
Từ phía người học, đặc biệt là những người nghèo, sẽ có cơ hội tiếp cận với nội dung giáo dục chất lượng cao. Tuy vậy, người học cần có những sự chuẩn bị nhất định để có thể thành công với các khóa học MOOCs. Dưới đây là các kinh nghiệm do những học viên MOOC kì cựu đưa ra:
- Chọn khóa học tốt, sự rõ ràng và cách thức tổ chức là tối quan trọng. Chất lượng các khóa học MOOCs thường không đồng đều.
- Giáo sư là ngôi sao. Hãy lựa chọn ngôi sao để “hâm mộ”.
- Giáo trình vẫn rất quan trọng. Khi học liệu chỉ là những video bài giảng, người học gặp khó khăn trong việc truy hồi kiến thức cũ và ôn tập chuẩn bị cho những kì thi vấn đáp hoặc các kì thi viết. Các khóa học nên có các tài liệu dạng văn bản đi kèm.
- Đam mê là quan trọng nhất
Tạm kết
MOOC có lẽ đã qua thời kì được thổi phồng. Ngày càng nhiều nhược điểm và quan ngại về MOOC đã được chỉ ra. Những người ủng hộ MOOC cũng như các nhà cung cấp đều đã có những nỗ lực để giúp MOOC phát triển. MOOC đang trên đà trưởng thành, trở nên thực chất hơn, và sẽ tiến hóa nhanh trong tương lai gần để thực hiện sứ mệnh của nó, định hình lại giáo dục toàn cầu. MOOC đang thực sự tạo ra một trào lưu mới trong giáo dục số trên phạm vi rộng lớn và sâu sắc. Đối với người học, MOOC rõ ràng là đã tạo ra một cơ hội học tập chưa từng có. Với sự chuẩn bị và định hướng tốt, người học giờ đây có thể hiện thực hóa việc học tập suốt đời ở trình độ cao với chi phí rất dễ chịu. Giấc mơ về một nền giáo dục chất lượng cao cho đa số dân chúng mỗi ngày lại đến thật gần.
Dương Trọng Tấn.
(Đã đăng trên Chungta.vn)