Dưới đây là một dự án học tập đã viết thành sách. Trên trang của Viện giáo dục Buck, có hàng tá dự án kiểu này, với đầy đủ đề cương, thiết kế, tương thích chuẩn đầu ra (learning outcomes/standards), và kết quả đạt được của học sinh, kèm theo (đôi khi) là phân tích của giáo viên để rút kinh nghiệm sau khi dự án kết thúc. Bạn đọc vui lòng truy cập: http://bie.org/project để biết thêm chi tiết. Xin đừng ngất vì ngợp 🙂
Đây là dự án trong khuôn khổ môn Lịch sử Hoa Kì được tổ chức theo dạng PBL có thời lượng tương đương 20 giờ học trên lớp ở trường Trung học Công nghệ mới Napa. Thầy giáo[1] nêu vấn đề cho học trò: “Những hình tượng (archetypes) nổi bật trong lịch sử nước Mỹ (như hình tượng cao bồi, người Mỹ bản xứ Indian, nô lệ, các tín đồ,..) vẫn thể hiện giá trị của chúng ta hiện nay?”. Học sinh được đưa vào tình huống để trở thành những nhóm chuyên viên tiếp thị cho những tập đoàn thực phẩm lớn, xem xét lựa chọn một nhân vật tượng trưng để thúc đẩy các nỗ lực quảng cáo và bán hàng. Học sinh sẽ phải nghiên cứu các đặc điểm lịch sử của các hình tượng, sau đó xác định những đặc điểm của hình tượng phù hợp với nước Mỹ hiện đại và hấp dẫn người tiêu dùng. Mỗi nhóm trình bày kết quả nghiên cứu của mình và đưa ra những kiến nghị. Kết thúc dự án, học sinh sẽ phải báo cáo quá trình nghiên cứu tài liệu, báo cáo khảo sát khách hàng tại siêu thị; thuyết trình trước lớp và giáo viên về kết quả của dự án. Đây chính là cách giáo viên đưa các kiến thức về lịch sử trở lên sống động và có ý nghĩa đối với đời sống hiện nay . Bên cạnh đó, các kiến thức cơ bản về môn học (Lịch sử Hoa Kỳ), và kĩ năng cần thiết (tìm kiếm, đánh giá tài liệu, phương pháp điều tra xã hội học) cũng được học sinh rèn luyện trong quá trình thực hiện dự án nhỏ này. Ngoài ra, học sinh sẽ phải rèn luyện các kĩ năng mềm khác về thuyết trình, làm việc nhóm, sử dụng PowerPoint và các công cụ xử lí ảnh đơn giản để làm các tài liệu marketing. Nếu học sinh nào đi xa hơn, có thể am hiểu chút ít nữa về sự vận hành của một chiến dịch marketing.
—-
[1] Theo “PBL Starter Kit”, BIE xuất bản năm 2009.