Ngành quản trị hiện đại được cho là bắt đầu với Peter Drucker, người vẫn còn ảnh hưởng sâu đậm trong mọi ngõ ngách thực hành cũng như nghiên cứu về khoa học quản trị. Chỗ nào cũng có ý kiến của ông, và cái nào cũng như thành nguyên tắc cả.Trong đó có cái mà nó ăn ra cả những lĩnh vực khác là giáo dục. Ở đây xin kể một chuyện có vẻ tương đồng.
Xưa, người ta làm chương trình giáo dục theo ý kiến của một người uyên thâm, vẽ ra đề cương là bữa nay mình sẽ đọc sách gì, rồi cứ thế thầy trò đọc và thảo luận cái text đó. Text đó chủ yếu là do người này tự viết ra, sau này có tí công nghệ thì người nào lười không viết thì cứ mượn tạm của ông bạn đem về lớp của mình dùng cũng được. Ở Đại học Tổng hợp Hà Nội muôn vàn mến yêu của ta ngày nay hình như vẫn thịnh hành cái kiểu đó. Nghe đâu truyền thống này có từ Tk15 bên Tây, còn bên ta thì có từ thời bọn giặc Ngô xâm chiếm nước Nam vào quãng đầu công nguyên mang sách của lão họ Khổng có cái bướu ở trên trán trông như sừng trâu sang cho các con bò xứ Giao chỉ man di nhai lại.
Từ khi ông Drucker nói “Làm không đúng cái cần làm, thì có làm tốt cách mấy cũng vô dụng”, ông chỉ trích “hiệu quả (efficiency) để làm gì khi nó không dẫn đến đâu”, và nữa – rằng năng suất để làm gì (như nhà máy sản xuất hàng loạt của Ford) khi nó chỉ mang lại sự dư thừa. Thế là ra đời đường lối quản trị theo mục tiêu – Management by objectives. Phải định nghĩa ra mục tiêu (dài/ngắn, chiến lược/chiến thuật…) trước khi hành sự. Hỏi câu “Để làm gì?”, “Được cái gì?” trước khi làm. Vĩ đại do sự lựa chọn – J.Collins viết thành sách rồi!
Thế là giới giáo dục cũng lăn theo hehe. Giảng bài cũng: mục tiêu bài này là … Gần như cùng thời với Drucker, Benjamin Bloom đặt ra các mức độ hiểu biết với cái tên Bloom Taxonomy trứ danh để dùng cho đặt mục tiêu giáo dục và đánh giá hiệu quả hoạt động giáo dục, nhưng phải đến một hai thập kỉ sau thì người ta mới biết dùng Bloom Taxonomy đại trà để lập các mục tiêu giáo dục và viết đề cương chương trình, vì các nhà quản lí giáo dục còn bận say sưa trong tháp sừng tê giác, không chịu cập nhật lí thuyết quản trị mới. Mà nói về lạc hậu trong giới giáo dục thì có nhắc lại cũng bằng thừa, có bao giờ giới giáo dục không lạc hậu vài thập kỉ, thậm chí vài thế kỉ?
Phải nói một cách đau lòng là thứ tư duy hướng mục tiêu này vẫn còn xa xỉ ở Việt Nam, mặc dù từ khóa “bloom” là từ khóa ăn khách nhất trong số các từ khóa trên cái blog Tấn’s Notes vớ vẩn này hehe. Người ta nghe nó thì nhiều chứ dùng nó thì chẳng mấy. Bằng chứng là cái đại học to vật vã  là ĐH QG Tp.HCM (btw. Cái tên dài vật vã, mỗi lần gõ mỏi cả tay, nhẽ ra người ta đặt Đại học Sài Gềnh cho nó gọn có phải hay hơn không?) mới chỉ biết đến (một cách đại trà) Bloom nghe đâu từ 2009, áp dụng từ 2011 thông qua đợt cải cách sâu rộng núp bóng CDIO, với tiêu chuẩn số 2 liên quan đến outcome-based learning: chương trình giáo dục phải xác định cho rõ outcomes trước, rồi mới tới lượt các Môn (như vẫn gọi bấy lâu) hay các Chủ đề hay các Hiện tượng (Như bên Sing, bên Phần vẫn dùng) hay các Dự án (bên Mẽo khoái cái này) chỉ là những bối cảnh được vẽ ra để học sinh lĩnh hội các outcome đã được khảo sát và đồng thuận từ trước. Người ta giao nhiệm vụ cho mỗi “môn” ấy phải giúp người học lĩnh hội được những mục tiêu nào đó của tổng thể chương trình: hiểu được cái gì, dùng được cái gì, làm được cái gì, yêu cái gì ghét cái gì, vân vân và vê vê. Tích hợp hay không tích hợp không quan trọng bằng cái mục tiêu kia có đạt được không. Vì thế sẽ có môn học các nội dung liên quan đến sử học, lại có cả thống kê, cả design, cả IT, và cả kĩ năng làm việc nhóm nữa.

Tích hợp hay không tích hợp, gọi tên làm gì cho mệt. Phỏng ạ.tichhop-nguoingua-tatay

Written by Tấn Dương