Vấn đề lớn của thế giới công việc ngày nay là mọi người quá bận rộn. Thậm chí không có đủ thời gian cho việc tìm cách để mình bớt bận rộn đi.
Đó là một cái bẫy rất nhiều người làm việc bị vướng vào.
Cũng là một cái bẫy êm ái mà các vị lãnh đạo rất dễ nghiện: lúc nào cũng phải làm cho nhân viên bận rộn. Để “tối ưu hóa” nguồn lực.

Kì thực, chính cái trò “lúc nào cũng bận” đang giết chết sự năng suất và “tối ưu” của chính bản thân người được tối ưu.
Con người là một sinh vật yếu ớt hơn chúng ta tưởng. Tiến sĩ khoa học thần kinh John Medina viết trong “Luật trí não” rằng khả năng chu kì tập trung của não người thực ra là rất ngắn: chừng 10 phút. Sau đó não bộ phải phân tâm, sao nhãng để giải phóng chất độc và tự bảo vệ mình.
Đó chính là một trong những cơ sở khoa học quan trọng để phương pháp làm việc Pomodoro phát huy tác dụng và được nhiều người vận dụng. Làm việc tập trung 25 phút lại nghỉ ngắn 5 phút, lặp lại 3 lần rồi nghỉ dài chừng hai chục phút.
Ta thấy, thời gian thực sự rảnh rỗi theo phương pháp Pomodoro chiếm tới trên 20% thời gian làm việc. Hóa ra chính cái “không làm gì”, cái thời gian “trống rỗng” nom có vẻ lãng phí ấy lại giúp người ta tăng năng suất và chất lượng công việc.
Pomodoro không phải là kĩ thuật duy nhất ủng hộ việc nghỉ nhiều hơn. Chuyên gia năng suất David Allen, tác giả của “Hoàn thành mọi việc không hề khó”, tới Jim Benson trong “Personal Kanban”, hay Tom De Maco trong “Slack” đều không ủng hộ cách thức “tối ưu  hóa thời gian” kiểu chèn việc cho đầy lịch công tác. Cái chúng ta cần là một sự tập trung cho công việc, giải quyết gọn gàng nó, tránh xa stress liên miên và tận hưởng những giây phút chiến thắng nhỏ xinh khi hoàn thành nhiệm vụ, chứ không phải là để tỏ ra lúc nào cũng bận, cho nó “chuyên nghiệp”.
Bạn tôi, Kiro Harada từng bịa ra cả một cái Tuyên ngôn của những người lười để phản đối cái lối làm việc “tối ưu hóa thời gian” này.

Ba kiểu phân bổ thời gian làm việc

Đầu óc chúng ta cũng cần những khoảng trống để thư giãn và lấy lại phong độ. Đừng bận rộn quá. Hãy để một khung thời gian có tên “nghỉ” vào lịch làm việc của mình. Một cách đều đặn.