Tháng 7 năm 2015, Microsoft tiếp đoàn chuyên gia củaScrumAlliance đến thăm khối phát triển của mình, nơi quy tụ gần 4,000 nhà phát triển có nhiệm vụ làm ra hầu hết các sản phẩm phần mềm trứ danh của Microsoft, để chia sẻ câu chuyện “Hành trình chuyển đổi Agile của Microsoft” với cộng đồng học tập của ScrumAlliance – nơi quy tụ hơn 400,000 thành viên là những nhà thực hành, chuyên gia, nhà huấn luyện Agile/Scrum ra trên toàn cầu. Trong khi công chúng nói chung có ấn tượng Microsft như là một “chiếc chiến hạm khổng lồ chậm chạp” thì cái mà đoàn chuyên gia của ScrumAlliance nhận được là một hình ảnh đối lập: “tập đoàn quân” sản xuất của Microsft là một thiết chế linh hoạt, với cơ cấu đơn vị đội sản xuất nhỏ từ 10-12 người, đang vận hành mô hình sản xuất dựa trên những triết lí của Agile.

Agile là một cách gọi vắn tắt tất cả những phương pháp làm việc, quản lí và phát triển sản phẩm dựa trên những nguyên lí được mô tả trong Tuyên ngôn Phát triển phần mềm Linh hoạt (Manifestor for Agile Software Development, còn gọi tắt là Tuyên ngôn Agile) ra đời năm 2001 với bốn giá trị cốt lõi: Cá nhân và tương tác hơn là quy trình và công cụ; sản phẩm dùng tốt hơn là tài liệu hóa đầy đủ; Cộng tác với khách hàng hơn là đàm phán hợp đồng; Phản hồi với thay đổi hơn là tuân thủ cứng nhắc kế hoạch ban đầu. Những nguyên lí này không có mục đích gì hơn là định nghĩa một “văn hóa” làm việc mới, với sự ưu tiên cho cộng tác, làm việc nhóm hiệu quả, hướng-giá-trị, để tạo lập và duy trì sự linh hoạt (Agility) cho mỗi tổ chức nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh bền vững trong nền kinh tế sáng tạo thế kỉ 21.

Trong khi Tuyên ngôn Agile đề ra những nguyên tắc nòng cốt, thì các Phương pháp Agile lại hết sức đa dạng và linh hoạt, cũng nhằm thích ứng tốt với nhiều loại hình sản phẩm, công việc khác nhau. Chúng được biết đến với những cái tên khác nhau như Scrum, XP, LSD (Lean Software Development), Kanban, …, nhưng đặc điểm chung có thể kể đến:

  1. Tổ chức công việc thành các phân đoạn ngắn lặp đi lặp lại (short iterations) nhằm sớm nhìn ra kết quả các phản hồi từ người dùng cuối;
  2. Mỗi phân đoạn có mục tiêu rõ ràng trước khi bắt đầu công việc;
  3. Lấy khách hàng làm trung tâm, nhóm cộng tác chặt chẽ với khách hàng, thay vì chỉ tập trung báo cáo cho cấp trên;
  4. Trao quyền mạnh cho người làm việc trực tiếp;
  5. Nhóm tự lập kế hoạch, tự tổ chức cách thức hoàn thành công việc thay vì chỉ thụ động nhận việc từ cấp trên;
  6. Việc lập kế hoạch và thực thi do nhóm chủ động thực hiện, thích ứng với những thay đổi trong quá trình làm việc;
  7. Nhóm tự đo đạc hiệu suất của mình, đề ra các phương án cải tiến liên tục nhằm gia tăng năng suất và hiệu quả;
  8. Các vai trò quản lí hoạt động với tinh thần “phục vụ”, trong đó nhiệm vụ “tháo gỡ khó khăn” đặc biệt quan trọng;
  9. Các rào cản, vấn đề ảnh hưởng đến công việc chung được xử lí một cách hệ thống thông qua sự tổ chức thông tin minh bạch, liên tục thanh tra và cập nhật thông tin, thích ứng kịp thời, và thiết lập thói quen cải tiến liên tục.

Microsoft lấy Scrum, một phương pháp Agile phổ biến nhất hiện nay, làm khuôn khổ chủ đạo để hiện thực hóa kế hoạch chuyển đổi sang Agile từ cách thức làm việc truyền thống. Kể từ dự án thí điểm Agile đầu tiên năm 2008 trong đội sản phẩm Visual Studio Online, Microsoft đã phải mất hơn 3 năm để đi đến quyết định chiến lược chuyển đổi toàn bộ sang Agile. Cho tới ngày nay, gã khổng lồ Microsoft vẫn là nhà sản xuất phần mềm lớn nhất thế giới, nhưng lại có năng lực cho ra được những phiên bản ứng dụng mới trên Apple Store nhanh như những startup tí hon mới thành lập. Đối với nhiều người, đây là điều không thể tin được.

Câu chuyện của Microsoft chỉ là một điểm nhấn trong toàn bộ lịch sử chuyển hóa cách thức làm việc mà Agile đã tác động tới thế giới công nghệ – một trong các lực lượng chính thúc đẩy sự chuyển mình mạnh mẽ của thế giới ngày nay. Nếu như trước thời điểm của Tuyên ngôn Agile (2001), là thời kì “khủng hoảng phương pháp” khi có đến quá 2/3 dự án IT thất bại toàn phần  hoặc một phần, đến cuối thập kỉ 2010 mới có chừng 1/3 dự án sử dụng Agile (theo nghiên cứu của Forrester Research), thì đến năm 2014 đã có 94% các tổ chức được VersionOne khảo sát cho biết là đã phần nào đó sử dụng Agile trong công việc. Điều đáng quan tâm là các công ty được khảo sát đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ sản xuất phần mềm, thương mại điện tử, sản xuất phần cứng, cho đến các công ty dịch vụ vốn không có dính dáng gì đến việc sản xuất phần mềm. Đó là một sự chuyển biến lớn lao!

Steve Denning, cựu giám đốc điều hành của ScrumAlliance, tác giả của “Radical Management” từng nhận định “Scrum là một khám phá vĩ đại trong lĩnh vực quản trị”, và người phát minh ra nó “xứng đáng nhận giải Nobel về quản trị, nếu thực là có giải thưởng danh giá này”. Thực tế là, Agile đã trở thành một trong số các kiến thức mà nhà quản trị phải biết để hoạt động tốt trong nền kinh tế sáng tạo, nó còn là một chuẩn thức (paradigm) của thời đại mới. Và thực tế sinh động đang chứng nghiệm sức sống mạnh mẽ của nó.

Tuy dòng chảy Agile trên thế giới rất mạnh mẽ, Việt Nam du nhập Agile tương đối muộn, nổi bật lên vào giai đoạn 2011 trở lại đây với sự ra đời của hai nhóm HanoiScrum ở Hà Nội và AgileForumVietnam ở Tp. Hồ Chí Minh (hợp nhất thành AgileVietnam từ cuối 2013) với các hoạt động đa dạng thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng Agile tại Việt Nam. Tuy vậy, các hoạt động vẫn phần nhiều dừng ở mức chia sẻ thông tin. Phần nhiều các doanh nghiệp hiện nay vẫn còn dè dặt với Agile do thiếu vắng nhân lực có chuyên môn, và lo sợ những áp lực do sự thay đổi mang lại. Mặc dù nhìn thấy rõ cơ hội mà Agile có thể mang lại, cũng như những bài học thành công từ hàng nghìn doanh nghiệp đi trước, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn chần chừ trong việc hiện đại hóa cách thức làm việc. Đây sẽ là rào cản tâm lí bắt buộc phải vượt qua nếu các doanh nghiệp muốn cất cánh trong nền kinh tế sáng tạo, sân chơi mà Agile đã góp phần thay đổi mạnh mẽ trong một thập kỉ rưỡi qua.
Dương Trọng Tấn.