Nhân dịp suy nghĩ về các việc làm trong năm tới đây, tôi lại tự thưởng cho mình giây phút an nhiên cùng người bạn thân thuộc, cuốn sách  “Dân chủ và giáo dục” của Dewey.

Chợt liên tưởng tới ba việc không dính dáng mấy đến nội dung quyển sách.

Một. Dịp ra mắt cuốn sách này, dịch giả Phạm Anh Tuấn có nói “hãy thôi ngay các cuộc tranh cãi về triết lí giáo dục, trên thế giới này chỉ có vài người bàn được về triết lí giáo dục thôi”. Quả thật có quá nhiều người thích bàn về triết lí giáo dục mà kì thực cái cả cái nền tảng triết học cũng như tầm tư tưởng ấy chả hơn gì mấy bác nông dân ở quê mình. Chỉ khác cái là các lão nông thì chỉ ngồi nhẹ nhàng đưa đẩy quanh chén chè đặc chát đấm, còn các vị salon ở Hà Nội thì có diễn đàn, truyền thông này nọ tung hô. Kết quả của những cuộc cãi vã thiếu la bàn ấy thì ai cũng đã rõ. Cá nhân tôi hết sức ủng hộ việc phải nói, phải nghĩ, phải chia sẻ, phải viết lách, thậm chí phải … sai. Nhưng thấy cũng cần nhắc mình và các bạn minh hết sức tránh cái bẫy chém gió vô bổ như thế.

Hai. Một vị có thể coi là quyền cao chức trọng ở một đơn vị giáo dục có uy tín sau một hồi đọc được chương sách tóm tắt về triết học giáo dục trong một cuốn sách ứng dụng, có nhận ra: ô thế hóa ra ở trường mình đã có cả rồi, perenialism một tí, behaviorism một tí, constructivism một tí… như thế có nghĩa là trường mình theo trường phái “chiết trung”. Rồi, lại vẫn quyển sách ấy dạy “bạn phải có triết lí cho riêng mình”. Thế rồi ông ấy tỏ ra hết sức yên tâm về “triết học” của trường mình, thế là chả cần đổi gì cả – cứ thế mà làm thôi. Không biết khóc hay cười.

Ba. Giáo sư vô cùng đáng kính Hoàng Tụy có nhắc đi nhắc lại cái mệnh đề này “giáo dục của ta không giống ai”. Nguyên nhân của nó là những “sáng tạo” lố lăng và tùy tiện. Ông cũng khuyến nghị, mình đi sau thì “hãy làm giống người ta đi đã”. Cái bệnh ưa mẹo vặt, nghĩ ngắn, cùng với khả năng biến báo thích ứng quá nhanh của người mình hình như đang là bệnh “nan y” cản trở tất cả những ý tưởng cải cách đổi mới tử tế.

Thường xuyên tay ngang, lại không chịu học hỏi, lại muốn có kết quả ngay tức thì. Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn có xếp cái “tinh thần nghiệp dư” đó vào một “thói hư tật xấu” của người Việt. Sửa cái tật này thế nào đây? Hình như gợi ý có cả rồi: ông Phạm Anh Tuấn dặn “đừng có mà bàn nhiều”, làm đi, làm giống những anh được chọn nhiều (Dewey trong tư duy về giáo dục chẳng hạn); GS Hoàng Tụy nói “làm theo chuẩn mực của thế giới” (trong khoa học và giáo dục). Tôi được kể lại là dân học võ Nhật rất thấm nhuần trình tự SHU-HA-RI: bước một là làm như được dạy (SHU), làm đúng sách; xong rồi mới được sang bước hai(HA), chỉnh đi cho hợp ngữ cảnh (cơ địa, tình huống …); tinh thông căn bản rồi mới chạm đến bước sáng tạo (RI) – quên sách đi, khi này sách và người là một. Đấy, các cao nhân nói chả khác nhau là mấy, vì nó chạm vào tầm nguyên lí  (có người nói: tầm triết lí) của sự việc. Để nguyên lí nó dẫn dắt thì việc làm dễ bề đúng hướng. Bấy lâu nay người ta làm vừa thiếu nguyên lí vì không chịu học hỏi. Thậm chí người ta ưa thích việc nhặt chỗ này một tí, nhúp chỗ kia một tẹo cho vào cái lẩu thập cẩm có tên “triết lí” của mình. Như thế là chặt nguyên lí cho vừa ý mình. Làm như thế là dễ dãi, làm ngược.

Written by Tấn Dương