Nhiều nước trên thế giới đang áp dụng phương pháp học qua vấn đề và qua dự án để giúp học sinh học tập hiệu quả nhất. Dưới đây là một số thí dụ từ Mỹ, Phần Lan và Singapore.

Ở trường Trung học Công nghệ mới Napa, Mỹ, với môn Lịch sử Hoa Kỳ được tổ chức theo dự án có thời lượng tương đương 20 giờ học trên lớp, giáo viên1# nêu vấn đề: “Những nguyên mẫu (archetypes) nổi bật nào trong lịch sử nước Mỹ (như cao bồi, người Anh-điêng, nô lệ, các tín đồ,..) vẫn thể hiện giá trị của chúng ta ngày nay?” Học sinh phải giả định mình là chuyên viên tiếp thị cho những tập đoàn thực phẩm lớn và lựa chọn một mẫu nhân vật để quảng cáo và bán hàng. Các em sẽ phải nghiên cứu đặc điểm lịch sử của mẫu nhân vật mình đã chọn, sau đó xác định những yếu tố hấp dẫn họ trong tư cách người tiêu dùng. Kết thúc dự án, học sinh báo cáo quá trình nghiên cứu tài liệu, báo cáo khảo sát khách hàng tại siêu thị, thuyết trình trước lớp và giáo viên về kết quả của dự án. Đây chính là cách giáo viên biến các kiến thức lịch sử trở nên sống động và có ý nghĩa đối với đời sống hiện tại. Bên cạnh đó, các kiến thức cơ bản về môn Lịch sử Hoa Kỳ, và kĩ năng cần thiết (tìm kiếm, đánh giá tài liệu, phương pháp điều tra xã hội học) cũng được học sinh rèn luyện trong quá trình thực hiện dự án nhỏ này.

Ở một trường khác, giáo viên Toán lớp 10 nêu vấn đề: “Chúng ta có thể tạo ra một thiết bị để bắn một viên đạn và tính toán chuyển động của nó để trúng mục tiêu như thế nào?” Học sinh làm việc theo nhóm, sử dụng vật liệu chi phí thấp (đường ống PVC, ván ép, dây cao su…) để thiết kế và xây dựng một thiết bị mô phỏng tên lửa đạn đạo bắn một vật có đường bay theo hình parabol. Học sinh tiến hành thử nghiệm và sử dụng dữ liệu ghi lại được để điều chỉnh thiết kế của thiết bị nếu cần. Kết thúc dự án, nhóm sẽ trình bày đề xuất thiết kế, mô hình hoạt động của thiết bị tên lửa đạn đạo, báo cáo kiểm thử, báo cáo phân tích dữ liệu, báo cáo thiết kế điều chỉnh, và truyết trình bằng PowerPoint. Có thể thấy học sinh ở đây được rèn luyện tổng hợp các kiến thức cơ bản của môn học (đại số, lượng giác), đồng thời thực hành các kĩ năng khác về khoa học và chế tạo. Đây chính là cách tiếp cận dạy học tích hợp thường thấy ở các chương trình giáo dục STEM thời gian gần đây.

Chúng ta có thể tham khảo gần 600 ví dụ tương tự với hầu hết tất cả các môn học trên trang web của Viện nghiên cứu giáo dục Buck (BIE), đơn vị tiên phong trong nghiên cứu và thực hành PBL ở Mỹ.

Trong khi đó, ở Singapore, Bộ Giáo dục từng đề xướng một chương trình cải tổ “Teach Less, Learn More” (TLLM – Dạy ít đi, Học được nhiều hơn), với sự chuẩn bị bài bản về nhân sự, đào tạo và huấn luyện giáo viên, cán bộ xây dựng chương trình, mạng lưới chia sẻ kinh nghiệm, tài liệu hỗ trợ giáo viên, hỗ trợ nghiên cứu và thúc đẩy các sáng kiến TLLM từ dưới lên. Sáng kiến này được cố Thủ tướng Lý Quang Diệu ủng hộ và là một nỗ lực không chỉ nhằm giảm bớt gánh nặng học hành của học sinh, mà còn chuyển dịch việc học tập theo hướng dần bỏ bớt những hoạt động thuần về ghi nhớ, nhấn mạnh sự trải nghiệm và tham gia tích cực của học sinh. Tiếp nối TLLM, gần đây, Bộ Giáo dục Singapore đã xây dựng và ban hành Khung Năng lực Thế kỉ 21#2, hướng tới thế hệ những công dân tự tin (confident person), có khả năng tự học (self-directed learner), có khả năng đóng góp tích cực (active contributor), và có trách nhiệm (concerned citizen). Để đạt được mục tiêu này, việc dạy và học cũng cần có những chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, bởi vậy các phương pháp học tập chủ động (active learning) được đưa thành biện pháp căn cơ để hiện thực hóa chủ trương lấy học sinh làm trung tâm. Hình thức đánh giá các môn học đa dạng hơn, gồm các bài thực hành, dự án, quan sát của giáo viên, bài viết phản tư của học sinh, các trò chơi tranh biện, đóng vai hoặc tạo lập mô hình. Có những môn học sử dụng hình thức học tập qua dự án (Project Work3#) như là công cụ chủ đạo nhằm tổng hợp kiến thức và rèn luyện các năng lực quan trọng được định rõ trong chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục, gồm năng lực ứng dụng kiến thức, giao tiếp, cộng tác và tự học.

Singapore đang nỗ lực chuyển dịch việc học của học sinh theo hướng dần bỏ bớt những hoạt động thuần về ghi nhớ, trong khi ở Phần Lan, theo chiến lược giáo dục mới, các giáo viên giúp học sinh trải nghiệm việc học tích hợp nhiều lĩnh vực kiến thức mà trước đây được phân bố tách biệt ở từng môn học.

Không nằm ngoài xu hướng này, nền giáo dục Phần Lan, vốn được OECD xếp ở vị trí số 1 toàn cầu, cũng không ngừng cải cách để đạt được kết quả cao hơn nữa. Hồi đầu năm nay, Phần Lan công bố một chiến lược khiến giáo giới toàn cầu không khỏi kinh ngạc: “xóa sổ” các môn học. Người quản lí chính sách giáo dục của Helsinki nhận định: “Các trường học hiện nay đang dạy theo cách thức lạc hậu, vốn chỉ phù hợp ở những năm đầu 1900. Chúng ta cần những thứ phù hợp với thế kỉ 21 này”4#. Sự thay đổi lớn ở đây là việc giảng dạy đại trà theo cách tiếp cận liên môn học, liên ngành xoay quanh các chủ đề để giải quyết các vấn đề theo cách thức chỉnh thể và thực tiễn nhất. Với việc thực hành hình thức cùng-giảng-dạy (co-teaching), các giáo viên giúp học sinh trải nghiệm việc học tích hợp nhiều lĩnh vực kiến thức mà trước đây được phân bố tách biệt ở từng môn học. Hình thức giáo dục mà Helsinki đang kì vọng với cái tên “Phenomenon-based Teaching” (dạy học theo hiện tượng) thực chất là một dạng phát triển xa hơn của triết lí giáo dục hướng vào giải quyết vấn đề.

Như chúng ta thấy, các nhà giáo ở những quốc gia có nền giáo dục phát triển nhất đã mạnh dạn thoát li khỏi cách dạy nhồi nhét, để hướng học sinh đến với các hoạt động học tập tích cực để thông qua đó, học sinh tự bồi đắp tri thức. Đó hẳn sẽ là những tri thức có ý nghĩa, bền chặt hơn là những chữ nghĩa khô cứng được đổ đầy đầu học sinh với mục đích chủ đạo là phục vụ các kì thi. 1

Tú Trâm.

(Tạp chí Tia Sáng. )

—————–

1 Theo “PBL Starter Kit”, BIE xuất bản năm 2009.

2http://www.moe.gov.sg/education/21cc/

3 http://www.moe.gov.sg/education/programmes/project-work/

4http://www.independent.co. uk/news/world/europe/finland-schools-subjects-are-out-and-topics-are-in-as-country-reforms-its-education-system-10123911.html