Mình không phải là tín đồ của đọc nhanh. Nhưng thình thoảng cũng phải đọc nhanh vì thời gian hơi bị ít. Do vậy nên cũng phải dùng chiêu để tăng tốc lên chút đỉnh. Dưới đây là vài mẹo vặt mình đã hướng dẫn nhiều người để đọc nhanh lên chút, và hình như là có phát huy tác dụng hehe. Lưu ý đây chẳng phải bí quyết gì, cũng không phải bài hướng dẫn quy củ (loại này trên mạng nhiều lắm), đây là mẹo vặt, rất vặt vãnh nhưng có ích 🙂

1. Đọc một lèo, không nghĩ nhiều
Vừa đọc vừa nghĩ là một thói quen xấu dẫn đến đọc chậm. Cho nên muốn đọc nhanh, cần bỏ thói quen vừa đọc vừa nghĩ. Cứ đọc một lèo đừng nhìn lại, đừng dừng lại cho tới khi hết phần, hoặc hết chương. Không hiểu cũng không sao, cứ đọc tiếp, vì có ai đọc một phát mà hiểu ngay sách đâu. Ta luôn có cơ hội để trở lại với cuốn sách, không việc gì phải lo. Kết hợp với điều 2 dưới đây:
2. Đọc cốt ý chính, không phải tất cả các chi tiết
Sách loại self-help (kiểu như sách của Brian Tracy hoặc John Maxwell hoặc tương tự) thường viết cô đọng, dạng đề-thuyết. Sách khoa học chuẩn mực cũng thường đề thuyết, nên chỉ cần đọc câu đề (thường ở đầu đoạn), rồi lướt qua vài dữ kiện/biểu đồ, rồi ngó thêm câu chốt. Thế là nắm được đại ý của đoạn văn. Với kiểu đọc như thế thì có thể xơi tái một đoạn trong chớp mắt.
Các tiêu đề, từ nhấn mạnh, biểu đồ chính là những chỗ lưu giữ các ý chính. Hãy lướt thật nhanh những chỗ đó, ta sẽ có được thêm những từ khóa chính yếu. Kết hợp cùng lúc với phần 3 dưới đây:
3. Đọc theo cụm, đừng đọc từng từ, cũng đừng chạy dọc theo từng dòng. Hãy để mắt mình chụp cả cụm , thay vì đọc từng từ một, rất chậm. Sinh lí của mắt cho phép nó đọc theo cụm rất tự nhiên. Nhưng nhiều người do thói quen mà hay đọc to, thành tiếng (trong đầu) và từng từ từng từ một. Đấy là một thói quen xấu ảnh hưởng tốc độ đọc. Hãy luyện đọc thầm và chụp từng đoạn, tạn sẽ đọc nhanh hơn nhiều đấy.
4. Chộp từ khóa, đừng chộp tất cả các từ. Điều này đặc biệt đúng với tiếng Anh. Cả câu có khi chỉ có một hai từ khóa, chỉ cần thế thôi. Đừng quan tâm đến quá nhiều từ thuộc loại “thì là mà”. Với kiểu túm như thế này ta sẽ loại bỏ được sáu bảy phần năng lượng và thời gian đọc.
5. Ghi lại ý chính sau khi đọc một phần hoặc một chương. Để tự kiểm tra xem mình có nắm được ý chính không.
Lưu ý: Hãy chọn 1 cuốn sách kém quan trọng cho mục đích luyện tập. Ghi lại thành tích qua mỗi ngày và tự rút kinh nghiệm sau mỗi lần đọc. Một tuần bạn sẽ thấy khác.
Cố lên Chiaki!

Cố lên Chiaki!

Written by Tấn Dương