Có một nét văn hóa tối thiểu mà một số nhân viên trẻ ngày nay không làm được. Họ đến công ty kiếm việc (hoặc gọi cách khác là xin việc, hoặc là cộng tác… cũng thế cả thôi) với đầy đủ hăng hái và tích cực.
Nhưng có thể do yếu tố nào đấy mà họ không thể tiếp tục làm việc tiếp ở công ty. Họ chọn con đường ra đi.
Theo tôi thì nếu như bạn đã tìm hiểu, trao đỗi kĩ và thấy nơi đây không phải chốn nương thân, hoặc không phải chốn phát triển bản thân thì nên tếch cho thật sớm. Càng sớm càng tốt, tốt cho cả hai. Có điều, cần hết sức lưu ý cái tư thế bạn “tếch”, cái đó sẽ nói lên bạn là ai.
Nhiều bạn là chủ doanh nghiệp đã chia sẻ nhiều trường hợp rất buồn cười. Ông chủ thì lo lắng không biết “nó làm sao” mà đến làm việc được mấy hôm lại biệt vô âm tín. “Nhỡ nó tai nạn?”, “hay nó ốm?”, “hay nó bị làm sao?” mà gọi điện không được, email không thấy hồi âm. Cuối cùng té ngửa là cậu chàng trốn đi tìm việc ở chỗ khác. Trên mạng xã hội cũng từng lan truyền vài chuyện tương tự như thế. Hóa ra chuyện này giờ cũng không đến nỗi hiếm gặp.
Cái bận nên làm thực ra rất đơn giản, mà lợi ích thì thật là hết sức to lớn. Bạn chỉ cần chào tạm biệt thật cẩn thận, ân cần từng người một, không quên thêm vài lời cảm ơn tới những đồng nghiệp đã cho bạn những sự quan tâm (dù thật hay giả) và những bài học (kiểu gì thì bạn cũng đã học được cái gì đấy, kể cả điều đơn giản nhất là “công ty này không hợp với mình”).
Làm được điều đó bạn sẽ bảo toàn được ấn tượng tốt đẹp của đồng nghiệp. Lúc ấy dù bạn có đi đâu thì vẫn giữ được sự tôn trọng của những người đã cùng làm việc với mình. Trái đất này vốn rất nhỏ, bạn không cần thiết phải tạo thêm người ghét mình, không cần phải tạo thêm lo lắng và ưu phiền thêm cho người khác.
Đi thưa về gửi, nó chẳng có gì là to tát. Ngay cả cái việc nhỏ như thế mà bạn cũng không làm được, thì đừng hy vọng gì vào những việc lớn lao và sự trân quý từ người khác.
Việc này cũng áp dụng khi bạn nhận một việc và khi kết thúc một việc nào đó dở chừng.