Các nhà tâm lí học tiếp tục tìm hiểu xem điều gì thực sự thúc đẩy con người làm việc. Qua khoảng gần 100 năm, hiểu biết của các nhà tâm lí học về hành vi của con người đã gọi là “kha khá”, nhưng việc ứng dụng các hiểu biết đó vào cuộc sống thì lại hình như vẫn rất ít, và lạc hậu.
Cứ cuối năm, các công ty lại rộn rạo chuyện thưởng kinh doanh, thưởng quà. Mỗi mùa thi đấu thể thao, chúng ta lại thấy các vận động viên hay các đội bóng treo thưởng cao ngất nếu đạt huy chương này nọ. Hết năm này qua năm khác, các thế hệ học sinh của chúng ta hồn nhiên bị lùa vào các cuộc thi nóng bỏng hòng tìm kiếm bảng điểm tốt, vị trí tốt, phần thưởng tốt từ nhà trường và gia đình. Đấy là những biểu hiện của việc vận dụng kĩ thuật động viên dựa theo thuyết hành vi (behaviorism), hay còn gọi với cái tên “chiếc gậy và củ cà-rốt” – làm hay thì có thưởng, làm dở thì phạt. Cứ như là chuyện hiển nhiên như nó phải thế vậy!
Kì thực có phải thế không?
Trong cuốn sách đầy tính ứng dụng “Động lực 3.0” (tựa gốc là “Drive: The Surpprising Truth about what motivates us”), Pink tổng hợp lại các cạm bẫy mà lối động viên “gậy và cà-rốt” có thể gây ra, như:
- Nó có thể tiêu diệt động lực nội tại
- Làm giảm sút năng lực làm việc
- Nó bóp nghẹt sáng tạo vì phải chạy theo thành tích
- Nó hất cẳng hành vi tốt để đạt được mục đích
- Ươm mầm cho sự gian trá, thủ đoạn “đi tắt đón đầu”, và những hành vi vô đạo đức
- Có thể gây nghiện
- Dung túng cho tư duy ngắn hạn
Câu hỏi đặt ra là “có cách động viên nào khác không?”. Thật may mắn cho chúng ta là có, rất nhiều là đằng khác. Tập trung vào động cơ nội tại, chúng ta có thể giải phóng năng lực sáng tạo của con người thay vì đối xử với nó như là một động vật bậc cao chỉ biết làm việc theo sự điều khiển thông qua các mồi nhử về lợi ích.
- Giao quyền tự chủ làm bài tập (bài tập ý nghĩa|vô nghĩa)
- Tự đánh giá (self-assessment)
- Tổ chức một ngày FedEx (một ngày sáng tạo để HS thích làm gì thì làm)
- Báo cáo học tập tự làm
- Mở rộng tầm nhìn
- Học bên ngoài
- Biến học sinh thành giáo viên