Cụ Phạm Toàn, thủ lĩnh của nhóm Cải cách Giáo dục hiện đại Cánh Buồm có gợi ý ba việc nên làm trước trong công cuộc “dời non lấp bể” nền giáo dục nước nhà như sau:

1) Việc một, trước khi đạt tới việc “đi trước một bước”, hãy kiên trì nghiên cứu thay đổi cách học của trẻ em kể từ độ tuổi thấp nhất có thể, nhưng ít nhất cũng phải từ khi các em vào lớp Một.

Xưa nay hễ nghĩ đến Cải cách Giáo dục, người ta thường nghĩ nhiều đến thay đổi mục đích, mục tiêu của Giáo dục hướng vào phục vụ nhiệm vụ chính trị. Phương diện tâm lý học của việc học rất ít được quan tâm nghiên cứu. Nay cần đề cao những công trình  nghiên cứu cách học của trẻ em để từ việc thay đổi cách học này mà chuyển sang nghiên cứu cách nhà giáo tổ chức việc học của trẻ em.

2) Việc hai, công tác thực nghiệm và triển khai rộng dần công việc thực nghiệm, giúp xác định tính đúng đắn của sản phẩm nghiên cứu trong việc một trên đây. Công việc nghiên cứu thực nghiệm này phải mang tính chất tự do và dân chủ.

Tự do, là các nhóm nghiên cứu thi thố tài năng để có sản phẩm mang nặng tính chất địa phương. Ngay dạy Tiếng Việt, giữa Hà Nội và Sài Gòn cũng có thể có cách học khác nhau, chưa nói đến so sánh giữa các thành thị lớn này và những người học ở các miệt vườn xa xôi, các vùng núi cao heo hút.

Dân chủ, là các nhóm nghiên cứu của các trường sư phạm phải được đối xử ngang nhau, cùng chịu những quy chế như nhau, cùng được hưởng kinh phí như nhau.

Mục tiêu giai đoạn làm việc hai này là chọn ra được những bộ sách và chương trình thích hợp hơn cả, có đủ khả năng đem dùng đại trà.

3) Việc ba, sau khi đã xác định được sản phẩm nghiên cứu tốt hơn cả, những sản phẩm (chương trình và sách giáo khoa) đã được trẻ em chấp nhận có khả năng nhân rộng thì sẽ tiến hành huấn luyện mới và huấn luyện lại các nhà giáo đứng lớp vốn được tuyển từ rất nhiều nguồn.

Công việc huấn luyện này cần được coi như là giai đoạn thực nghiệm sư phạm nhờ đã tìm ra được cách học của trẻ em.

Phạm Toàn – “Xoay hướng đình

Dạy cách học đúng là mấu chốt. Dạy được cách học thì việc học của trẻ em sẽ tự nhiên đâu vào đấy. Bên cạnh đó, cách tiệp cận đúng cho các bước thay đổi nên là thực nghiệm (emprical) – bước đi nhỏ, lấy dữ liệu thực tiễn để xác định các bước đi tiếp theo hợp thực tế; không phải là cứ vẽ ra một viễn cảnh xa vời với những chương trình “khủng” (cả tiền, và thời gian dài khủng khiếp), đem học sinh ra làm chuột bạch, rồi khi phát hiện ra sai hỏng ai lại về nhà nấy, chẳng xi nhê gì (mà xác suất để hỏng là lớn lắm, có nhiều lí do mà ai ai cũng biết nó là gì), chỉ có dân tộc này là không ngóc nên được vì cái ngành trồng người nó cứ ngoi lên được tí lại reset, lên tí rồi lại reset, sau vài lần có khi nó không những không về mo mà còn “liên tục xuyên đáy” – nói theo kiểu Thị trường Chứng khoán :(. “Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con” là vì lẽ này chăng?

Tự học

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa

***

PS. Tôi đã nói khá nhiều về meta-cognition, về khả năng tự học (ở khối sau phổ thông) trong các diễn đàn khác nhau (ví dụ: ở đây). Một trong những cốt lõi tôi đề xuất trong thực hành giáo dục  là:

” Năng lực tự học hơn là điểm số và bằng cấp “.

Trui rèn năng lực học tự định hướng, hướng đến một việc học tự giác, tự động –  là mấu chốt! Và việc này cần phải làm sớm càng tốt, như cụ Toàn đề xuất là nên ngay từ lớp Một. Các cấp tiếp theo sẽ có những đặc trưng và yêu cầu quan trọng hơn về học-tự-định-hướng. Nhưng cần phải bắt đầu “ngay, và luôn”! Khi đó, nhà giáo sẽ phải dứt điểm từ bỏ lối dạy kiến thức kiểu “truyền thụ thông tin”, thầy nói-trò nghe, thầy đọc-trò chép (hay copy); để chuyển sang việc trợ giúp và bồi dưỡng năng lực tự học cho người học; tổ chức việc học (thiết kế) để sinh viên tự chiếm lĩnh lấy tri thức và kĩ năng.

Written by Tấn Dương