Tam tài từ hơn hai ngàn năm trước tới nay vẫn cụm ba ấy: Chân-Thiện-Mỹ. Nó thâu tóm các lĩnh vực tri thức mà ta cần học hỏi. Có khi ba trong một, có khi phân li. Bao nhiêu tri thức loài người gom hết vào ba nhóm. Tam tài là câu trả lời vắn tắt của “Học cái gì?” Học cho vỡ được cái chân lí, cái sự thật; vỡ ra cái thiện cái tốt; cảm được cái đẹp đẽ. Học để biết cho rõ, để dùng chúng mà sinh nhai, để mà chung sống hài hòa với nhau, học để dùng chúng mà tự tạo ra chính mình.

Từ cái đế tam tài, cái cây lịch sử tri thức loài người cứ thế sinh thêm các liberal arts, chia ra các nhánh nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. Nhưng chung quy cũng là để tìm hiểu về con người, về bản thân, về thế giới tự nhiên, về các nền văn hóa, các thiết chế xã hội. Giáo dục khai phóng, xét trên phương diện “CÁI”, chính là đi vào tìm hiểu những thứ đó.

Bên cạnh đó, người ta phải dùng “CÁCH” nào đó để thâu đạt tri thức. Mục tiêu/Phương thức (hay Cái/Cách) do đó là một cặp bài trùng, có khi không tách rời. Chọn cái mà học, và chọn cách học tối ưu của từng “cái”. Mỗi một liberal art, đã sinh ra trong lịch sử, thì cũng có kỉ luật riêng của nó. Học Nghệ thuật, khác với học Khoa học, khác với học về Tâm linh. Chúng có những “kỉ luật” (cũng vì thế mà gọi là ngành là môn – discipline) khác nhau. Người ta sẽ gọi “Tư duy Nghệ thuật”, “Tư duy Khoa học”, “Tư duy Tâm linh” để phân biệt ba lĩnh vực có cách vận hành không giống nhau. Một cái của cảm xúc cá nhân, một cái của bằng chứng thực nghiệm có thể kiểm sai đi tìm chân lí khách quan, cái kia về quy luật và thực hành đạo đức và văn hóa. Nhiều người cãi nhau không hồi kết có khi chỉ vì nhẽ ngồi ở ô Nghệ thuật nói về cảm xúc lại bế nhau sang khu vực của Khoa học để cãi nhau về cái đẹp khách quan; rồi khi khác lại mất công cãi nhau về tính chân lí khách quan của niềm tin tôn giáo hoặc hương ước ở làng.

Ta học bằng đầu vào Đọc-Xem-Nghe. Chúng cũng đi theo cặp Cái/Cách: Đọc cái gì/Đọc thế nào; Xem cái gì/Xem thế nào; Nghe cái gì/Nghe thế nào. Có cách chọn vật liệu tùy ý để đưa vào đầu, có cách chọn vật liệu kĩ lưỡng hơn. Đọc sách kinh điển (nên mới sinh ra đủ thứ nào là Oxford Classics, Harvard Classics, Great Books, Columbia Core Texts…); nghe nhạc cổ điển tiêu biểu, nhạc đương đại tuyển chọn; xem các họa phẩm vĩ đại, xem phim kinh điển… Chọn kinh điển chẳng qua là do tiết kiệm. Quý hồ tinh bất quý hồ đa. Chưa kể, kinh điển là nói chuyện muôn đời, cái ngày xưa người ta bàn thế nay vẫn bàn thế; cái có thể đọc đi đọc lại được, 10 năm nữa vẫn đọc lại mà thấy mới và không lỗi mốt; chưa kể, kinh điển là thứ toàn bộ loài người đã đi qua mà tạo ra nó, và cũng chính chúng đánh dấu sự tiến hóa tri thức loài người. Ta cũng phải học cách để đọc, học cách để nghe, học cách để xem để đạt được năng suất và hiệu quả của từng việc. Không dễ gì đọc hiểu tốt một tác phẩm kinh điển nhưng khô cứng của Aristotle hay Hegel; không dễ gì giải mã Binh pháp của Tôn Tử nếu không biết cách đặt lại vào bối cảnh và mang nó ra khỏi bối cảnh cổ điển để lắp vào các tình huống kinh doanh, chiến lược hay quản trị hiện đại. Cách nghe một nhạc phẩm phổ thông đương đại ba phút mốt không giống cách nghe một bản giao hưởng dài ngót tiếng đồng hồ thuộc thời kì cổ điển. Cách xem và giải mã một bức tranh phong cảnh tả thực có thể không giống cách xem một bức tranh trừu tượng đầu thế kỉ XX. Chọn được đối tượng để học, thì cũng phải chọn được cách thức để chiếm lĩnh đối tượng đấy, xét như một mục tiêu của hiểu biết.

Nhà giáo Phạm Toàn của nhóm Cánh Buồm đúc kết cụm ba mới cho thực hành giáo dục và đổi mới: Học-Nghĩ-Làm. Học để mang vào cải thiện cách nghĩ (có ba cách nghĩ như đã kể trên, cũng là một sự hình thành qua lịch sử: Khoa học-Tâm linh-Nghệ thuật ; tương ứng với cụm ba classic Chân-Thiện-Mỹ), để cuối cùng là mang vào việc làm. Làm thì học, học mà làm. Làm là điểm cuối của việc học, cũng là một cách của sự học. Không có làm thì học thành vô ích, người thành bồ chứa chữ dài lưng tốn vải. Sớm hay muộn cũng sẽ có những trí tuệ nhân tạo có khả năng chứa toàn bộ tri thức loài người, có thể nghĩ thay cho con người nhanh hơn, hiệu quả hơn thậm chí cả một tiến sĩ. LÀM lúc ấy có tính người hơn cả. Nó đòi hỏi sự đồng cảm, nó hàm ý việc tạo ra ý nghĩa, tạo sự đổi thay vì chính con người. Vì thế nó nhân bản. Vì thế, học cho được Chân-Thiện-Mỹ nhưng kết lại phải ở việc hành dụng. Do vậy mà giáo dục khai phóng đúng nghĩa không phải là “không làm gì”, mà phải có tính hành dụng cao. Ngày xưa cũng thế, giáo dục khai phóng là giáo dục để phát triển năng lực người, dành cho con người tự do sử dụng năng lực của mình mà kiến tạo, mà tham gia tích cực vào đời sống xã hội và dẫn dắt xã hội. Thật sai lầm khi nói rằng giáo dục khai phóng là học những thứ “không để làm gì”.

Nói vậy, giáo dục khai phóng là để “làm ra chính mình”, thực hiện một cuộc chuyển hóa. Nó không phải một cuộc trao đổi như ta thường thấy ở các hoạt động giáo dục phổ biến hiện nay: Ta bỏ tiền mua một dịch vụ để cầm về tấm bằng hoặc có được một vài kĩ năng để kiếm sống hoặc phục vụ công cuộc thăng quan tiến chức. Sự chuyển hóa đó rõ ràng là mất thời gian, đòi hỏi sự cam kết tự nguyện, một cuộc leo núi đường trường mất công mất sức, và không có vẻ gì tiện lợi dễ dàng. Đó là cách đúng để chuyển mình thực sự; không phải là cách học lấy sự vui làm điều cốt yếu. Có thể bạn sẽ vui, nhưng là khoảnh khắc ngắn ngủi khi có ít nhiều thành tựu trí tuệ và phẩm cách, nhưng toàn bộ đường đi có khi cũng phải vất vả, phải chiến đấu với bản thân để không bỏ cuộc, phải vã mồ hôi, phải nỗ lực để không quay lại cái ghế thoải mái lúc trước. Vì thế, phương châm của giáo dục khai phóng cho người trưởng thành không thể là “mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui”, mà phải là một hành trình lột xác, đi từ vô minh ngạo mạn, qua dãy núi gập ghềnh của hoài nghi hoang mang mỏi mệt; đi tới chỗ có ánh sáng đạt được trạng thái vừa tự tin vừa khiêm tốn trí tuệ hơn, trưởng thành hơn, khai minh hơn và còn muốn đi con đường ấy tiếp. Học để tự hiện thực hóa bản thân, để dùng quyền năng của tri thức để kiến tạo, và cũng để tham gia tích cực vào xã hội, vào nền văn hóa và chung sống hài hòa với thiên nhiên. Đó chính là lí tưởng của Libero24. Hãy bước đi, và bắt đầu kiến tạo sự thay đổi.