Dạo này cứ ngẩn ngơ vì tiếc một cuốn sách hay bị một người bạn làm mất, cuốn “How People Learn”. Định mua lại nhưng tiếc tiền nên chưa dám nhấn nút. Nhân chuyện đọc một tác phẩm quan trọng khác, cuốn “How learning works”, mình có rút ra đây vài điểm mấu chốt để so sánh và review:

***

Cuốn thứ nhất
Dựa trên các nghiên cứu về não bộ, tư duy & tâm lý, sách có đưa ra các nguyên lý để từ đó các nhà giáo dục vận dụng vào việc tổ chức dạy và học.
Các key findings là:
1. Sinh viên đến lớp học với hiểu biết trước đó về thế giới. Nếu kiến thức đó không được quan tâm đúng mức trong tiến trình học, họ có thể thất bại trong việc thu nhận các khái niệm mới hoặc có thể họ sẽ học để đỗ trong kì thi và quay trở lại trạng thái ban đầu sau khi ra khỏi lớp học.
2. Để phát triển năng lực, sinh viên phải:
a) có được kiến thức nền sâu sắc
b) hiểu biết về các dữ liệu thực tế và các ý tưởng trong ngữ cảnh của một khung khái niệm (conceptual framework)
c) tổ chức kiến thức hữu hiệu để có thể mang ra áp dụng
3. Một cách tiếp cận giảng dạy “siêu nhận thức” (metacognitive) có thể giúp đỡ sinh viên học tập và theo dõi quá trình học tập của họ thông qua việc xác định các mục tiêu học tập, kiểm soát tiến trình hướng đến mục tiêu đó.

Thông qua các nhận định trên, các tác giả có đưa ra các khuyến cáo cho nhà giáo:
1. Nhà giáo phải nắm được và  “xử lí” hữu hiệu với các dữ liệu về hiểu biết của người học trước khi họ đến lớp
2. Nhà giáo phải giảng dạy thật kĩ lưỡng, cung cấp nhiều ví dụ thực tiễn về cùng một khái niệm và cung cấp nền tảng vững chắc về kiến thức thực tế tới người học.
3. Việc truyền dạy các kĩ năng “siêu nhận thức” nên được tích hợp vào trong chương trình, phù hợp với từng lĩnh vực.

Cuốn sách là một công trình khảo cứu công phu, nghiêm túc chỉ ra các dữ liệu khoa học thực nghiệm quan trọng về việc học. Hơn thế, nó còn cung cấp nhiều chỉ dẫn hữu ích cho người thực hành giáo dục. Tuy nhiên, sách hơi “khô”, mặc dù có rất nhiều thông tin hữu ích về quy luật tâm lí, cách phân biệt Novice-Expert, v.v. nhưng các kết luận hơi bị giàn trải. Các nhược điểm này dường như được bổ khuyết trong một công trình quan trọng khác, cuốn “How learning works”.

 ***

Cuốn thứ hai

Cuốn sách có cách tiếp cận có phần mainstream hơn, dễ theo dõi hơn: thông qua việc đặt câu hỏi, và trả lời các câu hỏi đó. Và, lời chỉ dẫn cũng có phần cụ thể, tiện cho việc thực hành hơn. Điều lí thú là, đây cũng là kết luận của một công trình khảo cứu thực nghiệm chứ không phải một cuốn cẩm nang (manual) với các chỉ dẫn “từ trên trời rơi xuống”.
Theo cách đó tác giả đưa ra một khung khái niệm trừu tượng không phụ thuộc ngành nghề, kinh nghiệm hay văn hóa, với bảy nguyên lí để trả lời câu hỏi “How learning works?”, bao gồm:

  1. Kiến thức trước khi người học tới lớp có thể trợ giúp hoặc cản trở việc học tập.
  2. Cách thức người học tổ chức kiến thức sẽ ảnh hưởng đến cách họ tìm hiểu và ápdụng những gì họ biết.
  3. Động lực của người học sẽ quy định, định hướng, và duy trì những hành động học tập.
  4. Để phát triển sự thông thạo, người  học phải có kỹ năng thành phần (component skills), thực hành tích hợp chúng,và biết khi nào để áp dụng những gì họ đã học được.
  5. Các biện pháp thực hành hướng mục tiêu cùng với các thông tin phản hồi có mục đích sẽ nâng cao chất lượng học tập của người học.
  6. Môi trường xã hội, xúc cảm,và trí tuệ có thể ảnh hưởng đến cấp độ phát triển của người học.
  7. Để trở thành người học tự định hướng, người học phải học để theo dõi và điều chỉnh phương pháp tiếp cận học tập.

****

Các quan điểm của cuốn HLW có vẻ trùng hợp nhiều với tác phẩm của Ken Bain, cuốn “What the Best College Teachers Do” mà tôi đã có dịp trích dẫn.
Cả ba cuốn đều lấy sinh viên làm trung tâm cho cách hoạt động giáo dục, lấy việc học làm chủ đạo trong các thiết kế – triển khai của người làm giáo dục. Họ không tiếp cận kiểu “hai tốt”, dường như họ muốn nói giáo dục tức là chỉ một việc thôi “học tốt”, các việc khác đều là hỗ trợ cả.

Written by Tấn Dương