Trong tiếng Việt, không ngẫu nhiên mà từ học có đi kèm với hai từ quan trọng khác tạo thành “học hỏi” -và “học hành”. Từ ấu thơ cho tới trưởng thành, chúng ta liên tục đặt ra các câu hỏi, và tri thức lớn dần từ đấy. Có thể nói không ngoa rằng, khởi nguồn tri thức chính là các câu hỏi. Vì thế, mấu chốt của cả việc học lẫn việc dạy chính là đặt câu hỏi. Không có câu hỏi, không có tư duy. Hơn thế nữa, trong thời đại của sự thừa mứa thông tin, Internet phủ khắp và các công cụ tìm kiếm lúc nào cũng sẵn sàng, việc ghi nhớ càng mất dần ý nghĩa. Các câu hỏi lúc này trở thành yếu tố quan trọng số một để một người bắt đầu với việc học. Trong khi đó, nền giáo dục Việt Nam có truyền thống “thầy đọc – trò chép” hằng nghìn năm, vì thế người dạy không có thói quen khuyến khích câu hỏi, người học thụ động ít khi đặt câu hỏi. Đây là đặc điểm hơi bất bình thường của một nền giáo dục lành mạnh. Và chính điều đó gây ra cản trở lớn cho cả việc dạy lẫn việc học. Để khơi dậy lại cái trí tò mò ham hiểu biết của người học, để việc học thực sự trở nên “tự thân”, nhà giáo sẽ phải dụng công hơn nhiều trong việc chuẩn bị cho các chiến lược hỏi-đáp để vượt qua cho kì được cái quán tính đó. Và trong tiến trình đó, rõ ràng là cả người thầy và học trò đều phải rèn luyện khả năng hỏi-đáp của mình. Và trên hết, cả hai đối tượng đó phải thành thục tư duy phản biện (critical thinking) vốn có nội hàm quan trọng chính là các câu hỏi.

Chúng ta có thể tìm thấy nhiều tư liệu về việc sử dụng câu hỏi hiệu quả thế nào trong việc học tập. Lối học theo cặp của người Do Thái (Eran Katz) khuyến khích người học đi đến tận cùng của vấn đề bằng cách đặt câu hỏi liên tục, trả lời cho một câu hỏi luôn là một câu hỏi khác. Cách học đó không chỉ giúp người học tiếp cận đến chiều sâu của chân lý mà còn giúp người học tự trải nghiệm để trưởng thành trong quá trình học tập. Và khi đã thực sự “sống” với tri thức ấy, thì nó rất khó mất đi. Đó là bí quyết để dân tộc Do Thái có khả năng ghi nhớ nổi bật, giúp họ bảo tồn được di sản trí tuệ qua hàng nghìn năm mà không cần đến nhiều văn bản. Phổ biến hơn, ngày nay phương pháp học tập dựa vào hỏi đáp của Socrates vẫn được sử dụng như là công cụ học tập cơ bản của rất nhiều lớp học. Theo đó, việc tiếp cận tri thức thường bắt đầu bằng một câu hỏi mấu chốt, tiếp sau đó là việc đối thoại hỏi-đáp liên tục cho tới  khi chân lí lộ diện một cách rõ ràng.

Ngày nay các nghiên cứu cho thấy nhiều công ty có được sự thành thành công lâu dài (xem Phương thức Toyota, Xây để trường tồn, Hướng dẫn Scrum) và bền vững là nhờ có khả năng học tập ở mức độ công ty liên tục trong thời gian dài. Ở đó, các kĩ thuật hỏi đáp, truy vấn và thanh tra được đánh giá rất cao và sử dụng thường xuyên. Chúng đóng góp rất nhiều vào phương pháp làm việc hiệu quả của tổ chức.

Người dạy học cần trang bị cho mình một kĩ năng đặt câu hỏi thành thục, chuẩn bị một danh mục các câu hỏi quan trọng của khóa học, tạo ra môi trường để khuyến khích sinh viên hỏi các câu hỏi có chất lượng; một mặt ra sức rèn luyện khả năng đặt ra các câu hỏi tốt, mặt khác trợ giúp sinh viên thực hành liên tục việc đặt câu hỏi có hiệu quả.

Phần dưới đây chủ yếu bàn về các chiến lược hỏi đáp rất tập trung trên lớp học, dành cho nhà giáo. Tuy nhiên, phạm vi ứng dụng có thể mở rộng ra các đối tượng khác không mấy khó khăn.

1. Chuẩn bị môi trường an toàn cho việc hỏi đáp

Để có được không khí sôi nổi và tự do trong hỏi-đáp, nhà giáo cần phải tạo cho được một môi trường an toàn và thoải mái để khuyến khích việc hỏi của sinh viên. Điều này là tiên quyết. Sở dĩ sinh viên không hỏi là vì họ ngại bị đánh giá, sợ bị sai, sợ bị quở trách là “lười học nên không nắm được bài”, hoặc “dốt như bò nên toàn nói sai”, hoặc “toàn hỏi những thứ vớ vẩn”, v.v. Sinh viên cần phải được khuyến khích hỏi các câu hỏi ngô nghê cũng như các câu hỏi rất thử thách. Và việc trả lời sai hay hỏi các câu hỏi không có chất lượng ấy không nhận được các phản hồi xấu từ phía người dạy hoặc bạn cùng lớp. Khi tất cả các câu hỏi hay câu trả lời đều nhận được các khuyến khích kiểu như “câu hỏi hay lắm”, “nỗ lực của bạn rất đáng khen nhưng câu trả lời chưa đúng lắm” v.v. thì sinh viên mới “yên tâm mà hỏi”.

2. Nâng cao chất lượng câu hỏi

Câu hỏi có chất lượng sẽ kích thích sự học của sinh viên. Và tất cả các câu hỏi quan trọng đều có một mục đích rõ ràng như hỏi thu hút sự chú ý và tham gia của sinh viên, hỏi để kiểm tra, hỏi để thảo luận và trao đổi, hỏi để tranh biện, hỏi để kích não hoặc đôi khi hỏi không vì mục đích hỏi mà vì mục đích tu từ. Dựa vào việc xác định rõ ràng mục đích của câu hỏi, ta có thể chuẩn bị các câu hỏi với nội dung và hình thức phù hợp. Trong quá trình chuẩn bị các câu hỏi có quan trọng, ta có thể phải trả lời hàng loạt câu hỏi như:

  • mục đích của câu hỏi này là gì?
  • nên dùng hình thức nào cho điều cần hỏi này?
  • nó có thôi thúc việc học không?
  • nó có khơi gợi trí tò mò không?
  • nó có trả lời được không?
  • nó có giúp động não không?
  • nó có tăng sự quan tâm của sinh viên đến vấn đề không?
  • nó có giúp sinh viên mở rộng tầm mắt không?
  • nó có giúp sinh viên đặt được hàng loạt các câu hỏi quan trọng khác không?

Trong quá trình giảng dạy, thảo luận, hoặc kiểm tra nhà giáo có thể cần phải quy hoạch một bảng các câu hỏi quan trọng dựa theo mức trí năng của Bloom. Việc này rất có lợi và thường mang lại hiệu quả cao vì các câu hỏi bám sát mục tiêu vốn đã được phân loại theo  các mức trí năng này. Đối với mỗi một mức độ đều có các câu hỏi đặc trưng. Các bảng dưới đây liệt kê một số từ khóa hoặc các câu hỏi đặc trưng phù hợp cho các mức độ tương ứng:

i. Mức Biết:

Từ khóa:

ai, những gì, tại sao, khi nào, ở đâu, cách nào, xác định, liệt kê, kể tên, chỉ ra, chọn.

Một số câu hỏi mẫu:

  • CPU là gì?
  • RAM lưu trữ dữ liệu như thế nào?
  • Dữ liệu được xử lí ở đâu?
  • Việc ______ xảy ra khi nào?
  • Bạn có thể miêu tả thế nào về chương trình máy tính?
  • Tại sao lại cần lưu trữ dữ liệu?
  • Khi nào cần lưu dữ liệu xuống tệp tin?
  • Bạn có thể nhắc lại khái niệm “thông tin” được không?
  • Bạn có thể chọn một trong các phương án sau?
  • Ai là người phát minh ra ngôn ngữ Java?
  • Bạn có thể liệt kê ba thành phần chính của máy tính?

ii. Mức Thông hiểu:

Từ khóa:

so sánh, tương phản, chứng minh, giải thích, mở rộng, minh họa, suy ra, phác thảo, liên hệ, phóng tác, dịch, tóm tắt, chỉ ra, phân loại

Một số câu hỏi mẫu:

  • Bạn phân loại như thế nào?
  • Bạn so sánh như thế nào?
  • Ngược lại?
  • Phát biểu hoặc giải thích theo cách của bạn?
  • Bạn có thể giải thích thêm cho rõ nghĩa?
  • Số liệu ấy có nghĩa gì?
  • Ý tưởng chính của bạn là gì?
  • Bạn có thể giải thích những gì đang xảy ra?
  • Điều đó có nghĩa là gì?
  • Bạn có thể nói gì về …..?
  • Đâu là câu trả lời tốt nhất?
  • Bạn có thể tóm tắt lại không?

iii. Mức Ứng dụng:

Từ khóa:

áp dụng,xây dựng, chọn,tạo ra, phát triển, sử dụng, tổ chức, thử nghiệm với, kế hoạch, chọn, giải quyết, sử dụng, mô hình, xác định.

Một số câu hỏi mẫu:

  • Làm sao để sử dụng chuột máy tính?
  • Bạn có thể chỉ ra các ví dụ nào?
  • Bạn có thể vận dụng các kiến thức được học để giải quyết bài toán này không?
  • Bạn có thể vận dụng các kiến thức được học để viết chương trình không?
  • Bạn sẽ cho thấy sự hiểu biết của bạn bằng cách nào?
  • Cách tiếp cận bạn sẽ sử dụng là gì?
  • Có cách nào khác không?
  • Điều gì xảy ra nếu như …?
  • Bạn có thể dùng dữ liệu này vào việc gì?
  • Bạn sẽ thay đổi những gì trong chương trình để nó chạy được?
  • Bạn định chọn biểu đồ nào để trình bày?

 iv. Mức Phân tích:

Từ khóa:

phân tích, phân loại, so sánh, ngược lại, khám phá, mổ xẻ, phân chia, kiểm tra, thanh tra, đơn giản hóa, khảo sát, tham gia, phân rã, kiểm tra, phân biệt, liệt kê, phân biệt, chủ đề, mối quan hệ, chức năng, động cơ, suy luận, giả định, kết luận

Một số câu hỏi mẫu:

  • Các thành phần của CPU là gì?
  • Các tính năng đặc trưng của trình biên dịch là gì?
  • Liên quan đến như thế nào?
  • Bạn nghĩ gì?
  • Chủ đề là gì?
  • Động cơ là gì ?
  • Bạn có thể liệt kê các bộ phận?
  • Bạn có thể can thiệp vào bộ phận nào của máy tính?
  • Bạn có thể rút ra kết luận gì?
  • Bạn sẽ phân loại như thế nào?
  • Bạn có thể xác định các phần khác nhau không?
  • Bạn có thể tìm thấy bằng chứng nào không?
  • Mối quan hệ giữa ………. và ……… là gì?
  • Chức năng của ……… là gì?

v. Mức Tổng hợp:

Từ khóa:

xây dựng, chọn, kết hợp, biên dịch, soạn, tạo, thiết kế, phát triển, ước tính, tưởng tượng, phát minh, tạo thành, nguồn gốc, kế hoạch, dự đoán, đề xuất, giải quyết, giải pháp, giả sử, thảo luận, sửa đổi, thay đổi, gốc, cải thiện, thích ứng, giảm thiểu, tối đa hóa, xóa, lý thuyết hóa, tạo ra, kiểm tra, xảy ra, thay đổi.

Một số câu hỏi mẫu:

  • Bạn sẽ thay đổi điều gì để giải quyết …….?
  • Bạn sẽ cải thiện như thế nào?
  • Điều gì sẽ xảy ra nếu ….?
  • Bạn có thể đề xuất một phương án thay thế nào không?
  • Liệu bạn có thể phát minh ra không?
  • Làm thế nào bạn sẽ thích ứng với ___ để tạo ra một sự khác biệt?
  • Bạn có thể thay đổi kế hoạch như thế nào?
  • Cần phải làm gì để tối đa hóa (tối thiểu hóa) ……. ?
  • Bạn sẽ thiết kế bằng cách nào?
  • Bạn sẽ kết hợp những gì để để cải thiện (thay đổi)?
  • Giả sử bạn có thể ___,  bạn sẽ làm gì?
  • Bạn sẽ thử nghiệm như thế nào?
  • Bạn có thể xây dựng một lý thuyết cho ….. không?
  • Bạn có thể dự đoán kết quả nếu …………. không?
  • Bạn sẽ ước tính kết quả bằng cách nào?
  • Ẩn sau con số và dữ liệu ấy là những gì?

vi. Mức Đánh giá:

Từ khóa:

chọn, kết luận, chỉ trích, quyết định, bảo vệ, xác định, tranh chấp, đánh giá, phán xét, biện minh cho, đo, so sánh, cho điểm, tỷ lệ, khuyến cáo, quyết định về, chọn, đồng ý, thẩm định, ưu tiên, ý kiến, diễn dịch, lý giải, hỗ trợ, tầm quan trọng, tiêu chuẩn, chứng minh, bác bỏ, kiểm tra, ảnh hưởng, nhận thấy, đánh giá cao, ước tính, vinh danh.

Một số câu hỏi mẫu:

  • Bạn có đồng ý với hành động đó không?
  • Bạn có đồng ý với kết quả đó không?
  • Ý kiến của bạn là gì?
  • Bạn chứng minh (bác bỏ) điều đó bằng cách nào?
  • Bạn có thể đánh giá tầm quan trọng của —— không?
  • Nó có tốt hơn nếu ……….. không?
  • Tại sao họ (nhân vật) đã chọn cách làm đó?
  • Bạn muốn khuyến nghị điều gì?
  • Bạn ước tính như thế nào?
  • Bạn sẽ trích dẫn điều khoản nào để bảo vệ các hành động đó?
  • Bạn sẽ đánh giá như thế nào?
  • Bạn có thể xác định điều đó như thế nào?
  • Bạn có thể lựa chọn những gì?
  • Bạn ưu tiên cái gì?
  • Bạn phán xét điều đó như thế nào?
  • Dựa vào những gì bạn biết, bạn sẽ giải thích điều đó như thế nào?
  • Bạn sử dụng những dữ liệu nào để hỗ trợ phương án đó?
  • Bạn sẽ biện minh cho điều đó như thế nào?
  • Bạn đã dùng những dữ liệu nào để có được kết quả đó?
  • Tại sao nó lại tốt hơn?
  • Bạn sẽ so sách các ý tưởng đó như thế nào?

 3. Các hình thức câu hỏi

Có người nhận xét thường thì chúng ta dùng 90% câu hỏi loại đóng, tức là câu hỏi kiểu có\không. Bản chất câu hỏi loại này không có tội tình gì nhưng nếu ta không biết dùng các câu hỏi loại khác, tức là tự mình giới hạn khả năng tìm hiểu vấn đề. Đối với việc giảng dạy và học tập, việc dùng đúng hình thức câu hỏi cũng không kém gì nội dung câu hỏi. Dưới đây liệt kê một số hình thức câu hỏi, đặc điểm của chúng và một số ví dụ.

i. Câu hỏi đóng

Đây là các câu hỏi kiểu có\không, là những câu hỏi thường có được câu trả lời rất nhanh. Và vì tính chất dễ dàng trả lời “có” hoặc “không” nên các câu hỏi này nếu đứng độc lập thì ít khi có tác dụng kích thích trí tò mò hay thúc đẩy việc tìm hiểu vấn đề. Những cuộc hội thoại dùng toàn các câu hỏi đóng thường kết thúc chóng vánh. Đối với mục đích học tập, có thể dùng từ “nông” và “nhanh” để mô tả các câu hỏi loại này.

Trong các bài test, hai dạng câu hỏi phổ biến nhất chính là câu hỏi Đúng\Sai (hay Có\Không) và các câu hỏi multiple choice. Bản chất của các câu hỏi loại này là đóng. Rất phù hợp với mục đích kiểm tra nhanh kiến thức, không vì mục đích học tập. Các câu hỏi loại này có thể kiểm tra được cả sáu mức độ kiến thức từ “Biết” tới “Đánh giá”.

Ví dụ:

  • Bạn có hiểu không?
  • Bạn có hứng thú với ến điều này không?
  • Đâu là các điểm mấu chốt của bài giảng này?
  • Quan điểm của bạn là gì?
  • Ai biết cái này là cái gì không?
  • iPhone ra đời năm bao nhiêu?
  • Trong các mệnh đề sau đây, cái nào mô tả đúng nhất về iPad? : iPad được gọi là máy tính bảng\iPad được coi là một dạng máy tính mini\iPad là máy tính PC cải biên\Tất cả các mệnh đề trên đều sai

ii. Hỏi điều tra-thăm dò

Đây là loại câu hỏi mở để kích thích quá trình tìm hiểu sâu hơn vấn đề. Các câu hỏi lại này thường tìm kiếm các chi tiết về lí lẽ, dẫn chứng, cảm xúc hay các phương án đầy đủ. Thông thường, các câu hỏi lại này sẽ dẫn đến hàng loạt các câu hỏi khác, khiến cho việc suy tư hoặc thảo luận kéo dài thêm, kích thích việc học tốt hơn. Nhược điểm của nó chính là “mất thì giờ”, nếu lạm dụng câu hỏi lại này, có thể ta sẽ không kiểm soát được cuộc hội thoại và sa vào ma trận các câu hỏi. Vì vậy cần có sự chuẩn bị kĩ càng hơn cho các tình huống khi đặt các câu hỏi lại này. Một gợi ý tốt cho việc chuẩn bị là luôn có được sườn của câu trả lời (hay các ”tình huống có thể xảy ra”), nhờ đó việc thảo luận được định hướng và có thể kiểm soát được thời gian.

Ví dụ:

  • Bạn có thể nói thêm về chủ đề này không?
  • Có ý kiến nào khác không?
  • Tại sao bạn lại cho rằng ….?
  • Chúng ta có bỏ lỡ điều gì nữa không?
  • Làm thế nào để ….. ?
  • Bạn có thể lấy một ví dụ không?
  • có cách nào tốt hơn không?
  • Bạn cảm thấy thế nào về vấn đề này?
  • Does it make any sense?
  • Điều này có liên quan gì đến bài học\vấn đề đang thảo luận không?

iii. Câu hỏi Socratic

Triết gia cổ Hy Lạp Socrates được coi như một trong các ông tổ của giáo dục phương Tây. Phương pháp dạy học của ông dựa chủ yếu vào việc hỏi đáp để từ đó học trò tự rút ra được bài học cho mình.  Phương pháp Socrates ấy được coi là kinh điển sư phạm và vẫn không ngừng được sử dụng và khai thác triệt để trong hàng nghìn năm nay; và mấu chốt chính là cách đặt câu hỏi đặc trưng kiểu Socrates – gọi là các câu hỏi Socratic. Các câu hỏi Socratic chủ yếu là các câu hỏi kiểu “điều tra” với các mục đích rõ rệt. Dưới đây là sáu loại câu hỏi mà Socrates đã hỏi học trò của mình:

Các câu hỏi làm rõ khái niệm

Câu hỏi loại này khiến sinh viên suy nghĩ kĩ hơn về những gì họ đang suy tư, chứng minh các khái niệm họ đang thảo luận hoặc tranh cãi. Các câu hỏi kiểu “nói thêm về” như thế này luôn yêu cầu sinh viên đi xa hơn trong suy nghĩ và học tập.

  • Tại sao lại bạn lại nói như vậy?
  • Điều bạn đang nói thực ra có nghĩa gì?
  • Điều này có liên quan gì đến chủ đề chúng ta đang nói chuyện không?
  • Bản chất của …. là gì?
  • Những điều chúng ta biết về … là gì?
  • Bạn đang nói rằng …….. hay ………?
  • Bạn có thể lấy ví dụ?
  • Bạn nhắc lại điều đó bằng cách khác được không?

Điều tra các giả định

Việc thăm dò các giả định giúp sinh viên suy nghĩ kĩ về các giả định và các niềm tin chưa từng bị chất vấn vốn đóng vai trò là nền tảng cho các lập luận của sinh viên. Các câu hỏi loại này thực sự khiến sinh viên phải đào xới gốc rễ vấn đề.

  • Chúng ta có thể giả định những gì khác không?
  • Bạn dường như đang giả định … ?
  • Bạn đã chọn những giả định đó như thế nào?
  • Xin vui lòng giải thích tại sao / làm thế nào … ?
  • Làm thế nào bạn có thể xác minh hay bác bỏ giả định?
  • Điều gì sẽ xảy ra nếu … ?
  • Bạn có đồng ý hay không đồng ý với … ?

Điều tra lý do, nguyên nhân và bằng chứng

Khi họ đưa ra một lý do cho lập luận của họ, thâm nhập vào lí do đó chứ không nghĩ nó như là có sẵn. Mọi người thường sử dụng những lí lẽ thiếu thuyết phục để hỗ trợ cho lập luận của họ.

  • Tại sao điều đó xảy ra?
  • Làm thế nào để bạn biết điều này?
  • Chỉ cho tôi … ?
  • Bạn có thể cho tôi một ví dụ về điều đó?
  • Bạn nghĩ gì về nguyên nhân … ?
  • Bản chất của việc này là gì?
  • Những lý do này có đủ tốt?
  • Điều đó có đứng vững được không?
  • Làm thế nào nó có thể bị bác bỏ?
  • Làm thế nào tôi có thể chắc chắn về những gì bạn đang nói?
  • Tại sao … xảy ra?
  • Tại sao? (hỏi nó – bạn sẽ không bao giờ có được qua một vài lần)
  • Có bằng chứng hỗ trợ những gì bạn đang nói không?
  • Dựa vào đâu để bạn nói như thế?

Đặt câu hỏi về quan điểm và lập trường

Hầu hết các lập luận được đưa ra từ một lập trường hay vị trí nhất định. Vì vậy, tấn công vào các  vị trí này. Hãy chỉ ra có nhiều quan điểm khác, lập trường khác.

  • Một cách khác để soi rọi điều này là …, điều này có hợp lý không?
  • Có những cách nào khác để nhìn vào đó không?
  • Tại sao nó lại cần thiết?
  • Ai được lợi từ điều này?
  • Sự khác biệt giữa …. và …. là gì?
  • Tại sao nó lại tốt hơn so với …?
  • Những điểm mạnh và điểm yếu của ….. là gì?
  • Việc …….. và ……….. giống nhau ở điểm nào?
  • Bạn có thể so sánh ….. và ……. như thế nào?
  • Bạn có thể nói gì về điều đó?
  • Có góc nhìn nào khác về vấn đề này không?

Điều tra ý nghĩa và hậu quả

Lập luận mà họ đưa ra có thể có những tác động hợp lý và có thể dự báo được. Điều đó có hợp lý không, có phải là là điều họ mong muốn không?

  • Sau đó, những gì sẽ xảy ra?
  • Hậu quả của việc giả định rằng …..  là gì?
  • Làm thế nào …… được sử dụng để ……..?
  • Ý nghĩa của …….. là gì?
  • Làm thế nào để … ảnh hưởng đến … ?
  • Làm thế nào để … phù hợp với những gì chúng ta học được trước đây?
  • Tại sao  … lại  quan trọng?
  • Đâu là điều tốt nhất để … ? Tại sao?

Nghi vấn về câu hỏi

Bạn cũng dùng chính câu hỏi để hỏi lại người hỏi câu hỏi đó. Trả lại quả bóng trở lại chân của họ.

  • Vậy thực ra bạn đang muốn hỏi điều gì?
  • Tại sao bạn nghĩ rằng tôi hỏi câu hỏi này?
  • Tôi có lí không? Tại sao không?
  • Tôi có thể hỏi điều gì khác không?
  • Điều đó có nghĩa là gì?

Lưu ý: bản chất câu hỏi Socratic mang tính phương pháp luận rất cao, vì vậy không dễ gì làm chủ được nó. Hơn thế, hội thoại kiểu Socrates thường rất khó chịu đối với sinh viên lần đầu làm quen với nó vì nó khiến sinh viên liên tục trong trạng thái “nhức đầu”. Vì vậy, bên cạnh việc chuẩn bị các câu hỏi Socratic, chúng ta còn phải chuẩn bị cả tinh thần đón nhận các câu hỏi khó ở sinh viên để từ đó hưởng lợi từ phương pháp này.

iv. Các câu hỏi tu từ

Mặc dù “đột lốt” câu hỏi, nhưng câu hỏi tu từ lại không nhằm mang lại giá trị cho tăng trưởng tri thức cũng như kích thích sự tìm hiểu mà cơ bản để nhấn nhá và tăng sự biểu cảm trong thuyết trình hay giảng bài. Trong quy hoạch, nhà giáo cần tối giản số lượng câu hỏi loại này để “dành thời gian” cho các câu hỏi lại khác.

Ví dụ:

  • “Chúng ta thường tự hỏi “con người thoát thai từ đâu”, đó có phải là một câu hỏi quan trọng hay không? Chúng ta còn chưa biết chừng nào chưa nghiên cứu kĩ môn này.”
  • “Có phải thời đại của PC đã hết? Nhiều dẫn chứng cho thấy nhận định này ….”

4. Chiến thuật hỏi-đáp

Với mục đích dạy học, việc hỏi đáp cần có sự chuẩn bị kĩ càng để các câu hỏi thực sự mang lại tri thức và sự ham thích tìm hiểu thêm. Mỗi một câu hỏi cần xác định rõ mục đích, hình thức và các tình huống thảo luận có thể xảy ra. Trong quá trình hỏi đáp, nhà giáo cần lắng nghe, nắm bắt tình huống, thực hiện việc trả lời, gợi mở hoặc bám đuổi bằng các câu hỏi tiếp theo, hoặc phải chuyển hướng bằng các câu hỏi hoặc nhận định mới. Mỗi một câu hỏi mấu chốt thường nhằm dẫn dắt một vấn đề, chúng cần phải được thảo luận đến nơi đến chốn và có được các kết luận chính yếu. Trong nhiều trường hợp, các kết luận thường có tính mở, và nó lại dùng một câu hỏi khác để kết thúc cuộc trao đỏi. Cuối cùng, cần đánh giá lại hiệu quả của câu hỏi và thực hiện các điều chỉnh cần thiết, hoặc tìm kiếm câu hỏi mới với thiết kế mới để thay thế.

Chuẩn bị hỏi

Để chuẩn bị cho việc hỏi đáp, ta cần chuẩn bị một danh sách các câu hỏi quan trọng, với mỗi câu hỏi đó, ta có thể sử dụng danh mục các câu hỏi sau đây để đảm bảo chúng có “chất lượng” cao nhất:

  • Mục đích của câu hỏi là gì?
  • Ai sẽ là người trả lời?
  • Các phản ứng nào là phù hợp?
  • Câu hỏi xoáy tiếp theo là gì?
  • Khi nào thì hỏi câu hỏi này?
  • Hỏi câu ấy kiểu gì?
  • Sinh viên có đủ thông tin và thời gian để tả lời câu hỏi ấy không?

Hỏi

Sau khi chuẩn bị các câu hỏi chính, thực hiện các bước sau để bắt đầu đặt câu hỏi:

  • Xác định vấn đề và câu hỏi tương ứng
  • Xác định đối tượng cần hỏi
  • Xác định các phản ứng có thể xảy ra
  • Xác định các câu hỏi bám đuổi
  • Đặt câu hỏi

Đáp

Sau khi đặt câu hỏi, cần lắng nghe để hiểu phản ứng của người được hỏi và lựa chọn hành động thích hợp. Các bước tiếp theo việc đặt câu hỏi là:

  • Lắng nghe câu trả lời hoặc phản hồi của người được hỏi
  • Nhắc lại và kiểm tra xem mình có hiểu đúng SV hay không
  • Chuyển hướng câu hỏi hoặc đáp án đến sinh viên khác nếu có thể
  • Phản hồi và tóm tắt lại các ý thảo luận chính

Đánh giá lại câu hỏi

Mỗi một câu hỏi được dùng với ý đồ nhất định, nhằm đem lại hiệu quả nhất định trong việc khơi gợi và kích thích quá trình học tập. Nhà giáo cần biết rõ hiệu quả của bản thân câu hỏi đó đến đâu, nó có mang lại hiệu ứng như mong muốn hay không. Từ việc đánh giá lại câu hỏi, chúng ta có thể có được các cải tiến hoặc thay thế cần thiết.

Cuối cùng, chúng ta cần phải đặt rào cản để tránh phải lặp lại các lỗi nhiều người hay gặp. Bảng dưới đây gồm một số điều nên tránh:

Một số điều nên tránh khi hỏi đáp

  • Hỏi toàn câu hỏi đóng
  • Lạm dụng câu hỏi định hướng (leading question)
  • Dùng nhiều câu hỏi “tại sao” không đúng chỗ
  • Dùng câu hỏi định hướng kết quả
  • Tìm kiếm các câu hỏi “một đáp án”

Đặt câu hỏi, tưởng là vấn đề đơn giản hóa ra là phức tạp. Trong khi nhiều nhà giáo hiện nay chê trách sinh viên Việt Nam lười đặt câu hỏi, thì cũng có những người đã nhận ra tầm quan trọng của kĩ năng đặt câu hỏi của chính mình, và tích cực hướng dẫn cho sinh viên. Đối với sinh viên, biết đặt câu hỏi đúng, thực ra đã đi một nửa chặng đường học hỏi rồi. Vừa là nghĩa đen của con chữ, nhưng cũng là nghĩa bóng của việc học hành thực sự.