Giảng dạy vừa có phần khoa học, vừa có phần nghệ thuật, và cả công nghệ nữa. Có lúc thì bạn sẽ cần khoa học giảng dạy hơn, lúc lại cần nghệ thuật giảng dạy hơn, lúc lại thực sự cần công nghệ giáo dục.

Khoa học của giảng dạy

Nó là khoa học ở chỗ có những nghiên cứu thực nghiệm chỉ ra làm thế này thì tốt làm thế khác thì dở. Hành động giáo dục dựa trên những sự thật được khoa học kiểm chứng. Khoa học ở đây chủ yếu bao gồm khoa học nhận thức, thần kinh học, tâm lí học, xã hội học giáo dục. Lấy ví dụ, các nhà nghiên cứu nói là việc dùng highlighter để bôi chỗ này gạch chân chỗ kia chả có tác dụng gì cả. Hay cái việc rất nhiều giáo viên thích làm là tóm tắt ý chính trong bài thực ra cũng ít tác dụng. Nếu biết những chuyện đó, thì giảng viên sẽ thôi không dùng mấy phương pháp không hiệu quả nữa.

Nó là công nghệ ở chỗ người ta thậm chí đã đẻ ra được một giải pháp kĩ thuật để trẻ con có thể đi từ chưa biết gì đến với các mục tiêu giáo dục một cách tương đối chắc chắn. Quy trình học tập tiêu chuẩn để ai thực hiện quy trình đó cũng có kết quả dự đoán được. Học lập trình trên Code.org chả hạn. Trẻ con cứ thế mà kéo thả, giáo viên chỉ cần theo dõi xem thỉnh thoảng nó vướng ở chỗ nào để thúc đẩy việc học. Đôi khi chỉ cần dừng học sinh lại một chút để giúp nó thu hoạch trước khi đi tiếp. Giáo viên không cần giảng giải gì nhiều. Thực ra, với trẻ con, càng giảng giải càng chết dở. Nhất lại là những If, For, Function.., quá khó để giảng, còn làm (như chơi) thì lại thực hiện được. Code.org đưa ra một giải pháp kĩ thuật để trẻ con có được tư duy cơ bản về computational thinking. Từng nội dung được thiết kế nhỏ để trẻ làm việc, từng chức năng của phần mềm được cân nhắc để việc làm đó được thực hiện dễ dàng, bên cạnh các chức năng để trợ giúp sự hướng dẫn từ người giáo viên. Đó chính là công nghệ giáo dục. Hay nói khác đi là một giải pháp giáo dục được thúc đẩy bởi công nghệ. Liệu có công nghệ dạy Scrum không? Có công nghệ dạy Java không? Có công nghệ dạy Kanban không? Có công nghệ dạy OKR không?

Nghệ thuật của giảng dạy

Nó là nghệ thuật ở chỗ, kể cả khi có quy trình tốt, dựa trên nguyên lí khoa học, thì người này làm vẫn không mang lại kết quả hoàn toàn giống người kia. Một giảng viên thạo việc sẽ triển khai một bài giảng được thiết kế sẵn hơi khác so với sinh viên sư phạm tập sự. Đôi khi bạn sẽ phải nói chuyện văn chương trước khi bắt đầu dạy code. Có lúc bạn lại phải bật nhạc rock lên trước khi bắt đầu một bài học chứ không phải là kể chuyện tiếu lâm. Khi nào, cái gì, với ai, ở đâu, bao nhiêu, như thế nào. Đó thực sự là nghệ thuật (art), hoặc chí ít ra là crafts. Bạn sẽ phải dùng wisdom, dùng trực giác – những thức được xây lên bằng trải nghiệm của chính bạn.

Khoa học thường thao tác trong những điều kiện rất giới hạn, không có bối cảnh.
Công nghệ thường chỉ đề ra được một vài đường đi “tiêu chuẩn” (Nhưng trong nhiều lĩnh vực, với sự lên ngôi về AI và sự sẵn sàng về Data thì có thể nó sẽ không còn như vậy nữa).
Trong khi đời sống đa dạng quá, đến mức “ngoại lệ” có khi lại là phần đa.
Đến lúc ấy, thì sự khéo léo và linh hoạt của người giáo viên thạo nghề được tích lũy qua nhiều năm học hỏi và phản tỉnh sẽ phát huy tác dụng.
Giảng viên học nghề dựa vào khoa học và công nghệ sẽ rút ngắn được nhiều thời gian bỡ ngỡ. Nhưng để tiến tới người giáo viên đỉnh cao, phần nghệ thuật của giáo dục sẽ phải phát huy vai trò của nó. Giáo viên sẽ luôn có chỗ đứng của mình, dù sống ở thế hệ Công nghiệp 1.0 hay 4.0.
Thử nhìn lại xem, bạn dùng được bao nhiêu khoa học, bao nhiêu công nghệ, bao nhiêu nghệ thuật trong bài giảng của mình rồi?

Written by Tấn Dương