Trường học nào cũng có một cái gọi là thư viện, nhưng nhiều thư viện như lại rỗng sách. Có nơi rất nhiều sách nhưng lại đóng cửa không cho ai vào. Có chỗ nhiều sách, nhưng lại toàn sách không ai đọc được. Đấy đều là thư viện chết.Tôi có dịp ghé qua vài nơi như thế, và cảm nhận nói chung là rất đau lòng.

Ở đâu (và thời đại nào đó) không có sách thì được, chứ thư viện trường học của thời đại hiện nay không có sách thì chỉ có thể liên tưởng đến hình ành về sự xuống cấp của môi trường giáo dục, sự thờ ơ với sách vở chữ nghĩa, thờ ơ với nhiệm vụ giáo dục của chính đội ngũ đang làm nên những thế hệ tương lai của đất nước.

Có lập luận cho rằng thời này ai đọc sách, đầu tư vào thư viện làm gì? Còn bao nhiêu cái thiếu thốn, sao cứ phải đầu tư vào thư viện? Nói như thế là cẩu thả.

Không nên nghĩ rằng cứ bỏ ra vài triệu mua vài trăm cuốn sách xếp vào thư viện thì 100 học sinh phải vào đó cầm lên đọc mới được gọi là hiệu quả. Cái hiệu quả của thư viện nó không dễ đo đếm như thế.

Thư viện như là 1 một biểu tượng của môi trường tri thức. Có nó, sinh khí học thuật trong trường sẽ đổi. Dù cho chỉ một người ngồi trong thư viện đọc sách say mê cũng khác hẳn là cả trường không ai đọc sách. Tất nhiên bạn sẽ thích nhiều người đọc sách khi bạn đầu tư vào một thư viện, nhưng chỉ cần một người thầy đọc sách cũng có thể thay đổi cả trường. Không cần đếm phần trăm ở đây.

Thư viện như một lời nhắc nhở về khối tri thức khổng lồ, mà một người bất kì không bao giờ lĩnh hội hết được. Sự hiện diện của những cuốn sách chưa đọc trong thư viện như lời nhắc nhở về những điều mênh mông chúng ta chưa biết, đợi chờ chúng ta khám phá.

Thư viện như thể là một hạ tầng cơ sở cho việc tự học liên tục. Có nó, việc tự học dễ hơn, cả cho giáo viên lẫn học sinh. Nếu khéo sử dụng, thư viện còn có tác dụng lớn hơn bội phần so với các chương trình đào tạo tập huấn theo phong trào năm thì mười họa mới được tổ chức.

Nghĩ về thư viện trường học, nên tính tới cơ hội mà nó mang lại, hơn là những chi phí mà chúng ta phải bỏ ra.

Tất nhiên, tôi đang muốn nói đến những thư viện sống. Tức là nói đến những thư viện có sách, có người coi sóc, và có bạn đọc.

Cái mà một trường học cần, là một người có tâm chăm sóc cho việc đọc của cả học sinh lẫn đội ngũ giảng dạy. Có người đó rồi thì sẽ có các phần còn lại. Dễ thôi.

Tiền đầu tư cho cơ sở vật chất và sách vở có thể huy động từ cựu học sinh của trường, từ các nhà hảo tâm. Sách có thể được huy động từ các thư viện tỉnh/thành phố cho đến trung ương theo diện cho mượn. Các quỹ phát triển cũng thường có sách đem cho. Các câu lạc bộ cũng thường xuyên quyên góp sách. Rất nhiều.

Nhưng chỉ có người chăm sóc cho sự đọc mới nghĩ đến việc thúc đẩy việc đọc như thế nào để thư viện nó sống động. Câu lạc bộ đọc sách, workshop hướng dẫn đọc sách, hướng dẫn tìm kiếm thông tin và nghiên cứu, talkshow với tác giả, hội chợ sách, diễn thuyết về cuốn sách hay, giới thiệu sách của các giáo viên bộ môn về những cuốn sách hay cần nghiên cứu, tập viết sách … Tất cả những sáng kiến đó có thể khiến thư viện thành một trung tâm thông tin, hoặc một trung tâm dịch vụ công cộng về sách và tự học.

Sự năng động của một thư viện dưới sự chăm sóc tận tâm của các cô thủ thư yêu nghề là không giới hạn.Và khi đó, sự phát triển về học thuật của trường đó cũng có cơ hội phát triển không biết bao nhiêu mà kể.

Written by Tấn Dương