Daniel Goleman, tác giả của cuốn “Trí tuệ xúc cảm” rất có ảnh hưởng,  cho rằng các chuẩn mực trong công việc đang thay đổi, theo đó những khả năng học thuật của cá nhân không còn giữ vị trí thống trị nữa; thay vào đó, các phẩm chất cá nhân khác trở nên cần thiết hơn bao giờ hết, đó là “tính sáng tạo, sự đồng cảm, khả năng thích ứng và thuyết phục”. Các phẩm chất đó đôi khi lại là những thứ cuối cùng quyết định thành công của cá nhân chứ không phải kĩ năng “cứng” – như khả năng chuyên môn hay chỉ số IQ cao. Các phẩm chất đó được núp dưới một dạng “trí tuệ” mà tác giả gọi nó bằng cái tên “trí tuệ xúc cảm” (EI – Emotional Intelligence). Đó chính là năng lực giúp cá nhân có thể cộng tác tốt với thế giới xung quanh, chế ngự được bản thân, động viên mình và đồng nghiệp để chinh phục những nhiệm vụ khó khăn. Những kĩ năng mềm như thế ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong công việc cũng như học tập.

Goleman nhận xét, các chương trình giáo dục hiện nay (ở Mĩ) đang bỏ sót một nhiệm vụ quan trọng, đó là “làm thế nào để giúp con người nâng cao trí tuệ xúc cảm của họ”. Nhận xét này không chỉ đúng ở Mĩ, mà còn rất có ý nghĩa của Việt Nam. Có vị Giáo sư của một trường đại học lớn của Hà Nội từng chua chát “sinh viên hiện nay hầu hết đều không có động lực học tập”. Và hầu như người ta mới chỉ đề cập tới chuyện “mất động lực”, chứ không nói cách tạo ra và duy trì như thế nào; trong khi đều biết nó là cái quyết định việc một người có nhanh chóng bắt tay vào công việc hay không. Mới thấy, cái rất quyết định tới thành công lại không được để ý rèn luyện đúng mực.

Vậy “trí tuệ xúc cảm” là gì mà quan trọng như thế? Theo Goleman, cơ cấu khả năng cảm xúc bao gồm:

  • Khả năng cá nhân
  • Khả năng tự nhận thức (nhận thức cảm xúc, tự đánh giá  mình, tính tự tin)
  • Khả năng tự điều chỉnh (tự kiểm soát, tin cậy, tận tâm, khả năng thích nghi, khả năng đổi mới)
  • Khả năng thôi thúc (nỗ lực, cam kết, chủ động, lạc quan)
  • Khả năng xã hội ( năng lực thấu cảm, kĩ năng giao tiếp)

Ta có thể thấy, tất cả các kĩ năng trên (giả sử tách hẳn khỏi khái niệm Trí tuệ Xúc cảm vốn gây tranh cãi và có phần lạ lẫm với nhiều người) đều trực tiếp ảnh hưởng đến hiệu suất công việc và học tập, không chỉ trong ngắn hạn. Phần lớn công việc (chuyên môn hay học tập) đều bắt buộc người ta phải chạy ma-ra-tông chứ không phải  “chạy nước rút”. Không có mấy phẩm chất trên, khó mà bền bỉ được. Cũng giống như các kĩ năng khác , các khả năng EI trên cũng cần được trui rèn liên tục và có ý thức.

Nhiều khi ngồi trao đổi với sinh viên, cựu sinh viên, mong muốn

của rất nhiều người từng trải (đã từng tốt nghiệp một trường khác, đã từng đi làm) là sinh viên được học và rèn luyện kĩ năng mềm từ ngay còn trên ghế nhà trường vì nó ảnh hưởng nhiều đến khả năng thành công của họ.

Quay trở lại chuyện giáo dục, về thước đo về sự thành công trong học tập, các nhà tâm lí và giáo dục học có đề cập nhiều đến bộ ba thước đo hết sức cơ bản gồm phân loại Bloom dành cho hai lĩnh vực quan trọng nhất là Trí năng (Cognitive Domain) và Xúc cảm (Affective Domain), cộng với thước đo về Psychomotor (đo độ thành thục và “nhậy” trong vận động, thao tác) tạo thành bộ thang đo mang tính phổ quát cho hầu hết các lĩnh vực. Mặc dù được đánh giá là hết sức quan trọng, nhưng các hiểu biết này vẫn không được sử dụng trong nhiều thiết kế chương trình. Nhiều chương trình đào tạo hiện nay được thiết kế với chủ yếu với mục tiêu tập trung vào lĩnh vực hiểu biết kiểu như “Kết thúc khóa học này, học viên có thể hiểu được abc, có thể làm xyz”, mà thiếu đi các mục tiêu kiểu như “có khả năng thấu cảm cao trong nhìn nhận các giá trị cơ bản của khách hàng” (trong đề cương môn “phát triển phần mềm” – ví dụ thế). Các chương trình phát triển các kĩ năng mềm thường được tác biệt (đấy là nếu có) dưới dạng các môn học thêm, các chương trình chơi-bời-vui-là-chính, chứ không đặt vào bối cảnh thực sự như là phần quan trọng trong khả năng cần có của một chuyên gia (chuyên viên”. Đây có thể là nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc thiếu sót các kĩ năng mềm cần thiết cho công việc, trong đó là các khả năng về cảm xúc.

Tuy vậy, trong khi việc nhúng các mục tiêu về các lĩnh vực affective domain và psychomotor domain vào chương trình học chưa trở thành hiện thực thì chúng ta vẫn luôn có thể tự mình bắt đầu bằng cách đơn giản nhất: cầm một cuốn sách có giá trị để tự học. Phát triển EI để phát triển bản thân bằng chính nội lực. Ít nhất, những cuốn sách như “Trí tuệ xúc cảm”, hay  “Trí tuệ xúc cảm – Ứng dụng trong công việc”  có thể mang đến một vài gợi ý tốt để thay đổi.

Written by Tấn Dương