Dạo trước tôi có viết vài dòng về chuyện “Giáo sư nhà mình làm biếng quá” cũng nhằm nhắc nhở vài người về việc lười nhác trong hành nghề giáo – cái nghề có độ phức tạp thuộc loại nhất nhì trong các nghề.

Mới đây, chui vào Facebook của anh Thành Nam, đọc được lời than vãn tương tự, nhưng chua chát hơn nhiều: “ở ta nhân viên lười đằng nhân viên, lãnh đạo lười đằng lãnh đạo”. Tất cả đều lười.

Mình đồng tình.

***

Có người hay chỉ trích những người hay “chém gió”, gán cho bất kì người nào có vẻ nói nhiều một chút cái biệt “ranh” như “chém gió thành thần”, “nổ”, “quăng bom”, thậm chí to tát hơn là “thùng rỗng kêu to”. Nhưng mình nghĩ người nhà  mình cũng lười “chém” cho nó chuyên nghiệp. Những nơi chốn chém gió chuyên nghiệp vẫn còn ít quá. Nhìn trên facebook, chỉ thấy vài comment cụt lủn ra vẻ nhiệt tình ra vẻ hiểu biết. Tham gia các vụ trà đá vỉa hè thấy rất ít quan điểm đàng hoàng gãy gọn, chỉ thấy vài câu bông đùa tủn mủn. Ngày xưa “ra ngõ gặp anh hùng”, ngày nay “đi đâu cũng nghe thấy minh triết”.  Nói chung là đến chém gió cũng lười nốt.

Ngoài chuyện lười nói, lười nghĩ, lười làm, có thể kể thêm mấy chuyện lười nữa: lười đi, lười vận động, lười kết giao, lười quan sát, lười chia sẻ, v.v. và v.v.

Chữa được bệnh lười, người Việt mình chắc sẽ không nghèo không hèn như thế này. Nhưng hình như nó là chứng nan chả dễ chữa hơn tam tứ chứng khác.

lazi

Ảnh: http://www.flickr.com/photos/photokaran/5949134047/sizes/l/in/photostream/

***

Xưa có người hiền xưng Lãn Ông, tức là ông lười. Gớm lười được như cụ thì phúc cả dăm bảy cái nước Việt.

Mới vài bữa nay thôi có bạn xưng “Kẻ lười” bắt bệnh của nền giáo dục nước nhà. Ai trong ngành mà cũng lười như được bạn ấy thì giáo dục đã chả đến nỗi bê bết thế!

Hai Ông Lười đó đều phải làm việc nhiều lắm mới để lại cho đời nhiều thành quả như vậy. Với Lãn Ông là cả một nền y học cổ truyền, với Kẻ lười là một video clip chứa cả hàng trăm trang thông tin mà cậu đã xử lí, gây ra một cơn bão thực sự trên mạng Internet và các phòng họp của trường nọ vụ viện kia.

***

Lại có chuyện một Giám đốc công ty phát triển phần mềm nọ, rất khuyến khích nhân viên mình “lười”. Trong văn hóa công ty, anh chủ xướng mọi người phải nghĩ cách để chỉ phải tốn ít sức mà có được hiệu quả cao trong công việc chứ đừng có suốt ngày “cày như trâu” một cách ngu dốt. Anh học được bọn Tây câu nói “work smarter, not harder”.

Tôi không hoàn toàn đồng ý với anh về điểm này. Tôi cho rằng, chúng ta chưa thông minh, chúng ta chưa giàu, và chúng ta chưa “work hard”. Nên kẻ nông dân tôi đây khuyến nghị ta cần “WORK HARDER AND SMARTER” thì hơn.

Written by Tấn Dương